Dự án trồng 5 triệu ha rừng kết thúc: Doanh nghiệp và người trồng rừng lao đao

25/05/2011

Sau khi dự án trồng 5 triệu ha rừng kết thúc, các doanh nghiệp trồng rừng ở Hà Tĩnh cũng như người dân hợp đồng trồng rừng gặp vô vàn khó khăn. Tiền đầu tư chăm sóc không có, kế hoạch trồng rừng cũng bị đổ bể, người dân không có thu nhập vì thiếu việc làm…

Dự án trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ được triển khia tại Hà Tĩnh từ năm 1999, hơn 10 năm thực hiện dự án, rừng Hà Tĩnh từ nghèo kiệt, đất trồng đồi núi trọc trở nên xanh tốt; hàng năm tăng đần độ che phủ từ 34,1% năm 1999 lên 52% năm 2010; tạo việc làm tăng thu nhập cho gàn vạn dân cư sống ở các khu vực miền núi; môi trường sinh thái được cải thiện…

Thế nhưng từ cuối năm 2010, dự án này kết thúc cũng là lúc các doanh nghiệp vàngười dân sống dở chết dở vì vốn đầu tư không còn nữa, khó khăn càng thêm chồng chất. Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ (RPH) Cẩm Xuyên, Nguyễn Đăng Khoa nói: “Đơn vị chúng tôi được giao quản lý trên 5 nghìn ha RPH và hơn 3 nghìn ha rừng sản xuất, bình quân hàng năm sản xuất trên 1,5 triệu cây giống bao gồm cây bản địa và các loại cây trồng nguyên liệu khác, tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho hơn 400 hộ dân hợp đồng trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong vùng dự án. Do đầu năm 2010, Dự an 661 vẫn chưa có gì thay đổi nên BQL chúng tôi tiếp tục thực hiện sản xuất 1,5 triệu cây giống phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2011 nhưng đến cuối năm 2010, dự án kết thúc dẫn đến toàn bộ kế hoạch bị đổ vỡ, cây giống sản xuất ra chẳng biết bán cho ai. Công nhân thiếu việc làm, nguồn thu bị cắt giảm.”
Cũng theo ông Khoa, không chỉ đơn vị ông mà hầu hết các đơn vị trồng rừng trên địa bàn Hà Tĩnh sau khi dự án trồng 5 triệu ha rừng kết thúc đều bất ngờ, khốn đốn vì thiếu chuẩn bị trước. Ông Nguyễn Kim Hùng, Trưởng BQL RPH sông Ngàn Sâu chia sẻ: “Để việc phát triển rừng mang tính chất lâu dài, bền vững đòi hỏi phải có sự đầu tư, nhưng hiện nay việc đầu tư như cơ sở hạ tầng cho lâm nghiệp, phương tiện đi lại đặc biệt là vốn hoạt động… đang rất hạn chế. Trong khi đó, nguồn thu, lọi nhuận từ các sản phẩm lâm nghiệp lại thấp, bấp bênh.”
Minh chứng, ông Hùng so sánh giá bán nguyên liệu năm 2007, gỗ bạch đàn có giá từ 670.000 – 680.000 đồng/tấn đến năm 2011 giảm xuống còn 620.000 – 630.000 đồng/tấn; giá nhựa thông cuối năm 2010 bán ra đạt 40.000 đồng/kg, nay giảm còn 20.000 – 22.000 đồng/kg… Lợi nhuận giảm kéo theo hàng trăm lao động nghề rừng mất việc làm, đời sông công nhân lâm nghiệp ngyaf càng gặp nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Tám, công nhân vườn ươm cây giống thuộc BQL RPH Cẩm Xuyên vừa phải nghỉ làm vì hết việc, lo lắng nói: “Các lãnh đạo trong Ban đã cố gắng tạo thêm việc làm cho chúng tôi nhưng vũng vì không có tiền trả cho người lao động nên buộc họ phải động viên chúng tôi nghỉ việc. Trước đây, cả gia đình sống dựa vào nghề trồng rừng, với mức thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng, chi tiêu dè xẻn cũng đủ để nuôi vợ nuôi con, giờ thì cả nhà tôi lâm nguy thật rồi.”
“Hiện nay người dân chúng tôi đang rất cần sớm có một dự án kế tiếp hậu dự án trồng 5 triệu ha rừng, như vậy diện tích rừng trồng mới có điều kiện đầu tư chăm sóc, cuộc sống của người dân chũng tôi mới có thể duy trì được” – anh Trần Văn Tịnh ở xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, người tham gia trồng rừng bày tỏ. Mong muốn của anh Tịnh cũng là lời khẩn cầu của tất cả người dân vùng rừng, sống bằng nghề trồng rừng hiện nay.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 25-05-2011

Tin khác