Phát triển ngành nghề, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp nông thôn

22/04/2011

Với nhiều chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn nhằm phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã tích cực triển khai các hoạt động khuyến công và đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

* Tại Cần Thơ, mới đây, UBND TP Cần Thơ có Quyết định số 3653/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh khuyến công phát triển làng nghề, ngành nghề công nghiệp nông thôn (CNNT) TP Cần Thơ giai đoạn 2010 - 2015. Theo đó, từ nay đến năm 2015, TP Cần Thơ phấn đấu: Xây dựng từ 2-4 địa bàn có nghề truyền thống và ngành nghề CNNT theo tiêu chí làng nghề. Phát triển từ 3-5 địa bàn có ngành nghề truyền thống và ngành nghề CNNT gắn với hoạt động du lịch. Giá trị sản xuất của làng nghề, ngành nghề CNNT chiếm từ 10-12% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của TP Cần Thơ và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 13%. Tổng nguồn kinh phí thực hiện Đề án gần 14 tỉ đồng, chủ yếu tập trung vào các nội dung như: hỗ trợ tổ chức cá nhân khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao tay nghề và truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động làng nghề, ngành nghề CNNT; hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm...
 
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công TP Cần Thơ, cho rằng: Đề án nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tính cần thiết phải giữ gìn và phát triển các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, của làng nghề, ngành nghề CNNT đã được đúc kết lâu đời qua lao động sản xuất của người dân địa phương. Ngoài ra, Đề án cũng nhằm vận động cộng đồng dân cư, người lao động tận dụng nguồn nguyên liệu có tại địa phương và khuyến khích, ủng hộ tính sáng tạo của nghệ nhân, thợ giỏi tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, đặc trưng của làng nghề, ngành nghề CNNT... Những động thái trên cùng với việc triển khai, thực hiện Đề án chắc chắn sẽ là góp phần mở hướng cho CNNT TP Cần Thơ phát triển trong thời gian tới...
* Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định vừa quyết định dành gần 17 tỷ đồng dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trong năm nay. Đây là số kinh phí lớn nhất từ trước đến nay nhằm cải thiện, nâng cao tay nghề cho người dân khu vực nông thôn, đáp ứng yêu cầu việc làm hiện nay.
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định, kinh phí này sẽ đáp ứng được tiền ăn, tiền đi lại và chi phí học nghề cho khoảng 8 nghìn 300 lao động nông thôn. Hiện nay, Sở đã công khai hơn 30 danh mục nghề khác nhau để triển khai đào tạo cho người dân nông thôn, thời gian đào tạo từ hai tháng đến ba tháng tuỳ theo đặc thù từng nghề. Điểm đáng chú ý là đối tượng học nghề sẽ ưu tiên hàng đầu cho lao động nữ trong độ tuổi lao động; lao động thuộc diện chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác và lao động nữ bị mất việc làm trong các doanh nghiệp.
* Xác định ngành nghề nông thôn là mũi nhọn để thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, tỉnh Thanh Hoá đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng hiện đại. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2015 giải quyết, tạo việc làm cho khoảng 334.000 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng lao động ở nông thôn lên trên 85%.
Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh tập trung đào tạo nguồn lao động cho nông nghiệp nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với nhu cầu sản xuất thực tiễn, phấn đấu đến năm 2015 có 40-50% tổng số lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực nông thôn được đào tạo nghề. Tỉnh khuyến khích mời các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh kèm cặp, bồi dưỡng, truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ; chuyển giao ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công; phát triển ngành nghề nông thôn gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh tích cực triển khai các chương trình, trọng điểm của ngành nông nghiệp nhằm ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ ngành nghề nông thôn như: phát triển lương thực, các cây nguyên liệu, thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp...; đồng thời thành lập các hội làng nghề, tạo điều kiện để các cơ sở tiếp thị thị trường, nhất là các mặt hàng xuất khẩu... 

Thanh Hóa cũng sẽ ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với điều kiện của các địa phương như: dự án dệt chiếu xuất khẩu tại các huyện Nga Sơn, Quảng Xương; dự án sản xuất đá xẻ tại Đông Sơn, Hà Trung; dự án sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại các huyện ven biển; dự án phát triển vùng nguyên liệu tại các huyện Quảng Xương, Nga Sơn, Quan Hoá, Mường Lát; dự án xây dựng một số mô hình sơ chế, bảo quản rau, hoa quả tại TP.Thanh Hoá, thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn; dự án phát triển ngành nghề gắn với các tuyến, điểm du lịch tại thị xã Sầm Sơn, Đông Sơn, Thọ Xuân, Hoằng Hoá...

Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn bình quân đạt từ 17,6%/năm trở lên. Mỗi năm thu hút thêm khoảng 18-20.000 lao động. Kim ngạch xuất khẩu ngành nghề nông thôn đạt trên 250 triệu USD. 
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30179&cn_id=455843


Tin khác