Xuất - nhập khẩu đang rượt đuổi nhau

30/05/2011

5 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng cao. Nhưng tình trạng nhập siêu cũng trong tình trạng khá căng thẳng.

Nhận định này được lãnh đạo Bộ Công thương, các Bộ, ngành liên quan và các hiệp hội đưa ra tại Giao ban công tác xuất nhập khẩu tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2011 diễn ra chiều 26/5 tại Hà Nội.
Xuất khẩu tăng cả về giá và lượng
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ, nâng tổng kim ngạch 5 năm tháng đầu năm lên mức 34,75 tỷ USD.
Xuất khẩu cà phê năm 2011 có thể đạt 2 tỷ USD - Phan Hữu Đễ - Tổng thư ký Hiệp hội cà phê ca cao khẳng định.
 
Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh về lượng và trị giá so với cùng kỳ như thủy sản, cà phê (giá và lượng tăng khoảng 121,7%), gạo. “Cũng thời điểm này năm ngoái, cà phê rớt giá, Nhà nước phải mua tạm trữ. Từ đầu năm đến nay, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa DN và Nhà nước nên mặt hàng này tăng giá tốt. Tuy nhiên, tính bền vững của xuất khẩu cà phê vẫn là câu hỏi lớn, nhất là chất lượng, diện tích trồng, hiện tượng tranh mua tranh bán, hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê của nông dân...” - Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đưa ra dẫn chứng và băn khoăn của mình.
Các mặt hàng khác giảm về lượng như chè, điều, tiêu... nhưng nhờ xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá trị xuất khẩu của nhóm này vẫn tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2010.
Kim ngạch xuất khẩu vào các khu vực thị trường đều tăng cao, đặc biệt là thị trường châu Âu do nhiều mặt hàng xuất khẩu vào đây được lợi về giá như nông thuỷ sản, dệt may, da giày…. Riêng thị trường châu Đại Dương giảm do xuất khẩu dầu thô giảm mạnh.
Được biết, riêng tăng giá trên thị trường thế giới chiếm tới gần 70% giá trị tăng thêm của xuất khẩu. “Chúng ta cần làm tốt công tác dự báo từ nay đến cuối năm để có sự chủ động. Chúng ta cần nhân rộng mô hình xuất khẩu gạo sang cà phê, thủy sản và nhiều mặt hàng nông sản khác” – ông Nguyễn Thành Biên lưu ý.
DN FDI đang nhập siêu
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, trong tháng 5, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) tăng cao hơn so với nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, nhập khẩu của khối FDI tăng 32,5%, còn khối trong nước chỉ tăng 27,4%. Nếu không kể dầu thô, nhập siêu của DN FDI 5 tháng đầu năm ước khoảng 1,6 tỷ USD, chiếm 25% tổng nhập siêu cả nước.
“Cần phải làm rõ các doanh nghiệp này nhập gì? Nếu là nhập nguyên vật liệu, máy móc cho sản xuất xuất khẩu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước thì đáng mừng. Nhưng các số liệu cho thấy, các DN FDI đang nhập khẩu các loại hàng hoá không tạo ra giá trị xuất khẩu” - Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nói.
Giá hàng hoá nhập khẩu 5 tháng qua tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010, bình quân khoảng 24%, trong đó nhiều mặt hàng tăng rất cao như xăng dầu cao su, bông, sợi, kim loại thường… Theo ước tính sơ bộ, giá và lượng hàng hoá tăng đã góp phần đưa kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 9,4 tỷ USD. Chỉ tính do yếu tố tăng giá đã làm nhập siêu tăng thêm 1,5 tỷ USD.
Trong 3 nhóm hàng nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng cần nhập khẩu đạt mức cao nhất (34,6%). Trong khi đó, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu đã giảm nhẹ (2,2%) và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu chỉ tăng 13,8%. “Đây là kết quả rất tích cực trong việc kiểm soát nhập khẩu hai nhóm hàng này” - Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định.
Thực tế, tỷ lệ nhập siêu trên xuất khẩu vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu của Chính phủ đề ra. Lý do chính là các biện pháp chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hoá cần hạn chế và kiểm soát nhập khẩu mà tỷ trọng của hai nhóm này rất thấp trong tổng kim ngạch nhập khẩu (chiếm 16,9%) nên việc giảm nhập siêu chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, nhóm hàng cần nhập khẩu gồm máy móc, thiết bị vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu chiếm tỷ trọng khoảng 83,1% mà “Các biện pháp quản lý nhập đối với nhóm này chưa thật sự phát huy tác dụng” - Thứ trưởng Nguyễn thành Biên thừa nhận.
Kết thúc tháng thứ 5/2011, có thể khẳng định nhiệm vụ kiểm soát nhập siêu ở mức 16% khó khả thi. Bởi, 5 tháng nhập siêu đã khoảng 18,8%. Hiện, nhập siêu 5 tháng đang ở con số 41,3 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2010.
Cần những bước đi dài hơi
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, 7 tháng còn lại là chặng đường rất dài để giải bài toán nhập siêu. Bài toán này cũng khó như câu chuyện kiềm chế lạm phát.
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp trong ngành, ông Phan Hữu Đễ - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam khẳng định, cần đảm bảo vốn cho doanh nghiệp thu mua cà phê. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước cCa ngành cà phê đang phải cạnh tranh gay gắt với các DN FDI. Theo các cam kết trong WTO, các DN FDI đóng tại Việt Nam có nghĩa vụ phải mua qua doanh nghiệp nhưng thời gian qua họ lại đặt các mạng lưới thu mua ở địa phương. DN Việt Nam đầu tư cho người dân từ khi trồng cây cà phê nhưng khi thu mua chỉ cần DN FDI nâng giá một chút là họ bán ngay cho các doanh nghiệp này. Các DN trong nước khó khăn về vốn nên đến thời vụ không thu mua kịp cà phê của dân. DN FDI lợi dụng thời cơ để thu mua. “Nếu không giải quyết triệt để, doanh nghiệp Việt Nam rất dễ bị hạ gục, khi đó chính người nông dân phải chịu thiệt thòi vì DN FDI độc quyền ép giá” – ông Hữu Đễ nói.
Nhiêu vườn cà phê có tuổi 20-30 năm.
 
