Chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc: Bài toán đã có lời giải?

21/09/2010

Phát triển Chỉ dẫn địa lý, cho phép tạo ra lợi thế nhờ những đặc trưng và sự nổi tiếng của sản phẩm, từ đó làm tăng giá trị sản xuất, thương mại của các cơ sở, doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm là một trong những sản phẩm đang được nhà nước hỗ trợ xây dựng và phát triển theo hướng này. 


Sản phẩm nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của ngành Thủy sản Việt Nam và cũng là sản phẩm đầu tiên của ngành thủy sản trên thế giới được triển khai đăng ký Tên gọi xuất xứ. Đây không chỉ là niềm vinh dự và tự hào của những người sản xuất nước mắm Phú Quốc mà còn cả người Việt Nam. Tuy nhiên kể từ ngày sản phẩm nước mắm được Cục Sở hữu Công nghiệp đăng bạ (ngày 1/6/2001) mọi hoạt động hỗ trợ đã không được tiếp tục trên thực địa, việc tư vấn xây dựng Chỉ dẫn địa lý đã tách rời hỗ trợ xây dựng tổ chức ngành hàng, do vậy kết quả đạt được bị hạn chế. Mặc dù Hội sản xuất Nước mắm Phú Quốc được hỗ trợ thành lập, nhưng công việc tổ chức các nhà sản xuất, quy trình kỹ thuật tập thể, hoạt động tập thể giữa nguời sản xuất trong Hội, giữa Hội với các tác nhân đầu ra không thực sự được quan tâm. Chúng ta chú ý nhiều đến các văn bản nhà nước hơn là tổ chức người sản xuất làm thế nào để tổ chức ngành hàng nước mắm có Chỉ dẫn địa lý ra thị trường. Sau gần 10 năm, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc đăng bạ sản phẩm có Chỉ dẫn địa lý. Quá trình tiếp cận xây dựng Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc được triển khai tương đối tốt về mặt luật pháp, nhưng thiếu vắng những tư vấn của các chuyên gia về tổ chức nông dân, tổ chức ngành hàng, marketing, quy hoạch sản xuất. Do vậy, các tác nhân chính của ngành hàng nước mắm vẫn chưa thực sự coi đó là công việc của họ và tham gia vào tích cực.

Sau rất nhiều năm chờ đợi ngày 17/10/2008 UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định 2482/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về quản lí và sử dụng chỉ dẫn địa lí Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm và quyết định 201/QĐ-UBND huyện Phú Quốc về việc ban hành ban kiểm soát nước mắm Phú Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại đã có 55 cơ sở/doanh nghiệp được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lí, tuy nhiên việc triển khai và vận hành trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn, các điều khoản quy định khó thực hiện trong quá trình kiểm soát cũng như thực hiện trên thực tế của các hộ. Ban kiểm soát nước mắm còn gặp nhiều lúng túng trong quá trình vận hành, các cơ sở được cấp quyền chưa biết sử dụng như thế nào và chưa được hưởng lợi gì nên việc cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lí mới chỉ dừng lại trên giấy tờ.




Nhận thức được tầm quan trọng của Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông nghiệp nói chung sản phẩm nước mắm nói riêng, nhóm cán bộ của Trung tâm Phát triển Nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ, tư vấn trong việc quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm. Các hoạt động hỗ trợ, tư vấn bao gồm:

-          Tư vấn xây dựng các quy chế về hoạt động kiểm soát chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm

-          Xây dựng thí điểm các mô hình quản lí Chỉ dẫn địa lý

-          Hỗ trợ vận hành các quy chế kiểm soát vào thực tế

-          Phổ biến, đào tạo, tập huấn các kiến thức về chỉ dẫn địa lý

-          Hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm chỉ dẫn địa lý…

Để sản phẩm nước mắm Phú Quốc được bảo hộ trên thị trường, ngoài việc được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, các cơ sở đều phải thực hiện nghiêm ngặt  các điều khoản của quy chế kiểm soát như: Đóng mã số thùng, ghi chép đầy đủ các thông tin trong hồ sơ kiểm soát cho từng thùng ngâm ủ, sử dụng nhãn chung cho sản phẩm, đóng chai tại Phú Quốc, dán tem Chỉ dẫn địa lý và chịu sự kiểm soát của Ban kiểm soát nội và ngoại vi…

Tại thời điểm hiện tại có 4 doanh nghiệp (DNTN Hớn  Hưng, Nam Hương, Thanh Quốc và Phúc Hưng) đã đóng mã số thùng và ghi chép hồ sơ tự kiểm soát cho từng thùng ngâm ủ và 17 doanh nghiệp đăng ký (danh sách kèm theo), cam kết thực hiện đúng các điều khoản quy định về Chỉ dẫn địa lý.

Trong thời gian tới ngoài việc tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhãn mác chung, tem chỉ dẫn địa lý, cũng như việc vận hành các quy chế kiểm soát trong thực tế. Trung tâm Phát triển nông thôn sẽ kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc tiến hành tổ chức buổi họp báo và giới thiệu sản phẩm nước mắm mang Chỉ dẫn địa lý tới người tiêu dùng. Sau thời điểm công bố sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý tất cả các đơn vị, cơ sở sản xuất nước mắm sử dụng tên Phú Quốc nếu không được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm sẽ bị xử lý theo quy định của nhà nước.

Với cách làm bài bản cộng với sự tư vấn của cơ quan đầu ngành về Chỉ dẫn địa lý, hy vọng rằng trong thời gian tới sản phẩm nước mắm Phú Quốc sẽ được mang đúng với tên gọi của nó và bài toán Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản tại Việt nam có lời giải như mong đợi.


Ngô Sỹ Đạt - Trung tâm phát triển Nông thôn

Tin khác