Đẩy nhanh quy hoạch vùng và thắt chặt kiểm soát chất lượng TACN

16/11/2010

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện đang là một vấn đề rất được quan tâm của các Doanh nghiệp và người dân. Quy hoạch vùng nguyên liệu như thế nào, sự khác biệt và tính hiệu quả giữa ngyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập ngoại ra sao? Agroinfo - Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện đang là một vấn đề rất được quan tâm của các Doanh nghiệp và người dân. Quy hoạch vùng nguyên liệu như thế nào, sự khác biệt và tính hiệu quả giữa ngyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập ngoại ra sao. Sẽ được giải đáp một phần trong bài trả lời của chuyên gia Trịnh Văn Tiến – Bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách – Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT.

1. Thưa ông, tại sao vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ( ví dụ như ngô) ?

Theo tôi, để trả lời câu hỏi này cần làm rõ 2 vấn đề: sản xuất nguyên liệu TACN trong nước đáp ứng NHU CẦU đến đâu? Và vấn đề QUY HOẠCH vùng nguyên liệu.

Về khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước: Tổng nhu cầu TACN cả nước mỗi năm cần khoảng 17-18 triệu tấn, chế biến công nghiệp đạt 8,5 triệu tấn, nhập khẩu 3,7-4 triệu tấn nguyên liệu, còn lại là nguồn tự cân đối trong các hộ gia đình.

Trong 4 triệu tấn nguyên liệu nhập khẩu, chúng ta nhập chủ yếu là đậu tương, ngô. Với mức năng suất ngô hiện nay (4 tấn/ha), cần dành khoảng 1 triệu ha đất để trồng ngô. Đây là một điều khó thực hiện trong khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng giảm dần.

Về vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu: trước hết cần khẳng định hiện chưa có quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu TACN. Theo tôi, nguyên nhân là do:

- Tăng trưởng ngành sản xuất TACN đạt tốc đô tăng trưởng quá nhanh (bình quân giai đoạn 2000-2010 đạt trên 15%), trong khi đó diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày tăng không đáng kể.

- Năng suất ngô tuy đã được cải thiện do hầu hết diện tích trồng giống ngô lai, nhưng so với các nước trên thế giới còn kém xa do họ sử dụng giống biến đổi gen. Hậu quả là ngô sản xuất trong nước không có khả năng cạnh tranh về giá so với ngô nhập khẩu do chi phí sản xuất quá cao.

- Như vậy, xét trên phương diện kinh tế, sản xuất nguyên liệu TACN trong nước không có lợi thế cạnh tranh. Càng sản xuất nhiều càng lỗ nếu như không thay đổi căn bản về giống.

2. Những khó khăn mà doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang gặp phải khi thu mua ngô nguyên liệu trong nước?

- Khoảng cách từ vùng sản xuất nguyên liệu đến nhà máy chế biến quá xa, nên chi phí vận chuyển cao. Chẳng hạn nhà máy chế biến TACN của CP ở Xuân Mai, khi thu mua ngô ở Sơn La phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn nhập khẩu từ cảng Hải Phòng.

- Sản xuất quy mô nhỏ, phân tán ở các hộ nông dân làm cho quá trình thu gom phải qua nhiều trung gian cũng làm chi phí tăng cao.

- Sản xuất không tập trung, sử dụng nhiều giống khác nhau, và bảo quản thô sơ là nguyên nhân dẫn đến ngô có phẩm cấp thấp, không đáp ứng được yêu cầu chế biến công nghiệp.

3. Doanh nghiệp có lợi ích gì khi sử dụng nguyên liệu nhập khẩu so với nguyên liệu trong nước (sự chủ động, giá, chất lượng..)?

- Có khả năng đáp ứng nhu cầu với khối lượng lớn

- Ngô nhập khẩu có chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất.

- Khả năng bảo quản lâu hơn

- Giá cả cạnh tranh hơn ngô trong nước, ngay cả trường hợp giá cao hơn ngô trong nước doanh nghiệp vẫn có thể chấp nhận được vì yếu tố khối lượng và chất lượng đáp ứng ngay nhu cầu sản xuất.

4. Theo ông, thì có nên cố gắng bằng mọi cách thay thế ngô nhập khẩu bằng ngô trong nước không? Vì sao?

Là một nước nông nghiệp, nhưng phải nhập khẩu nguyên liệu giống như “chở củi về rừng” là một điều mà chúng ta không mong muốn. Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận ngành chăn nuôi như các ngành sản xuất khác, cái gì có lợi thì nên làm. Khi giá ngô trong nước còn cao hơn giá thế giới thì hãy coi chăn nuôi là một ngành sản xuất gia công và như vậy cần tiết kiệm ở những khâu khác sẽ có lợi hơn là đầu tư để sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu.

Trong ngắn hạn, theo tôi, ngành chăn nuôi nên tập trung vào khâu kiểm soát chất lượng để đảm bảo người chăn nuôi không bị thua thiệt khi mua phải TACN nuôi kém chất lượng hơn là cố gắng trồng ngô để thay thế nhập khẩu.

Trong dài hạn, do quỹ đất nông nghiệp hạn hẹp, nên tăng cường ứng dụng công nghệ, giống để tăng năng suất và phát triển công nghiệp phụ trợ để chế biến các phụ phẩm trong nông nghiệp thành TACN mới có thể cải thiện được vấn đề nhập khẩu nguyên liệu TACN. Điều này rất khả quan do hiện chúng ta mới chỉ quan tâm đến chuỗi giá trị sản phẩm mà chưa quan tâm đến chuỗi giá trị đồng ruộng.

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn!


Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo) theo InfoTv

Tin khác