Quảng Bình: Ngư dân bội thu

22/04/2011

Ông Phạm Hữu Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) hồ hởi: “Khởi đầu vụ cá nam, ngư dân các xã bãi ngang huyện Lệ Thủy đã trúng mùa cá bạc má. Đặc biệt, thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục ra khơi đánh bắt. Tại các bến cá của xã Ngư Thủy Nam, thuyền đánh cá của ngư dân liên tục cập bến và mỗi ngày sản lượng cá bạc má đánh bắt ước tính từ 5 đến 6 tấn. Đối với ngư dân trong xã thì đây được coi là vụ mùa “bội thu” cá bạc má lớn nhất từ trước đến nay”.

Được chưa từng thấy
Buổi trưa, trên các bến thuyền của xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy - Quảng Bình) tấp nập người. Nhà nhà chuẩn bị lưới cụ, thực phẩm cho một chuyến ra khơi. Khoảng đầu giờ chiều, trên bờ biển rền tiếng máy, ồn ã tiếng gọi và hàng chục con thuyền nối nhau ra khơi. Khi mặt trời lấp ló chân mây cũng là lúc thuyền buông neo và ngư dân hối hả thả lưới. Anh Trần Văn Dưỡng (ở thôn Liêm Tiến), một chủ thuyền dày dạn kinh nghiệm cho biết: “Ngư dân thả lưới ở vùng nước sâu trên 28 sải tay người lớn. Lưới cho trôi theo dòng nước, gặp cá đi luồng vướng vào lưới cước sẽ nhảy lên và lúc đó cá tự đóng vào các mắt lưới bùng nhùng. Ngâm lưới từ 8 đến 10 giờ đồng hồ thì kéo lưới lại để thu hoạch cá, đến khoảng 4 giờ sáng ngày hôm sau đã đưa về từ 4 đến 5 tạ tôm, cá, trong đó cá bạc má là sản phẩm chính”.
Theo nhiều ngư dân cho hay, từ trước đến giờ chưa khi nào đi biển trúng cá bạc má như đợt này. Mỗi ngày, mỗi thuyền ra khơi cũng đánh bắt được 2-3 tạ cá bạc má. Hiện nay, với giá bán trên thị trường từ 25.000-40.000 nghìn đồng/kg thì bình quân mỗi chuyến ra khơi tàu anh cũng thu về khoảng 6-9 triệu đồng, trừ đi chí phí dầu, thực phẩm hết khoảng 1 triệu đồng, còn lại là lãi.
Hầu hết bà con ngư dân đều khấp khởi vui mừng vì sau những ngày ra khơi bám biển đã “bội thu” trở về đất liền. Thuyền về, mọi người khẩn trương chuyển cá lên bờ, ngư dân tranh thủ ăn uống, bổ sung dầu mới, nhu yếu phẩm để tiếp tục ra khơi. Tại các bến cá mọi ngày khoảng 5 giờ sáng đã vắng ngắt thì nay từng tốp, từng tốp người tấp nập, bận rộn với công việc, người đập đá, người xúc cá... Tiếng cười nói, trao đổi mua bán diễn ra nhộn nhịp, rôm rả từ lúc mới tờ mờ sáng.
Ông Nguyễn Văn Giáp (thôn Liêm Tiến), với chiếc thuyền trên 20 CV, trong mấy ngày qua liên tục bám biển và chuyến nào về cũng bội thu. Không giấu nổi niềm vui trên khuôn mặt rám nắng, ông hồ hởi nói: “Cá nhiều lắm, buông lưới một chặp là kéo lên được vài ba tạ, biển đang đẹp phải tranh thủ từng giờ”. Nói rồi ông cùng hai ngư dân vội vã ra thuyền nhổ neo xuất bến.
Vào vụ cá nam, như các năm trước thì sản phẩm chủ yếu là cá nục, cá hố… Nhưng năm nay tuyệt nhiên không thấy tăm dạng. Nhiều tàu thuyền ra khơi rồi về không, lỗ cả tiền dầu lẫn tiền ăn. Có người đã định treo lưới, bỏ thuyền để vào các tỉnh miền Nam làm thuê. Vậy rồi, từ 10/4, “vựa” cá bạc má đã làm cho ngư dân vùng biển này “giàu” hẳn lên. Ngư dân Ngô Văn Sơn lập “kỷ lục” bằng thành tích trong một đêm thu về được 7 tạ cá, lãi trên 20 triệu đồng. Hàng chục hộ gia đình nhờ vụ các bạc má này đã thu về trên 50 triệu đồng. Lão ngư dân Trần Văn Ba gần 80 tuổi, vuốt râu cười khà khà: “Tui từ lúc biết đi biển đến nay mới thấy được vụ cá lớn như vầy”.
