Sướng như nông dân Quảng Ngãi

17/05/2011

Máy móc đang "gánh" cho nông dân Quảng Ngãi nhiều công đoạn vất vả nhất, như cày, băm đất, cắt…

Bớt vất vả, mệt nhọc
Trong tiếng ì ầm của những con "trâu sắt" đang băng băng "ăn lúa" trên những thửa ruộng ở cánh đồng trước nhà, thong thả nhấp ngụm trà nóng, lão nông Nguyễn Văn Tuân (65 tuổi, ở Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) chậm rãi nói: "Không như ngày trước, cứ mỗi khi vào vụ, gần như mọi người trong thôn, xóm phải tất tả thức dậy từ tinh mơ để lùa trâu, vác cày, mang cuốc ra đồng đánh vật với mấy thửa ruộng. Rồi đến kỳ thu hoạch phải lo chuyện tìm người để gặt hái, đập lúa...
Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh)
 
Mấy năm nay, máy móc đã giải phóng lao động chân tay, giảm sự vất vả, nặng nhọc cho nông dân rất nhiều". Đưa tay chỉ chiếc máy gặt đập liên hợp còn mới nằm chễm chệ trước sân, anh Võ Thành Nam (xã Tịnh Sơn) góp chuyện: Hơn 2 năm trước, nhiều người dân Tịnh Sơn không dám nghĩ rằng đến một ngày khi lúa chín, nông dân chỉ cần mang bao ra và đổ lúa vào, chở về nhà phơi. Chuyện gặt, suốt thì khỏi cần phải nghĩ gì cho mệt. Tuy thu nhập từ làm nông nghiệp không cao, nhưng giờ thì câu nói "khổ như làm nông" đã không còn đúng".
Thời của máy móc
Ông Nguyễn Tấn Công - Trưởng phòng NNPTNT Sơn Tịnh cho biết, toàn huyện có 11.200 ha đất lúa, nếu không được cơ giới hoá như hiện nay thì khó đảm bảo theo lịch thời vụ gieo sạ chỉ diễn ra trong 5-7 ngày...
Khoảng 4 năm trở lại đây, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, hàng trăm thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp đã được nông dân mua về để phục vụ sản xuất.
Anh Nguyễn Hải (xã Đức Lân, huyện Mộ Đức) không giấu giếm: Ngoài 2 chiếc máy băm để phục vụ gia đình và bà con trong vùng, vụ mùa đến tôi sẽ đầu tư thêm 250 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp.
Huyện Sơn Tịnh là một trong số những địa phương có tốc độ cơ giới hoá nông nghiệp mạnh của tỉnh. Ông Phạm Hồng Sơn - Phó phòng NNPTNT huyện cho biết: “Số máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến trong nông nghiệp ở địa phương hiện đã tăng lên con số hàng ngàn. Riêng lượng máy kéo các loại không dưới 500 chiếc, máy thu hoạch lúa trên 3.000 chiếc; còn máy gặt đập liên hợp 10 chiếc. Nhờ vậy mà nông dân trong huyện nâng được năng suất, sản lượng cây trồng, giảm thiểu thất thoát khi thu hoạch, chế biến, lợi nhuận cũng tăng hơn".
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/43294p1c34/suong-nhu-nong-dan-quang-ngai.htm


Tin khác