Thêm đất canh tác trên cồn cát hoang vu

04/10/2010

AGROINFO – Bài viết của GS. TS Nguyễn Vy gửi cho IPSARD…

LTS - GS.TS Nguyễn Vy là một nhà khoa học chuyên sâu nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, thực hiện các dự án tại nhiều địa phương trong cả nước. Dự án "Xây dựng mô hình phát triển bền vững trên cồn cát hoang hóa ven biển", triển khai tại Hà Tĩnh đã được sự quan tâm, tham gia đóng góp của GS. Từ thực tiễn dự án này, GS. TS Nguyễn Vy đã đưa ra những kinh nghiệm thực tiễn quý báu. IPSARD xin giới thiệu bài viết sau đây của ông.
***
Như chúng ta đã biết, đất là một tư liệu sản xuất đặc biêt, một đối tượng lao động độc đáo. Do phát triển công nghiệp và đô thị hóa, đất trồng trọt chỉ mất đi chứ không thể sinh sôi. Trong lúc đó, đời sống người nông dân lại cần được cải thiện rõ ràng và nhanh chóng. Một mô hình khai hoang mở rộng diện tích canh tác chẳng những không tàn phá môi trường mà còn cải tạo môi trường làm cơ sở cho phát triển bền vững đã được thực hiện thành công bước đầu ở Hà Tĩnh.

Cải tạo đất hoang hóa để mở rộng diện tích đất nông nghiệp...

Dọc bờ biển các tỉnh miền Trung có một nhóm đất diện tích khá lớn gần như đang còn hoang hoá hoặc đang khai thác khoáng sản, làm đảo lộn nghiêm trọng các tầng phát sinh. Đó là nhóm đất cồn cát trắng xám và trắng vàng ven biển - Luvic Arenosols. Riêng ở Hà Tĩnh đã có tới 17.000 hécta (cả nước vào khoảng 500.000 hecta) nơi độ phì nhiêu tự nhiên và độ phì nhiêu thực tế đều rất thấp.

Tại thôn Đồng Bạn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai một dự án mang tính kinh tế - xã hội rõ nét có tên “Xây dựng mô hình phát triển bền vững trên vùng cồn cát hoang hoá ven biển" do “Chương trình tài trợ các dự án nhỏ” (SGP) thuộc “Quỹ môi trường toàn cầu” (GEF) tài trợ cùng với nguồn kinh phí nghiên cứu và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của tỉnh.

Nhờ nhất trí từ chủ trương, biện pháp kỹ thuật sau khi đã có những phản biện có giá trị đích thực đến tổ chức thực hiện của một cộng đồng bao gồm nông dân và lãnh đạo xã Thạch Văn, cán bộ kỹ thuật nhiều ngành trong tỉnh, sự kết hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, thành công bước đầu khá rõ nét. Mới chỉ qua hơn 1 năm, cảnh quan đã hoàn toàn đổi khác. Những cồn cát trắng xám nhấp nhô đã biến mất. Có những cây trồng cho năng suất chẳng kém gì trên đất thuần thục. Cây keo lai với chức năng cây rừng mới đầy năm mà đã xanh tốt, bình quân chiều cao gấp 5 lần so với nhiều vùng lân cận, nơi cây đã 4 năm tuổi. Rễ cây rừng này tích lũy trong đất một nguồn hữu cơ không nhỏ, lại có tác dụng giữ nước, giữ phân đảng kể. Những ngôi nhà ngói kiên cố mới xây, những giếng nước ngọt trong vắt, những nông sản thu được với năng suất đáng ngạc nhiên cùng với niềm vui của nông dân, xem cán bộ phụ trách dự án như người thân trong gia đình là những minh chứng về sự đồng thuận cần có trong mọi hoạt động xã hội.

Những yếu tố hạn chế năng suất cây trồng có liên quan tới độ phì nhiêu thực tế đã được phát hiện và khắc phục, đồng thời không hề say sưa với kết quả bước đầu nên đã dự báo những tác động tiêu cực có thể phát sinh trong tương lai khi các khu công nghiệp cận kề không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, đứng hàng đầu là hiện tượng hạ thấp mực nước ngầm cũng như không liên tục bồi dưỡng cho đất chất hữu cơ lấy từ nhiều nguồn khác nhau vì cường độ khoáng hóa rất mạnh, chỉ sau một năm đã không còn tồn tại.

Dự án chỉ đưa về cho nông dân Thạch Văn một "con cá nhỏ" với một "cần câu ban đầu" . Từ cái "cần câu" ấy nông dân đã thấy tác dụng to lớn của học - kỹ thuật nên đã tự nghĩ rất nhiều "cần câu" khác. Có hộ nuôi 40 con lợn vừa nâng cao thu nhập, vừa có nguồn hữu cơ lớn để cải tạo đất. Có hộ đã đào ao vừa nuôi cá để tăng thu nhập, vừa giữ nước phòng khi gặp tiết trời khô hạn. Nhiều nông dân đã hiểu tác dụng của biện pháp thay đổi cục bộ thành phần cơ giới của đất thích ứng với từng loại cây trồng, đặc biệt là cây keo lai, đã bỏ tiền ra mua đất giàu sét có chở đến bằng xe tải. Mẫu cày cải tiến tốn ít sức người đã đem dùng. Đã biết tận dụng tất cả các nguồn hữu cơ có trên địa bàn, từ rác trong nhà đến rác ở các quán chợ.

Sẽ không khách quan nếu chỉ nói tới thành tích. Việc khảo nghiệm thăm dò cây gừng Nhật Bản và một dạng phân lỏng của một tập đoàn phân bón Mỹ có tác dụng làm tăng lượng vi sinh vật có ích trong đất, lại tiết kiệm đạm vô cơ chưa thật chu đáo ở Thạch Văn đã hạn chế một phần kết quả. Thực tiễn đó cho thấy cần có những giải pháp chính sách tích cực:

1. Mục tiêu mở rộng diện tích trên đất cồn cát hoang vu đã đạt được khá rõ ràng. Thế nhưng nếu chỉ dừng lại ở một mô hình để tham quan thì tác dụng vẫn còn hạn chế. Cần mở rộng thành một chương trình kinh tế xã hội cho những vùng có loại đất tương tự trong tỉnh.

Nên chăng cần đơn giản thủ tục cho vay vốn để tái sản xuất mở rộng cho nông dân vùng đất này ?

2. Dọc theo duyên hải miền Trung đã có những điển hình cải tạo và sử dụng đất cồn cát ven biển . Cần tổ chức những cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm và từ đó có thể xác định một chiến lược lâu dài về loại đất đặc thù này cho cả nước.

3. Xét về tác động tương hỗ của các chủ trương mang tính hệ thống trong phát triển kinh tế - xã hội thì vùng đất cồn cát là môi trường lý tưởng để trồng rau sạch xuất khẩu vì về địa lý không xa cảng Vũng Áng. Nếu đem áp dụng những kết quả đã thu được ở Thạch Văn nhân ra các vùng lân cận ngay trong tỉnh Hà Tỉnh thì sản phẩm thu được không những chủ động cung cấp cho khu công nghiệp mà còn hạ giá thành đáng kể trong xuất khẩu những nông sản chiến lược và các dược phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế cao.

GS. TS Nguyễn Vy


Tin khác