Cao su nhiễm bệnh, chết hàng loạt

25/05/2011

Những ngày này, đi ngang qua những vạt rừng cao su của miền Tây Quảng Trị hay Đắk Lắk, có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt cây đã bị héo rũ hoặc chết. Đây chính là hậu quả của đợt rét kéo dài bất thường hồi đầu năm gây ra.

Cây chết do khí hậu biến đổi thất thường
Khi chúng tôi đến cũng là lúc anh Nguyễn Hoàng ở Gio Sơn (Gio Linh - Quảng Trị) đang đốn hạ hàng loạt cây cao su đã bị chết. Anh than thở: "Tui vừa chặt xong 50 cây, nghĩ mà tiếc đứt ruột". Anh Hoàng sinh ra ở Triệu Phong, nhưng lại chọn vùng đất đỏ trung du miền Tây Gio Linh lập nghiệp. Xuất thân từ hai bàn tay trắng, với đồng vốn vay từ ngân hàng, anh quyết tâm làm giàu bằng trồng cao su. Mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ cho đến đầu năm nay, các đợt rét và không khí lạnh liên tục kéo xuống, hoành hành ở các tỉnh miền Bắc và Trung Bộ. Vườn cao su gần 1.500 cây của anh Hoàng bắt đầu có dấu hiệu héo và rụng lá non.
Do ảnh hưởng của thời tiết và nhiễm bệnh, cao su ở Đắk Lắk và Quản Trị bị chết hàng loạt.
 
Không chỉ gia đình anh Hoàng lâm vào tình cảnh này, theo quan sát của chúng tôi, nhiều hộ gia đình trồng cao su ở Gio Linh cũng lao đao vì cây cao su chết. Theo nhận định của một số chuyên gia, tình trạng cây cao su chết chính là hậu quả nhãn tiền do thời tiết khí hậu biến đổi bất thường. Đa số những cây cao su chết đều có dấu hiệu chung là héo lá rồi chết nửa thân hoặc toàn thân. Là cây trồng ở vùng nhiệt đới, khá kén chọn về cả thổ nhưỡng lẫn khí hậu, nên khi có dấu hiệu thời tiết thay đổi bất thường, cây cao su rất mẫn cảm và khó chống chọi.
Bất đắc dĩ phải nhìn hai hàng cây cao su đang thời kỳ phát triển của mình bị đốn hạ, chị Mai, vợ anh Hoàng không kìm nổi nước mắt: "Bao tiền của, công sức của hai vợ chồng bỏ ra giờ mất trắng, làm răng không tủi hả mấy chú". Nếu tính theo giá thị trường thì đối với những cây cao su trồng được 4 năm, vợ chồng anh đã mất mấy chục triệu đồng.
Cùng cảnh ngộ với anh Hoàng, ông Trần Con ở Gio Sơn (Gio Linh) cũng phải chặt bỏ gần 200 cây cao su 4 năm tuổi. Ông cho biết: "Số tiền tui bỏ vô đây hàng năm để lo phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc không nhỏ, rồi đây lấy gì mà trả nợ?". 
Theo thống kê, thiệt hại ban đầu ở các vùng trồng cao su miền Tây Quảng Trị là 5 - 10% diện tích. Đây là con số không nhỏ, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân khi mà vốn liếng đầu tư không hề nhỏ.
Bệnh rụng lá gây thiệt hại nặng
Khoảng 3 tháng nay, hơn 1.300ha cao su đang tuổi khai thác của Nông trường Cao su Chư Bao, xã Chư Bao (thị xã Buôn Hồ - Đắk Lắk) bị bệnh rụng lá hàng loạt. Ông Hồ Hữu Hiến, Giám đốc Nông trường cho biết: "Sau khi lấy mẫu phân tích, nghiên cứu, bộ phận kỹ thuật xác định đây là bệnh vàng lá mùa mưa do nhiễm nấm Corynespora. Không chỉ tác động đến lá, loài nấm này còn gây hiện tượng thối mốc miệng cạo ở thân cây, làm sản lượng, chất lượng mủ giảm mạnh".
Được biết, toàn Nông trường có 1.430ha cao su thì có tới hơn 1.300ha bị rụng lá, tỷ lệ lá rụng bình quân gần 70%. Tại một số khu vực đồi cao, hàng nghìn cây cao su đã bị rụng trơ lá và khô chết, khiến sản lượng mủ của Nông trường bị giảm tới gần 60%, thất thu hàng chục tỷ đồng.
Việc khai thác gián đoạn, sản lượng mủ cao su giảm mạnh kéo theo mức thu nhập của công nhân cũng giảm xuống, nhất là đối với công nhân giao khoán trực tiếp khai thác mủ, chỉ còn 2,5 triệu đồng/tháng so với gần 6 triệu đồng/tháng trước đây.
Ngoài Nông trường Cao su Chư Bao, một số nơi khác như Nông trường Cao su Phú Xuân và các vườn cao su tiểu điền ở huyện Ea Kar cũng bị rụng lá. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do thời tiết biến đổi thất thường, những cơn mưa trái mùa xuất hiện không đồng đều. Đáng nói là việc phòng trừ bệnh rụng lá ở cây cao su đang gặp khó khăn do chưa có phương pháp hữu hiệu. Vì thế, các chủ vườn đang tiếp tục theo dõi, áp dụng các biện pháp chăm sóc kỹ thuật để phục hồi dần những vườn cao su bị nhiễm bệnh.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Tin khác