Nhói lòng chuyện khám - chữa bệnh cho nông dân

01/07/2010

AGROINFO - Chưa bao giờ chuyện chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nông dân lại trở thành vấn đề bức xúc như hiện nay. Không ít người chỉ biết chờ chết vì thiếu tiền chữa bệnh, số còn lại dù có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng chỉ kéo dài sự sống một thời gian. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Không có tiền chữa bệnh

Nhà bà Thị Loan ở ấp Bà Gồng, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) mấy tháng qua bao trùm không khí nặng nề. Bà Loan bị bệnh tim gần 6 năm nay nhưng không có tiền chữa trị. Cho đến khi không còn sức chịu đựng, bà nằm xuống bỏ lại 5 đứa con. Chồng bà Loan bùi ngùi nói: “Vợ tôi bệnh nặng đã lâu nhưng không có tiền chữa trị. Năm 2009, được Nhà nước cấp thẻ BHYT nhưng vì bệnh quá nặng nên bác sĩ cũng bó tay”. Hiện ở nhiều vùng nông thôn, những trường hợp như bà Thị Loan không phải hiếm.

 
 Hộ nông dân nghèo khó tham gia bảo hiểm y tế

Không phải nông dân không biết việc tham gia BHYT mang lại lợi ích to lớn như thế nào, nhưng với mức đóng hơn 300.000 đồng/người/năm như hiện nay, không phải gia đình nào cũng có điều kiện tham gia, nhất là hộ nghèo. Thống kê của ngành y tế Bạc Liêu cho thấy, tỷ lệ dân số tham gia BHYT trong toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 46%. Đó là con số được cộng dồn từ việc mua BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi và học sinh, còn tỷ lệ nông dân tự nguyện tham gia mua BHYT thì chẳng đáng là bao. Ngay cả các cấp Hội Nông dân, những người có thu nhập ổn định và giữ vai trò tiên phong trong vận động nông dân tham gia BHYT, số lượng tham gia BHYT cũng dừng ở con số 1.000 người, so với tổng số hơn 71.000 người.

Xuất phát từ thực tế trên nên nhiều người khi bệnh chuyển sang giai đoạn nguy hiểm mới nhập viện. Bác sĩ Trịnh Hồng Vân, Phó trưởng khoa nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu) cho biết: “Phần đông bà con đến đây điều trị khi bệnh ở giai đoạn cuối. Nguyên nhân chủ yếu là do nghèo nên không được điều trị kịp thời”.

Tại khu chạy thận nhân tạo, có một câu than khiến ai cũng phải xót xa: “Không chạy chắc chết, còn chạy thì chết chắc”. Sở dĩ có lời than vãn này vì đối với bệnh thận giai đoạn 4, nếu không chạy thận thì “chắc chết”, còn chạy thì không biết lấy đâu ra tiền. Cụ thể, những bệnh nhân đã có thẻ BHYT mỗi tuần cũng phải đóng bình quân 300.000-600.000 đồng. Đó là khoản chi phí đã trừ 20% đồng chi trả, còn không có BHYT thì phải đóng nhiều hơn. Nếu cộng tất cả các khoản chi phí cho một bệnh nhân chạy thận, cũng phải mất hơn 3 triệu đồng/tháng. Do đó, nhiều nông dân dù có BHYT nhưng cũng không thể đồng chi trả.

Đâu là nguyên nhân?

Tồn tại thực trạng đau lòng trên, ngoài nguyên nhân của cái nghèo, ý thức chăm sóc sức khoẻ của nông dân còn hạn chế, cũng phải thừa nhận một phần trách nhiệm của ngành y tế Bạc Liêu. Đó là công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu chưa kịp thời, kéo theo đó là hàng loạt những bất cập khác. Cụ thể như: chất lượng y tế tuyến cơ sở còn thấp, chỉ có 42/64 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, chưa kể sự nghèo nàn về trang thiết bị khám - chữa bệnh. Từ khi tái lập tỉnh đến nay đã hơn 10 năm, nhưng trang thiết bị y tế cho tuyến xã vẫn chỉ là những thiết bị cơ bản như: kềm, kéo, ống chích; nhiều trạm y tế tuyến xã hiện vẫn chưa được trang bị bình ô xy!?

Ông Nguyễn Kiến Thiết, Phó giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu thừa nhận: “Đáng ra, tuyến y tế ở cơ sở phải được trang bị các thiết bị cơ bản để làm tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu như: máy phân tích nước tiểu, xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hoá, siêu âm, bình ôxy...”. Đây cũng là một trong những lý do để giải thích tại sao, nông dân khi phát hiện bệnh đều đã ở giai đoạn nặng. Đó là chưa kể đến trình độ hạn chế của đội ngũ y - bác sĩ, thậm chí nhiều trạm y tế hiện chưa có bác sĩ. Mặc dù ngành y tế Bạc Liêu đã tăng cường công tác đào tào, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ y - bác sĩ, nhưng đến nay mới đạt 42/64 trạm y tế có bác sĩ.

Ông Lê Hoàng Thiển, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết: Tỷ lệ hộ nông dân tham gia BHYT hiện nay rất ít, bà con chỉ tham gia khi phát hiện bị bệnh. Trong khi đó, đối với các bệnh nặng, muốn được điều trị bằng kỹ thuật cao như: chạy thận, ung thư, bệnh nhân phải tham gia BHYT liên tục 36 tháng, còn bà con thì lúc tham gia, lúc không tham gia. Nguyên nhân do không có tiền phải đợi đến vụ thu hoạch hay bán lúa. Vì vậy, để bảo vệ tốt sức khoẻ cho nông dân, tỉnh Bạc Liêu cần thành lập Ban chỉ đạo thực hiện BHYT. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ mua BHYT cho nông dân, nhất là hộ không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.


Phạm Khánh (Theo Báo KTNT)

Tin khác