Thương hiệu và giá trị cho cà phê

06/05/2011

Ngày 29/4/2011, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (THV) về “Xây dựng mô hình thể chế ngành hàng, chỉ dẫn địa lý sản phẩm cà phê và HTX kiểu mới tại các vùng trồng cà phê tại 4 tỉnh Lâm Đồng, Quảng Trị, Sơn La và Điện Biên”.

P/v ông Nguyễn Văn An –Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Thái Hòa
Xin ông cho biết những nội dung cơ bản trong thoả thuận hợp tác vừa ký kết giữa THV và IPSARD?
Ông Nguyễn Văn An
Mối hợp tác công – tư giữa THV và IPSARD bao gồm 3 nội dung chính. Một là, cùng nhau xây dựng các tổ chức nông dân sản xuất cà phê dựa trên hệ thống quản lý chất lượng thực hành tốt để thiết lập mô hình hợp tác xã (HTX) cà phê kiểu mới, chi hội để tiến tới tổ chức chuỗi ngành hàng và kết nối 4 tỉnh trên với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam. Hai là, xây dựng chỉ dẫn địa lý và phát triển thương hiệu cho mặt hàng cà phê chè tại một số địa phương có điều kiện phù hợp, tiến tới mặt hàng cà phê chè được bảo hộ trong nước và Châu Âu, dựa trên tuyên truyền mô hình nông thôn mới. Ba là, IPSARD có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, duy trì hoạt động của HTX và chuỗi cung ứng cà phê từ sản xuất đến phân phối; quản lý chất lượng theo chỉ dẫn địa lý được cấp và tìm kiếm nguồn đầu tư của Trung ương và địa phương để thực hiện mô hình.
Trên cơ sở nào để THV và IPSARD đồng lòng trong mối hợp tác này, và ích lợi như thế nào đối với sự phát triển của ngành hàng cà phê ViệtNam?
Việt nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Diện tích trồng cà phê tại Việt Nam khoảng 500.000 ha với nửa triệu hộ nông dân tham gia trồng nên rất manh mún, nhỏ lẻ. Tuy khối lượng xuất khẩu nhiều, nhưng chất lượng sản phẩm không cao, nên giá bán của chúng ta luôn thấp. Chúng tôi đã tham qua các vùng trồng nguyên liệu cà phê tại Nam Mỹ, và các quốc gia khác, thấy rằng về mặt điều kiện để trồng thì Việt Nam không thua kém. Tuy nhiên nhiều năm qua chất lượng không đồng đều, thiếu ổn định khiến cho sản phẩm xuất xứ Việt Nam bị đánh giá thấp trên thị trường. THV luôn trăn trở, băn khoăn trong thời gian vừa qua, chúng tôi luôn khao khát rằng chất lượng và giá bán cà phê của nước ta phải ngang hàng với thế giới. Nói đến cà phê, người ta thường nghĩ ngay đến Tây Nguyên, chứ ít ai nhớ đến Sơn La. Nhưng thực tế Sơn La đã có nhiều năm trồng cà phê với diện tích hiện nay là 5000 ha. Tây Nguyên chỉ thích hợp với trồng cà phê Robusta (cà phê vối), đây là loại cà phê giá rẻ trên thế giới hiện chỉ 2.500 USD/tấn; trong khi cà phê Arabica (cà phê chè) – đây là loại cà phê giá đắt (hiện khoảng 3.000 USD/tấn) lại hợp với Sơn La.  Chất lượng cà phê ở Sơn La rất tốt, được khách hàng ở Mỹ rất thích, đặc biệt cà phê arabica. Chúng tôi đã thành lập công ty cổ phần trồng cà phê ở Sơn La, cùng với nông dân tích tụ đất đai để canh tác cà phê. Hiện nay với chất lượng cà phê Arabica được trồng tại Sơn La của THV được đối tác Mỹ bao tiêu toàn bộ, tuy nhiên đòi hỏi về chất lượng phải được đảm bảo. Xây dựng chỉ dẫn địa lý và hướng tới mọi lô hàng đều được cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm của các tổ chức uy tín trên thế giới là việc làm cần thiết để nâng cao giá bán cho cà phê. Để làm được điều này, cần đưa nông dân vào quy mô, tạo mối liên kết khăng khít giữa nông dân và doanh nghiệp. Trước đây, từng có nhiều nông sản đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng nếu chỉ có chỉ dẫn địa lý mà không có hướng dẫn, gắn kết nông dân canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm thì cũng sẽ không thành công. Với mô hình hợp tác xã kiểu mới, THV và IPSARD hy vọng sẽ giải quyết được những bất cập của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Nông dân tham gia mô hình HTX kiểu mới này sẽ được hưởng lợi như thế nào?
