Nông dân Cần Giờ quyết khởi kiện Vedan chứ không nhận “hỗ trợ”

16/07/2010

AGROINFO - Sau khi không thống nhất được mức đền bù cho những thiệt hại mà Công ty Vedan gây ra, nông dân Cần Giờ đã quyết định không nhận “hỗ trợ” 7 tỷ đồng theo đề nghị của Vedan mà cương quyết đưa công ty này ra tòa.

Tại cuộc họp chiều qua giữa đại diện Vedan và Hội Nông dân TPHCM, đại diện Công ty Vedan Việt Nam chỉ đưa ra văn bản trong đó đề cập đến việc Vedan chịu trách nhiệm gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân Cần Giờ là 1,7 tỷ đồng(?). Nhưng theo Vedan, để giữ mối quan hệ thân thiện với nông dân thành phố nên sẽ “hỗ trợ” 7 tỷ đồng như cam kết trước đây.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho rằng phía Vedan cố tình kéo dài thời gian, thiếu thiện chí thương lượng. Và cách tính thiệt hại của Vedan là bất hợp lý khi cho rằng “vùng bị ảnh hưởng khác với diện tích nuôi trồng thủy hải sản”.

Đại diện Hội Nông dân TP cho biết, đồng tình với cách tính của Viện Môi trường và tài nguyên là có cơ sở khoa học rõ ràng. UBND huyện Cần Giờ xác định diện tích nuôi trồng là chính xác. Cách tính và viện dẫn của Vedan là không chính xác và thiếu thực tế.

 
      VEDAN gây ô nhiễm  cho sông Thị Vải (ảnh minh họa - nguồn Internet)

Nhiều ý kiến cho rằng, Hội Nông dân TP phải đại diện cho 839 hộ nông dân huyện Cần Giờ tiến hành lập thủ tục khởi kiện Vedan Việt Nam trong tháng 7/2010 nhằm bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Mức bồi thường theo đánh giá thiệt hại kinh tế theo đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên gây ra là 45,748 tỷ đồng. Và đây cũng là mức thiệt hại được chốt lại sau thời gian phúc tra, đánh giá trên địa bàn TPHCM.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, một khi tiến hành khởi kiện, người nông dân viết đơn khởi kiện và ủy quyền cho Hội Nông dân huyện Cần Giờ nộp hồ sơ khởi kiện tại TAND huyện Cần Giờ hoặc TAND huyện Long Thành. Riêng án phí theo quy định của ngành Tòa án thì tổng mức án phí vào khoảng 153 triệu đồng và phía nguyên đơn có thể nộp 50% án phí, tức khoảng 76,5 triệu đồng.

Vedan “cò cưa” tỷ lệ ô nhiễm

Theo Viện Môi trường và Tài nguyên, kết quả đánh giá của Viện được đưa ra sau khi các chuyên gia sử dụng phần mềm MIKE 21 của Viện Thủy lợi Đan Mạch, phần mềm đã được chấp nhận rộng rãi trên thế giới và được thương mại hóa.

Kết quả đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên cho thấy tỷ lệ gây ô nhiễm của công ty Vedan phải chịu trách nhiệm đối với khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng (H) là 89%, khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng (M) là 30,3% và khu vực bị ô nhiễm (L) là 10%. Trong khi đó Vedan đưa ra mức đánh giá tỷ lệ gây ô nhiễm tương ứng là 65%, 23% và 74%.

Tại cuộc họp, Vedan đề nghị lấy mức trung bình theo đánh giá của cả hai bên để làm cơ sở tính toán đền bù thiệt hại. Tuy nhiên Chủ tịch Hội Nông dân không đồng tình với cách tính toán như vậy là đề nghị giữ nguyên các tỷ lệ gây ô nhiễm do Viện Môi trường và Tài nguyên đánh giá.

Các tỷ lệ này cũng làm ranh giới các khu vực ô nhiễm phân vùng (H, M, L), kết quả thẩm tra, xác minh thiệt hại thực tế của địa phương là căn cứ để các bên tính toán giá trị thiệt hại mà Vedan phải có trách nhiệm bồi thường hoặc hỗ trợ cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng của ô nhiễm sông Thị Vải.

Trong khi Vedan đùn đẩy trách nhiệm của mình và “cò cưa” mức đền bù thiệt hại, ông Huỳnh Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng: “Vedan cần có những cuộc khảo sát trực tiếp các tác hại đến cuộc sống của người dân như thế nào và ảnh hưởng đến kinh tế người dân vùng biển mới có thể thấy hết nỗi khổ của người dân sống bên dòng sông Thị Vải”.

Bên lề cuộc họp, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết: “Hiện các thủ tục tố tụng đã hoàn tất và người dân sẽ khởi kiện Vedan ra tòa trong tuần tới”


Phạm Khánh (Theo Công An Nhân Dân)

Tin khác