Vinafood 1 khánh thành tổng kho chế biến, dự trữ: Bước tiến mới trong tiêu thụ, XK gạo

12/05/2011

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chương trình xây dựng kho chứa 4 triệu tấn lương thực, nông sản tại ĐBSCL, hôm qua (9/5), TCty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đã chính thức khánh thành tổng kho Lai Vung ở ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung- Đồng Tháp.

Ông Phạm Ngọc Tiến, GĐ Chi nhánh tổng kho Lai Vung – Đồng Tháp cho biết: Tổng kho được xây dựng trên diện tích 3,3 ha, với nhiều hạng mục: Nhà kho số 1 có tích lượng dự trữ khoảng 70.000 tấn và được thiết kế đồng bộ 3 dây chuyền chế biến gạo có công suất 40 – 50 tấn/giờ; nhà kho số 2 lắp đặt 2 nhà máy có công suất 800 tấn lúa/ngày và 2 dàn máy ép trấu viên có công suất 15 tấn sản phẩm/giờ, tương đương 300 tấn/ngày. Ngoài ra, còn các hạng mục khác phục vụ sản xuất. Tổng vốn đầu tư 230 tỷ đồng.
Chi nhánh Lai Vung chính thức đi vào hoạt động là bước ngoặt mở ra sự phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến nông sản và các sản phẩm từ lúa gạo tại Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung. Trong 3 tháng đi vào hoạt động, Chi nhánh Tổng kho Lai Vung đã thu mua xay xát, chế biến dự trữ trên 50.000 tấn gạo các loại và đã ép thành công trên 3.000 tấn sản phẩm trấu ép viên, tạo công ăn việc làm cho hơn 400 lao động địa phương có mức thu nhập ổn định.
Riêng tại Đồng Tháp, với việc hoàn thành Dự án Tổng kho Lai Vung, TCty Lương thực miền Bắc đã đưa tổng tích lượng kho chứa lương thực tại Đồng Tháp lên gần 200.000 tấn, góp phần tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 300 tỷ đồng/năm. Chi nhánh Tổng kho Lai Vung cũng đặt quyết tâm phấn đấu đưa mỗi năm khoảng 100.000 tấn lúa vào xay xát, 100.000 tấn gạo xay xát chế biến, 10.000 tấn sản phẩm ép viên để phục nhu cầu trong nước và xuất khẩu – ông Tiến cho biết.
Ông Nguyễn Như Lai, Chủ tịch Hội đồng thành viên TCty Lương thực miền Bắc nhấn mạnh: Chủ trương của Chính phủ là đầu tư, phát triển cơ sở chế biến và hệ thống kho chứa lương thực, nông sản tại các tỉnh ĐBSCL để nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Những năm qua cùng với nhiều doanh nghiệp khác, TCty đã tích cực đầu tư mở rộng mạng lưới thu mua, chế biến, dự trữ lương thực để xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong 2008 – 2009, TCty đã đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả hai tổ hợp chế biến dự trữ lương thực mới tại Tân Dương, Lai Vung (Đồng Tháp) và Cái Sắn, TP Long Xuyên (An Giang) với công suất 2.000 tấn gạo/ngày, tương ứng khoảng 150.000 tấn gạo/năm.
 
Trên nền tảng này, năm 2010 TCty tiếp tục mở thêm cơ sở mới “Chi nhánh Tổng Cty tại Lai Vung, Đồng Tháp”. Đây là một tổ hợp nhiều chức năng như: trực tiếp bóc vỏ trấu từ lúa, xay xát, chế biến các loại gạo thành phẩm có chất lượng cao và đặc biệt là tận dụng phế, phụ phẩm từ lúa gạo để làm nguyên liệu, nhiên liệu cho các ngành nghề, sản phẩm khác.
Ưu việt của mô hình này không đơn thuần chỉ là việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh lương thực mà còn thiết thực góp phần giải bài toán về tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh nhiên liệu chủ chốt như than, xăng dầu đều tăng giá. Đồng thời xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường, mở ra hướng mới trong thực hiện nghị quyết về nông nghiệp - nông dân - nông thôn một cách thiết thực, góp phần cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới.
Tổ hợp chế biến theo mô hình khép kín “3 trong 1” từ lúa – gạo – trấu tại Đồng Tháp tuy chưa lớn nhưng phần nào cũng đã mở ra cho TCty và nhiều doanh nghiệp chế biến lúa gạo ở ĐBSCL một lối đi mới. Với việc khai trương Chi nhánh Tổng kho Lai Vung tại Đồng Tháp đã nâng tổng số cơ sở chế biến, dự trữ hiện có của TCty tại ĐBSCL lên 21 đầu mối có tổng sức chứa 450.000 tấn gạo. Trong thời gian tới TCty tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới chế biến và hệ thống kho để nâng tích lượng tối thiểu là 500.000 tấn gạo đến cuối năm.
Ông Lê Vĩnh Tân, Bí Thư tỉnh ủy Đồng Tháp vui mừng cho biết: Lai Vung là vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống nhưng từ lâu nay nông dân làm ra sản phẩm bán cho những người ở xa đến thu mua. Vì vậy, việc TCty về đầu tư mô hình “3 trong 1” là một mô hình mới góp phần cùng địa phương chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Đây là cơ hội để người dân Tân Hòa nói riêng, người dân Lai Vung nói chung tiếp cận được những tiến bộ mới. Cái mới mà TCty làm khác hoàn toàn với các doanh nghiệp chế biến lúa gạo khác là góp phần giải quyết môi trường, năng lượng. Mô hình này hy vọng TCty nhân rộng để mang lại hiệu quả tốt nhất cho nông dân. Đây cũng là một trong những mô hình giúp địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/77996/Default.aspx


Tin khác