Làm thí điểm không thể tránh khỏi rủi ro

17/05/2011

Xung quanh việc phát triển cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang tồn tại nhiều rủi ro, PV NTNT đã phỏng vấn ông Lê Quang Thung - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Từ thời Pháp thuộc đến nay, ở nước ta, cây cao su chỉ được trồng ở miền Nam, chủ yếu là miền Đông Nam Bộ, có thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu phù hợp. Tại sao Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lại quyết định phát triển trồng cao su ở vùng núi phía Bắc, nơi không có điều kiện tự nhiên như miền Đông Nam Bộ, thưa ông?
- Khu vực Tây Bắc của nước ta giáp ranh với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc là vùng có khí hậu tương đồng, thậm chí Vân Nam có lúc còn rét, khắc nghiệt hơn cả Tây Bắc của ta nhưng cao su ở đó phát triển bạt ngàn, xanh mướt, cho năng suất cao tới 1,8 tấn/ha, trong khi vùng Đông Nam Bộ - nơi có điều kiện gần như là tốt nhất cho cao su phát triển mà cũng chỉ đạt 2 tấn/ha.
Cây cao su trồng ở các tỉnh Tây Bắc có đạt hiệu quả như mong muốn không - câu trả lời phải nhiều năm nữa mới có.
 
Tại sao Vân Nam trồng được, còn ta thì không? Trong khi vùng miền núi phía Bắc nước ta, đặc biệt là Tây Bắc hiện nay chưa có nhiều cây trồng chủ lực, đời sống người dân còn rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm đi tiên phong trồng cao su ở 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu.
Ông vừa nói các tỉnh Tây Bắc và vùng Vân Nam (Trung Quốc) có khí hậu tương đồng, vậy chúng ta dùng giống trong nước hay của Vân Nam, Trung Quốc để trồng cao su ở vùng này là phù hợp?
- Chúng ta dùng giống nghiên cứu trong nước, chứ giống của Trung Quốc rất đắt, tới 30.000 đồng/cây, cao gấp 6 lần giống trong nước.
Đợt rét đậm năm vừa rồi, cao su ở vùng này bị chết nhiều do chất lượng giống kém hay không phù hợp với thổ nhưỡng?
- Trong sự việc này báo chí nói hơi quá, không có việc cao su chết hàng loạt mà chỉ chết có khoảng 1.000 cây ở Yên Bái và Hà Giang. Vì trong giai đoạn làm thí điểm nên chúng ta không thể không tránh khỏi những vấp váp, rủi ro. Đợt rét vừa rồi, cao su chết, chúng tôi cũng bị thiệt hại lên đến gần 20 tỷ đồng. Đó chính là cái giá phải trả cho sai lầm của mình, là bài học lớn mà chúng tôi đã phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Trong đó sai lầm lớn nhất là chúng tôi đã dùng giống không phù hợp và thời điểm trồng cũng chưa đúng. Giống cao su của ta, dù đã có nghiên cứu, nâng chất lượng nhưng vẫn chưa chịu rét được. Mặc dù bài toán phát triển giống mới không hề đơn giản, phải 30-50 năm mới có được nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đặt hàng Viện Nghiên cứu cao su làm tiếp tục, để con cháu chúng ta đời sau hưởng.
“Ai phá rừng tôi không biết, nhưng Tập đoàn chưa hề phá một cây rừng nào ở khu vực này để trồng cao su.” - Ông Lê Quang Thung
Sắp tới, dẫu tốn kém, chúng tôi sẽ nhập giống của Vân Nam, Trung Quốc về trồng. Bên cạnh đó, cũng thay đổi thời điểm trồng từ tháng 9-10 như thường trồng sang năm sang trồng vào mùa xuân để né đợt rét đậm cuối năm ở 3 tỉnh này.
Tại nhiều địa phương, người ta đang lợi dụng chủ trương phát triển cao su để phá rừng. Trong chiến lược phát triển cao su ở Tây Bắc, Tập đoàn có tính đến yếu tố bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường?
Ông Lê Quang Thung - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam.
-Tôi xin khẳng định, ai phá rừng tôi không biết, nhưng Tập đoàn chưa hề phá một cây rừng nào ở khu vực này để trồng cao su. Mà ngược lại, chúng tôi trồng cao su ở vùng này là để góp phần chống xói mòn đất, ngăn lũ tràn về xuôi trong mùa mưa. Bởi đặc thù vùng này là đất đồi trọc, dốc, nhiều sỏi đá, nên mới có tình trạng bà con trồng hoa màu chỉ 1 - 2 vụ là đất hết dinh dưỡng, phải bỏ đất đó rồi phá rừng khai hoang kiếm đất khác trồng tiếp.
Chiến lược phát triển cao su ở vùng này còn chính là để tái tạo lại rừng, bảo vệ môi trường. Khi trồng cao su được ở đây, tin rằng người dân sẽ hết phá rừng.
Nói thật, phát triển cao su ở vùng này chúng tôi làm hoàn toàn vì dân, vì môi trường chứ tính về hiệu quả kinh doanh thì rất lỗ bởi giá giống cao, khí hậu khắc nghiệt, năng suất thấp hơn nhiều so với trồng ở các vùng phía Nam. Nhưng trong thời điểm còn làm thí điểm, vừa làm vừa học hỏi, không thể không có khó khăn, sai sót, rất cần sự chung lưng đấu cật của tất cả mọi người thì mới mong thay đổi được bộ mặt kinh tế của vùng này.
Đối với những ND góp đất để trở thành công nhân trồng cao su, hiện cuộc sống của họ ra sao, thưa ông?
- Hiện Tập đoàn đã phát triển trồng cao su ở 3 tỉnh Tây Bắc được 15.000ha và trong chiến lược phát triển đến 2015 là 30.000ha. Chúng tôi đưa giống và kỹ thuật lên cung cấp miễn phí cho bà con. Người dân góp đất trồng cây cao su theo dạng cổ phần với giá 10 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, những người ND này nếu vẫn muốn tiếp tục canh tác trên mảnh đất của mình thì Tập đoàn sẽ thuê họ, trở thành công nhân của Tập đoàn, được trả lương, chi thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cùng mọi chế độ khác đầy đủ".
Cụ thể thu nhập của họ thế nào?
-Tùy từng vùng và năng lực mà mỗi người có một mức thu nhập khác nhau. Báo chí cứ đi khảo sát. Tôi chỉ có thể nói là mức thu nhập bình quân của người dân trồng cao su nơi đây đã được nâng lên cao hơn gấp 3 lần trước đây.
Xin cảm ơn ông!
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Tin khác