Cần sự phân công rõ ràng hơn trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

04/11/2009

AGROINFO - Thời gian gần đây, sau rất nhiều vụ việc báo động về ATVSTP, đã có nhiều các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này được ban hành. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực này lại chưa hề giảm. Người dân đang trông chờ vào tính khả thi của Luật An toàn thực phẩm đang được trình lên Quốc hội để xem xét, thông qua trong thời gian sắp tới.

Liên tiếp các vụ việc về an toàn vệ sinh thực phẩm khiến dư luận xôn xao

Đêm 4/9, tại bến xe nước ngầm (Hà Nội), Đội quản lý thị trường số 4 và Công an quận Đống Đa đã kiểm tra một xe khách chạy tuyến Hà Nội - Cần Thơ. Trên xe chứa 26 bao tải tương đương 2,6 tấn bì lợn không giấy tờ chứng minh nguồn gốc đã được phát hiện. Theo lời khai của chủ xe, số lượng gần 3 tấn bì lợn được chở thuê cho một chủ hàng ở Cần Thơ với hành trình của chuyến đi là 2 ngày 2 đêm về Cần Thơ sẽ được dùng để làm nem. Điều đáng nói hơn là theo cơ quan thú y, phải mất một thời gian dài chủ hàng mới có thể thu gom được số bì lợn lớn đến vậy. Để bảo quản được lâu, bì lợn phải được xử lý bằng hóa chất. còn tại thời điểm bị bắt giữ số bì lợn này đã bốc mùi rất khó chịu vì một số đã bắt đầu bị phân hủy.

Không dễ để người nội trợ lựa chọn thực phẩm sạch
(Hình ảnh: naungon.com)
Tiếp đến, ngày 15/9, Đội quản lý thị trường số 15 phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an quận Hoàng Mai phát hiện hơn 1 tấn bì lợn được tập kết tại bãi xe bao bì xuất khẩu, có địa chỉ tại Km 9, đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Toàn bộ lô hàng trên đều là bì lợn đã bốc mùi, màu trắng nhờ, có biểu hiện của việc tẩm, ướp hóa chất... Chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Chủ hàng là Nguyễn Văn Luân, trú tại huyện Mê Linh (Hà Nội) khai rằng, anh ta thu gom số bì lợn trên tại các chợ ở huyện ngoại thành Hà Nội. Khi đã thu gom đủ số lượng, sẽ vận chuyển số bì lợn đó vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ.

Rạng sáng ngày 10/9, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an quận Đống Đa và Đội quản lý thị trường 4 Hà Nội, phát hiện và bắt giữ gần 3 tấn mỡ động vật đang trên đường vận chuyển về Đông Anh tiêu thụ thì bị phát hiện. Theo một cán bộ cảnh sát môi trường, không loại trừ số mỡ trên được thu mua để chế biến nhân các loại bánh trung thu gia công.

Bất ngờ kiểm tra hành chính trụ sở Công ty chế biến lâm sản xuất khẩu Thăng Long (xã Cổ Dương, huyện Đông Anh), Phòng CSMT, CA TP.Hà Nội đã phát hiện khoảng 50 tấn mỡ động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng chục tấn mỡ này được gia đình chủ hàng khai nhận ban đầu là thu mua từ nhiều địa phương. Nguyên liệu, bao gồm các loại mỡ bỏ đi của bò, trâu, ngựa, lợn… hầu hết là hàng ôi thiu, không nguồn gốc. Số nguyên liệu trên được chế biến thành mỡ nước, mỡ đặc và tóp mỡ đã đóng bao, chờ đem đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc. Chủ Công ty chế biến lâm sản xuất khẩu Thăng Long là bà Nguyễn Thị Xoa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật số thực phẩm trên.

Gần đây nhất, bắt đầu từ ngày 12/10, hàng loạt những bài viết, những đoạn video clip liên tục phản ánh hiện tượng trứng gà công nghiệp ngâm "axit" thành trứng gà ta được báo chí đăng tải, gây náo loạn thị trường.

Trong khi vấn đề ATVSTP đang dóng lên hồi chuông báo động như thế, dư luận bắt đầu quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề quản lý ATTP. Thực tế cho thấy việc quản lý VSATTP vẫn còn một số bất cập.