Trong 5 năm 2011-2015, chúng tôi dự định đầu tư 400 tỷ đồng để xây dựng mô hình HTX cà phê kiểu mới này. Trong đó, dành 375 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Cứ mỗi ha trồng cà phê của nông dân, chúng tôi sẽ hỗ trợ 8 triệu đồng/năm để đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và mua bảo hiểm rủi ro. Canh tác cà phê hiện nay, nông dân sử dụng khối lượng phân vô cơ quá lớn. THV có nhà máy chế biến phân vi sinh từ phế thải của các nhà máy chế biến cà phê, chúng tôi sẽ cho nông dân sử dụng tối đa phân hữu cơ, giảm phân vô cơ để nhằm tăng năng suất và đảm bảo chất lượng cà phê. Mục đích trong vòng 5 năm, THV sẽ tập hợp được khoảng 15 nghìn nông dân trong các HTX để thiết lập 4 chỉ dẫn địa lý sản phẩm tại 4 địa phương. Kỳ vọng của THV là đến năm 2015 chúng tôi có thể liên kết 15.000 ha vùng nguyên liệu tại 4 tỉnh kết hợp 15.000 ha hiện THV đang có để đảm bảo cung cấp sản phẩm cà phê chất lượng, có xuất xứ chỉ dẫn địa lý để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Chúng tôi sẽ dành 25 tỷ đồng để chi cho các hiệp hội và các tổ chức cùng tham gia xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT triển khai thí điểm bảo hiểm rủi ro cho nông dân trong một số ngành hàng, tuy nhiên cà phê chưa có trong danh sách này. Chúng tôi đang đàm phán với một số công ty bảo hiểm, với mong muốn đi tiên phong trong việc thí điểm bảo hiểm cho nông dân trồng cà phê. Có hai vấn đề rủi ro cần bảo hiểm: bảo hiểm về giá bán và bảo hiểm về thiên tai dịch bệnh. Với rủi ro do hạn hán, thiên tai, mất mùa… thì mức giá mua bảo hiểm bao nhiêu sẽ do cơ quan bảo hiểm tính toán, chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân 50-100% giá mua bảo hiểm. Còn bảo hiểm về giá bán thì chúng tôi sẽ tự làm, nông dân không cần mua bảo hiểm, chỉ cần hộ ổn định giao hàng cho chúng tôi.  Trước đây nông dân thường lâm vào tình trạng khi được mùa thì rớt giá, nhưng khi họ tham gia mô hình HTX của THV thì sẽ luôn bán được cho công ty với giá ổn định, luôn đảm bảo lúc nào cũng có lãi. Ngoài ra, khi đã coi nông dân là thành viên của doanh nghiệp, chúng tôi cũng sẽ mua bảo hiểm hưu trí cho nông dân trồng cà phê.
Công ty được hưởng lợi những gì từ chương trình?
Hiện nay, những lô hàng của chúng tôi khi xuất bán có chứng chỉ UTZ kèm theo thì đều được khách hàng thưởng thêm 170 USD/1 tấn hàng. Ngoài việc tiêu thụ cà phê chất lượng cao tại thị trường Mỹ, chúng tôi cũng ký hợp đồng với một tập đoàn ở Nhật Bản để họ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho chúng tôi. Mục tiêu đề ra khi nông dân tham gia canh tác theo quy trình kỹ thuật có kiểm soát thì năng suất bình quân sẽ tăng lên, đạt 3-4 tấn/ha, tạo ra 2,5-2,8 tấn/ha cà phê nhân xuất khẩu. Khi đó, khối lượng cà phê xuất bán của THV sẽ tương đương với sản lượng của một quốc gia cà phê nhỏ ở Nam Mỹ. Khi chúng tôi có sản lượng lớn, mọi lô hàng đều có chứng chỉ quốc tế, thì chúng tôi được quyền đàm phán trực tiếp với các nhà nhập khẩu với mức giá tốt hơn, giá ngang với các nước Nam Mỹ và sẽ không phải chịu mức trừ lùi như việc xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp trong nước hiện nay.
Vai trò và sản phẩm của IPSARD trong mối hợp tác này là gì?
 Với việc hợp tác cùng IPSARD thì THV hy vọng sẽ có thể nhận được sự tư vấn cũng như giúp đỡ trong xây dựng mô hình trồng và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê của Thái Hòa nói riêng và ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung. Từ việc tham gia hợp tác với THV, IPSARD sẽ đúc kết những kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu giúp ích cho sự phát triển của không chỉ ngành hàng cà phê mà còn với mọi ngành hàng nông sản nói chúng. Các sản phẩm cụ thể đó là: nghiên cứu về thị trường, nghiên cứu mô hình tổ chức sản xuất
ngành hàng cà phê; thông tin dự báo thị trường cà phê; xây dựng mô hình HTX kiểu mới, phân chia lợi nhuận giữa doanh nghiệp và nông dân…
AGROINFO - Theo Nhà báo Chu Khôi

Tin khác