Gốm Phù Lãng theo dòng chảy thời gian

29/06/2010

AGROINFO - Sản phẩm gốm cổ truyền với thương hiệu “Phù Lãng” từ lâu đã được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Hiện nay, gốm Phù Lãng đã xuất hiện khá nhiều tại thị trường trong nước và bắt đầu vươn ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên,việc giữ gìn và phát triển thương hiệu gốm Phù Lãng xem ra vẫn còn bị coi nhẹ. Trong giới hạn khả năng cho phép, chúng tôi sẽ cố gắng đưa đến cho độc giả có được cái nhìn tổng quan về địa danh, lịch sử hình thành phát triển và những bất cập còn tồn tại của dòng gốm này.

Gốm Phù Lãng sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong
(Ảnh minh họa: Internet)

Thương hiệu gốm truyền thống Phù Lãng đã có từ xa xưa khi nó được lấy theo đúng tên gọi của địa danh nơi sản xuất ra dòng sản phẩm này. Đó là xã Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh. Phù Lãng gồm có ba thôn là Trung thôn, Thượng thôn và Hạ thôn. Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu, cách sông Lục đầu khoảng 4 Km, cách thành phố Bắc Ninh 10km và cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60 km nên rất thuận tiện cho việc giao thương bằng cả đường bộ lẫn đường thủy.

Theo các cụ cao niên ở Phù Lãng cho biết: Người được suy tôn là ông tổ của làng nghề có tên là Lưu Phong Tú – Một quan viên thời Lý được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong thời gian đó, ông đã học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này được truyền vào vùng dân cư đôi bờ sông Lục Đầu sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Đến khoảng thế kỉ thứ XIII – Nghĩa là cuối thời Trần đầu thời Lê nghề gốm bắt đầu được truyền đên Phù Lãng Trung. Sản phẩm gốm Phù Lãng xưa chủ yếu là là chum vại, ấm đất, chậu cảnh và tiểu sành....Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn trưng bày một số sản phẩm có niên đại khoảng thế kỷ 17 - 19.

Gốm Phù Lãng có sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta gọi chung là men da lươn. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.

Khác với những sản phẩm gốm lấy chất liệu từ “xương” đất sét xanh của Thổ Hà (Bắc Giang), sét trắng của Bát Tràng (Hà Nội), gốm Phù Lãng được tạo nên từ “xương” đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Đất được chở về Phù Lãng theo đường sông. Điều này rất thuận lợi do Phù Lãng khi không phải lấy đất sét tại chính làng mình, do đó đã không làm vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan làng nghề.

Dưới bàn tay của những người thợ thủ công, đất sét được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định và được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn. Sau đó là công đoạn tráng men. Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng (loại cây mà khi đốt, tàn tro trắng như vôi, như tàn thuốc. Ngày nay nghệ nhân Phù Lãng thường dùng tứ thiết là lim, sến, táu, nghiến), hai là vôi sống (vôi tả), ba là sỏi ống nghiền nát, bốn là bùn phù sa trắng. Bốn chất liệu này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn qua rây bột, từ đó chế thành một chất lỏng quánh, vàng như mật ong. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài của sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, sản phẩm có màu trắng đục.

Tiếp đến là công đoạn nung gốm. Mặc dù nằm tiếp giáp với vùng than Quảng Ninh nhưng ở Phù Lãng người ta vẫn sử dụng phương pháp truyền thống là dùng củi để nung, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi. Xương đất sét có màu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao, xương gốm chuyển màu gan gà, với hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen (thường gọi là men da lươn). Nếu như vẻ đẹp của gốm sứ Bát Tràng là sự đa dạng về nước men và những nét vẽ tinh tế, thì hồn cốt của gốm Phù Lãng lại được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc của nước men da lươn này.

Mặc dù hiện nay Phù Lãng có khoảng 250 hộ làm gốm nhưng chỉ có ba cơ sở có thể tự xuất khẩu sang nước ngoài, đó là công ty gốm Nhung, công ty Trí Việt và hợp tác xã (HTX) gốm. Có bất cập trên là do đến nay Phù Lãng vẫn chưa hình thành được hiệp hội sản xuất gốm. Thực trạng đó dẫn đến việc sản xuất gốm ở Phù Lãng là “mạnh ai người ấy làm”. Đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế, việc sản xuất gốm ở Phù Lãng đến nay vẫn chưa hoàn toàn hồi phục thì việc thành lập Hội ngành nghề càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Bởi chỉ có vậy thì những cơ sở sản xuất gốm ở đây mới có khả năng trợ giúp nhau, có ý thức cùng nhau xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm cho gốm Phù Lãng trường tồn .


Phạm Khánh

Tin khác