Quản lý về VSATTP – còn rất chồng chéo

Hiện nay, có 5 Bộ chịu trách nhiệm chính trong chuỗi cung ứng thực phẩm: đó là: sản phẩm từ đồng ruộng sau sơ chế do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Quá trình chế biến sản phẩm tại nhà máy do Bộ Công Thương; Công nhận quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Khoa học- Công nghệ; Giám sát đưa hàng vào lưu thông do Hải quan và Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vẫn khan hiếm nguồn cung thực phẩm sạch
( Hình ảnh:kienthuc.com.vn)
Theo đánh giá của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện nay hệ thống quản lý nhà nước về VSATTP mặc dù có khá nhiều bộ, ngành tham gia nhưng vẫn còn yếu, phân tán và chưa có sự phối hợp đồng bộ. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và kiểm nghiệm VSATTP còn thiếu và yếu, đặc biệt là thiếu cán bộ kỹ thuật, chuyên gia giỏi thực hiện các hoạt động kiểm nghiệm, đánh giá tồn dư chất độc, hoá chất độc hại trong thực phẩm. Ở cấp địa phương hiện nay chưa có cơ quan chuyên trách quản lý VSATTP, nhiệm vụ này được giao cho Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, huyện đảm nhiệm. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kiểm nghiệm VSATTP cũng chưa được thiết lập, trang thiết bị phục vụ kiểm nghiệm chất tồn dư còn thiếu và lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của các loại hình sản xuất thực phẩm đa dạng như hiện nay. Một số trang thiết bị hiện đại phục vụ kiểm nghiệm lại bố trí rải rác, phân tán ở các cơ sở thuộc các bộ, ngành khác nhau nên việc sử dụng không hiệu quả. Vì vậy, yêu cầu tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả chức năng quản lý VSATTP đã trở nên cấp bách trong nước hiện nay.

Phân công trách nhiệm đảm bảo ATTP của các Bộ trong dây chuyền thực phẩm


Cung cấp nguyên liệu

Sản xuất

Chế biến

Bán buôn

Bán lẻ

Người tiêu dùng

Đầu vào

Sản xuất

Chế biến

Thương mại

Thị trường

Bàn ăn

Bộ NN và PTNT

Bộ NN và PTNT

Bộ Y tế

Bộ Y tế

Bộ Y tế

Bộ Y tế

Bộ Y tế

Bộ NN và PTNT

Bộ Công thương

Bộ Công thương

Bộ Công thương

Bộ Công thương

Bộ NN và PTNT

(Thông tin tham khảo từ Đề cương “Nghiên cứu thực trạng về quản lý chất lượng, công tác vệ sinh an toàn một số nông sản nhập khẩu chính từ Trung Quốc” – Th.s Vũ Thị Kim Mão)

Tính đến thời điểm hiện tại, số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do cấp Trung ương ban hành là 337 nhưng số văn bản có sự chồng chéo cũng tới 48 loại. Nhận định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy: trong 10 năm qua, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là một trong những vấn đề phức tạp và khó quản lý nhất. Khâu vướng mắc chính là không thể phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc phối hợp quản lý lĩnh vực này. Cũng từ lý do có quá nhiều cơ quan quản lý mà chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lại ngày càng có dấu hiệu bị vi phạm.

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề gây nhiều tranh cãi từ nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Làm thế nào để giảm bớt đầu mối quản lý trong lĩnh vực này và xác định rõ phân công quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành và trách nhiệm để tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm trong việc quản lý đang gây đau đầu cho các bộ, ngành.

Trông chờ sự phân công rõ ràng hơn

Theo điều 53, dự thảo Luật An toàn thực phẩm đang trình Quốc hội xem xét, thông qua, phạm vi quản lý nhà nước về ATTP của bộ quản lý chuyên ngành được quy định cụ thể như sau:
1. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm:

a) Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật và các quy định khác liên quan về ATTP đối với sản phẩm thực phẩm; tổ chức tiếp nhận đăng ký bản công bố hợp quy của các thực phẩm và thông báo việc tiếp nhận đăng ký cho các bộ quản lý nhà nước đối với thực phẩm đó;

b) Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật và các quy định khác về ATTP đối với quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý quy định tại điểm e của Khoản này;

c) Thanh tra, kiểm tra về ATTP và xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý và các lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành khác khi cần thiết;

d) Kiểm tra hoạt động quản lý nhà nước của các Bộ, ngành về ATTP;

đ) Tổng hợp báo cáo về hoạt động quản lý ATTP;

e) Quản lý nhà nước về ATTP đối với quá trình sản xuất, kinh doanh trong nước, nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm bao gồm: thực phẩm bổ sung vi chất, thực phẩm chức năng, thực phẩm công thức dành cho trẻ nhỏ, nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP đối với quá trình sản xuất, kinh doanh trong nước, nhập khẩu, xuất khẩu bao gồm: nông, lâm, thuỷ sản và sản phẩm từ nông, lâm, thuỷ sản trừ các nội dung quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế quy định tại điểm b khoản 1 và của Bộ Công thương quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Bộ trưởng Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP đối với quá trình chế biến, kinh doanh trong nước, nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm bao gồm: rượu, bia, nước giải khát, sữa, dầu thực vật, tinh bột, mì chính, mì ăn liền, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trừ các nội dung quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế.

4. Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ khác có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương thực hiện việc quản lý nhà nước về ATTP trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

5. Đối với các vấn đề về ATTP liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ quản lý nhà nước đối với thực phẩm đó chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế và thủ trưởng các bộ, ngành liên quan tổ chức giải quyết.

Nhiều người đang trông đợi rằng với sự phân chia phạm vi rõ ràng như trên, việc quản lý nhà nước về VSATTP sẽ phát huy tối đa hiệu quả, đảm bảo đưa thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng.

AGROINFO


Tin khác