Nông dân Tây Ninh lại chặt điều làm củi

15/07/2010

AGROINFO -Thời gian vừa qua có không ít hộ dân ở nhiều địa phương trên địa bàn Tây Ninh đã tự tay chặt bỏ cây điều để tiến hành trồng mì và cao su. Bởi lẽ giá củ mì và mủ cao su luôn ở mức cao, trong khi giá cả hạt điều năm nay lại tiếp tục bấp bênh. Còn thân cây điều lại dễ bị sâu bệnh hại.

Tây Ninh - diện tích điều đang giảm do bị người dân chặt phá để chuyển đổi cây trồng(Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Vụ thu hoạch điều đầu năm 2010, giá hạt điều có thời điểm lên tới 17.000đ/kg, thì lúc này điều lại bị thất thu, năng suất rất thấp. Tới gần cuối vụ, giá hạt điều chỉ còn có 5.000đ/kg khiến cho nông dân...”ngán ngẩm”. Chính vì vậy mà hiện nay có không ít hộ nông dân tính tới việc chuyển đổi cây điều sang cây trồng mới.

Chỉ tính riêng ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu từ đầu năm đến nay đã có khoảng trên 80 hécta điều bị chặt bỏ để trồng mì và cao su. Cá biệt, có hộ nông dân có tới 10 hécta điều đang xanh tốt cũng bán cho người ta cưa làm củi với giá rất rẻ - khoảng 500.000đ/hécta cây điều. Những người trồng điều cho biết, hiện trạng cây điều trong tỉnh thường bị sâu đục thân dần dần làm cho cành và cây bị chết, chưa có biện pháp diệt sâu hữu hiệu, lại còn tình trạng khi điều trổ bông gặp sương muối hay mưa nắng thất thường cũng rất ảnh hưởng đến năng suất. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thì chưa có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để giúp người nông dân khắc phục khó khăn và nâng cao năng suất cây điều. Còn đối với người nông dân thì trồng cây gì có hiệu quả kinh tế cao là họ làm.

Mặc dù Nhà nước có nhiều biện pháp để phát triển vùng nguyên liệu điều nhằm phục vụ cho xuất khẩu nhưng xem ra, những biện pháp và nỗ lực ấy vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Phải chăng là do các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp chưa tiếp cận đến được với số đông người nông dân trồng điều?

Tại lễ hội “Quả điều vàng” được tổ chức hồi đầu năm nay ở Bình Phước, đã có người lên tiếng quan ngại về tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Còn trên thực tế, hiện nay, nước ta còn phải nhập điều nguyên liệu từ châu Phi. Vậy mà, nông dân lại đang phá bỏ vườn điều để trồng cây mới. Bất cập này, đã đến lúc Nhà nước cũng như các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hạt điều cần nhanh chóng vào cuộc, tìm ra những chính sách hỗ trợ hợp lý để động viên khuyến khích người dân chăm sóc, phát triển diện tích trồng điều. Nếu không, có thể trong tương lai gần, ngành công nghiệp chế biến hạt điều của nước ta sẽ rơi vào khủng hoảng do thiếu nguyên liệu.


Phạm Khánh

Tin khác