Thiếu trung tâm dự đoán thị trường nông sản tin cậy

28/08/2010

AGROINFO - Ngành xuất khẩu nông sản nước ta đang đứng trước một nghịch lý: nông sản thi nhau bán ào ạt vào đầu mỗi vụ thu hoạch với giá thấp, nhưng khi giá trên thị trường thế giới tăng cao, doanh nghiệp và nông dân lại không còn hàng để bán

 
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard).

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) trao đổi xung quanh vấn đề này.

Vài năm gần đây lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, tiêu, nhân hạt điều… đều tăng nhưng Việt Nam thường bán ào ạt ở đầu vụ. đến cuối vụ giá tăng thì chúng ta lại không còn gì. Theo ông, nghịch lý đó có phải là do chiến lược xuất khẩu có vấn đề?

-Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Chúng ta không thể nói chiến lược xuất khẩu nông sản có vấn đề mà là chiến lược phát triển chung của nước ta đang có vấn đề thì đúng hơn.

Hiện Việt Nam có rất nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế xuất khẩu ra thị trường thế giới như cà phê, tiêu, điều, gạo, chè… nhưng người dân, doanh nghiệp phải tự tìm thị trường, tìm nguồn vốn, tự trả lời các câu hỏi trồng cây gì, bán cho ai và bán bao nhiêu. Dĩ nhiên, đó cũng có thể là điều tốt, nhưng để họ ra quyết định bán khi nào thì cần có sự hỗ trợ bằng những thông tin dự báo thị trường giá cả, biến động theo từng thời gian cụ thể. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc này.

Mặc dù nước ta đang có chính sách tạm trữ nhưng hình như không có nhiều tác động tích cực đến xuất khẩu nông sản, có phải như vậy không, thưa ông?

-Theo cá nhân tôi thì chính sách tạm trữ là cố gắng rất lớn của Chính phủ. Hiện chúng ta đang thực hiện tạm trữ cà phê, muối, gạo nhưng phải nói rằng tác động của chính sách đó đến lợi ích, thu nhập của người dân lại không rõ rệt. Vì chính sách tạm trữ đi từ ngân hàng đến doanh nghiệp nên tiến độ thực hiện rất chậm và hiệu quả không thể đo lường được một cách cụ thể.

Để chính sách tạm trữ thể hiện đúng tinh thần của nó, thay vì hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp mua nông sản tạm trữ thì nên chuyển sang hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phơi sấy nông sản, xây dựng nhà kho tạm trữ, phân bón... thì sẽ có hiệu quả cao hơn.

Ipsard đã nhìn thấy sự bất cập trong khâu dự báo thông tin thị trường và một trong những nhiệm vụ của Ipsard là dự báo thị trường nông sản, như vậy viện cũng chịu một phần trách nhiệm trong việc này?

- Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm phát triển nông nghiệp nông thôn. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm phát triển thị trường nói chung, trong đó, có thị trường nông sản. Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đã có những đề xuất về thị trường cho cả hai bộ nhưng việc đưa những chính sách này vào thực tế là thuộc về thẩm quyền của hai bộ nói trên.

Như vậy là nước ta chưa có một trung tâm hay công ty nghiên cứu thị trường nông sản để người dân, doanh nghiệp dựa vào đó để đưa ra những quyết định kinh doanh?

-Việt Nam có rất nhiều trung tâm hay công ty nghiên cứu thị trường nhưng một trung tâm nghiên cứu và dự báo những diễn biến của thị trường nông sản của thế giới và Việt Nam, có độ tin cậy cao thì chưa có theo đúng nghĩa của nó.

Xin cám ơn ông!


Phạm Khánh (Theo Thời Báo KTSG)

Tin khác