Ông Phan Hữu Đễ cũng đề xuất chính sách lâu dài cho cây cà phê, trong đó cần nhất vẫn là vốn để tái canh loại cây trồng này. Hiện nay, vườn cà phê có tuổi 20-30 năm chiếm khá lớn. Nếu không bắt tay vào làm ngay từ bây giờ thì diện tích không đảm bảo, sản lượng cũng sẽ hạ theo. Bên cạnh đó, cần có nghiên cứu để tìm vùng đất phù hợp để trồng giống cà phê mới.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại cũng còn nhiều việc phải bàn. Kinh phí năm 2011 được duyệt cho công tác này chỉ hơn 50 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết, thời gian tới, ngành tiếp tục thâm nhập thị trường Nam Phi. VASEP cũng đã kiến nghị thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu cá tra dựa trên nguyên tắc trích ra từ giá trị xuất khẩu cá tra. “Hiện nay, ta có lợi thế xuất khẩu nhưng lại phải đối mặt với quá nhiều rào cản” – ông Nam nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên tán thành kiến nghị này của VASEP. Đồng thời đưa ra dẫn chứng: “Những ngành hàng như gạo, cà phê cũng đã đưa ra ý tưởng này nhưng việc triển khai lại chưa hiệu quả bởi sự thống nhất của các hội viên chưa cao”.
Để tăng cường xuất khẩu, được biết, Bộ Công thương đang nghiên cứu và xây dựng đề án thành lập Trung tâm giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu. Theo đó, trung tâm được xây dựng theo mô hình tập trung các cơ quan quản lý như hải quan, kiểm dịch, giám định… và các tổ chức cung ứng dịch vụ xuất nhập khẩu như ngân hàng, bảo hiểm, giao nhận… để tạo một cửa với mục tiêu tạo thuận lợi cho xuất - nhập khẩu./.
AGROINFO – Theo VOVNEWS

Nguồn:http://vov.vn/Home/Xuat--nhap-khau-dang-ruot-duoi-nhau/20115/176157.vov


Tin khác