Không hẳn trời cho
Nhiều ngư dân tâm sự chắc thấy bà con khổ quá nên trời thương mà cho vụ cá. Nhưng xem ra không phải vậy. Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây ba gian đẹp và rộng rãi, ngư dân Trần Văn Dưỡng (người đã phát hiện ra luồng cá bạc má đầu tiên) thì đó là kết quả của sự bám biểm và vận dụng cách làm sáng tạo mà thành.
Trước đó, anh Dưỡng cũng đã tìm hiểu ngư trường để áp dụng ngư cụ đánh bắt cho phù hợp. Mỗi năm anh thay một loại ngư cụ mới. Vì vậy, sản lượng đánh bắt của anh bao giờ cũng cao hơn mọi người. Khi tất cả học theo thì anh đã dùng sang loại ngư cụ khác. Vào vụ cá nam, anh Dưỡng thấy khi thả lưới ở vùng nước sâu hơn thì có dính cá bạc má. “Nếu dùng lưới có mắt nhỏ hơn chắc sẽ thu được nhiều” - nghĩ là làm, anh đặt mua một vàng lưới ni lon một lớp trị giá 27 triệu đồng đưa về. Ưu điểm của loại lưới này là có thể khai thác và đánh bắt cá ngay cả trong mùa trăng. Ngày đầu tiên thả lưới thu về được hơn tạ cá bán được gần 5 triệu đồng. Vậy là trúng rồi. Anh Dưỡng không ngần ngại thông báo cho bà con trong xã về “vựa” cá bạc má để mọi người biết khai thác.
Theo ông Trần Văn Đằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam: “Toàn xã có khoảng 275 thuyền có công suất từ 15-22CV người dân đang tận dụng thời gian để ra khơi. Trong nửa đầu tháng 4, tổng sản lượng đánh bắt cá bạc má của toàn xã đạt trên 30 tấn, cho doanh thu gần 9 tỷ đồng. Đây được xem là sự khởi đầu may mắn cho một năm ra khơi bám biển của bà con ngư dân. Từ kinh nghiệm của bà con ngư dân Ngư Thủy Nam, các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung cũng áp dụng và có được mùa cá bội thu”.
Từ chuyến đi đầu tiên của anh có sản lượng khá nên nhiều người dân trong xã đã chuyển đổi nghề khai thác và đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngư dân dùng lưới 3 lớp là loại lưới rê khơi cá hố để đánh bắt cá bạc má và chính sự ứng dụng linh hoạt này mà nhiều ngư dân đã trúng đậm. Ngoài ra, để giảm chi phí sản xuất, dẫn đến tăng hiệu quả thu nhập cho bà con ngư dân trên mỗi chuyến đi biển, các thuyền đã liên kết lại với nhau bằng hình thức, hai hoặc ba thuyền có công suất nhỏ đấu các tay lưới lại với nhau để tạo ra tay lưới dài phục vụ cho đánh bắt cá bạc má. Đồng thời, ngư dân tổ chức khai thác theo từng đôi tàu nhằm tương trợ lẫn nhau về sức kéo, khoang chứa sản phẩm...
Ăn cơm trưa xong, anh Dưỡng lại tất bật cùng vợ chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Anh phấn khởi: “Theo kinh nghiệm của tôi thì vựa cá bạc má này còn kéo dài đến cuối tháng 5 mới hết. Chắc bà con cũng đỡ khổ nhiều”. Trên đường liên xã, mấy xe ô tô đông lạnh và xe máy đang dừng đợi thuyền về cập bến để ăn hàng…
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/77267/Default.aspx


Tin khác