Kiểm tra TĂCN: Vướng đủ đường

31/05/2011

Đã đến tháng cuối của qúy II, nhưng việc kiểm tra thức ăn chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam gần như dẫm chân tại chỗ, trong khi trên thị trường đã có hiện tượng DN “rút bớt” hàm lượng đạm trong TĂCN.

Hiện giá bắp nguyên liệu (còn gọi bắp heo) đầu vào tăng gần gấp 2 lần so với năm ngoái, từ 4.100đ tăng lên 7.500 đ/kg. Vậy nên, để giữ lợi nhuận, một số DN đã đưa ra thị trường TĂCN kém chất lượng bằng cách rút bớt hàm lượng đạm. Chị Bích, một đại lý cám heo tại xã Tân Lập (Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, gần đây không ít hộ chăn nuôi mua chịu đại lý phản ánh loại cám heo con tập ăn của một vài DN không được tốt như trước. “Người dân thắc mắc, tui chờ mấy ông trên tỉnh về lấy mẫu kiểm tra (test) để nói lại cho bà con nhưng mấy tháng rồi chẳng thấy ai về cả!”- chị Bích nói.
 
Theo ông Bùi Quang Chánh, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Dương, từ đầu tháng 4, tỉnh dự định thành lập đoàn đi kiểm tra TĂCN nhưng do chưa có kinh phí, tính ra 1 mẫu test theo yêu cầu có giá khá đắt, hơn 2 triệu đồng. Hơn nữa, việc này sau đó giao lại cho Chi cục Thú y quản lý nên thanh tra tạm dừng. Hiện công việc chính của thanh tra là “giải quyết khiếu nại tố cáo”.
Còn về phía Chi cục Thú y, theo Phó Chi cục trưởng Tạ Trọng Khang cho hay thì, đơn vị còn đang trình kế hoạch xin kinh phí để rà soát, kiểm tra giá nguyên liệu đầu vào, xem thử giá bán TĂCN của 12 cơ sở SX TĂCN trong tỉnh trên thị trường có phù hợp không, nhưng hiện mới có một số báo cáo của cơ sở gửi lên, còn việc lấy mẫu test chất lượng thức ăn lại là trách nhiệm của một đơn vị khác.
Tại Đồng Nai, nơi được coi là “vương quốc” chăn nuôi heo, gà có gần 10 triệu con với hàng trăm đại lý bán TĂCN lớn, nhỏ. Thế nhưng, việc lấy mẫu TĂCN trên thị trường để kiểm tra chất lượng từ đầu năm đến nay vẫn chưa thực hiện được do “bộ máy” có thay đổi. Lý giải việc này, ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thu y tỉnh nói, ở trên mới giao chức năng quản lý TĂCN về cho Chi cục, đây là công việc mới mẻ nhưng lại chưa có văn bản chính thức hướng dẫn bởi còn vướng mắc trong việc xác định loại hình DN; rồi việc thành lập đoàn đi kiểm tra lấy mẫu thì cấp nào ra quyết định, cấp nào xử phạt hiện cũng chưa rõ.
“Ngoài ra kinh phí cũng là vấn đề khó, test 1 mẫu TĂCN gồm một số chỉ tiêu quan trọng như hàm lượng Nacl, Ca, P và Protein (đạm) hiện đã lên tới 400 ngàn đồng, đó là chưa nói các chỉ tiêu về chất cấm khác như định lượng Clenbuterol, Salbutamol, Chloramphenicol tốn thêm từ 400-500 ngàn/chỉ tiêu. Nếu mỗi lần chỉ cần test 40-50 mẫu là mất đi gần 100 triệu!”, ông Hải nói.
“Chất cấm hóc-môn tăng trưởng chỉ có trong cám dùng cho heo thịt, nhưng có trường hợp lúc lấy mẫu, người ta lại lấy mẫu thức ăn dành cho heo nái nên kết quả phản ảnh không đúng. Mặt khác, phân tích đầy đủ trong 1 mẫu TĂCN để kiểm tra chất lượng có ít nhất 30 chỉ tiêu, nhưng trên thực tế do thiếu kinh phí nên hầu hết các địa phương yêu cầu phân tích khoảng 3-4 chỉ tiêu!” (Th.S Nguyễn Thị Yến, Phòng Nghiên cứu dinh dưỡng Chăn nuôi-Viện KHKTN MN)
Chính vì tốn kém kinh phí, lại thiếu lực lượng nên đã có một số địa phương test mẫu rất “tiết kiệm”, chỉ một vài mẫu với một số chỉ tiêu “đặc trưng”. Chẳng hạn, năm 2010, thanh tra tỉnh Bình Thuận lấy 4-5 mẫu của mấy Cty SX TĂCN của trên 30 đại lý lớn, nhỏ để test 3 chỉ tiêu là chất xơ, độ ẩm và Protein. Kết quả, sau 2 đợt kiểm tra các mẫu đều cho kết quả đạt... 100%!. Riêng kiểm tra chỉ tiêu chất cấm thì không xem xét đến vì không có kinh phí. Năm nay theo Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh này, kế hoạch kiểm tra TĂCN vẫn không có gì thay đổi, nhưng đến nay cũng chưa triển khai được vì không có kinh phí.
Trái lại, ở TP HCM, theo ông Nam, Chánh Thanh tra Sở thì chuyện kinh phí không đáng lo ngại, nhưng khâu tổ chức vẫn còn vướng mắc nên chưa đi kiểm tra được. “Nghị định Chính phủ về quản lý TĂCN ra đời ngày 5/2/2010 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong đó, thế nào là hợp chuẩn, hợp qui của một sản phẩm TĂCN đạt chất lượng, rồi thanh tra chuyên ngành chuẩn bị hoạt động theo Luật Thanh Tra có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, trong khi văn bản hướng dẫn thực hiện thế nào vẫn chưa có, thẩm quyền giữa thanh tra, chi cục, kể cả QLTT không xác định rõ, cấp nào thành lập, cấp nào ra quyết định xử phạt?”. Điều đáng nói là, mặc dù là một trung tâm SX TĂCN lớn nhưng năm 2010, Thanh tra Sở NN- PTNT TPHCM chỉ kiểm tra có 5-7 DN SX TĂCN trên thị trường mà thôi.
Trái với các địa phương trên, tại Tây Ninh-nơi có 3 cơ sở SX TĂCN và 197 cửa hàng buôn bán TĂCN lớn nhỏ hiện vẫn còn duy trì được 2 lần thanh tra định kỳ/năm. Năm nay, theo ông Phan Quang Luyện, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT, tỉnh này vừa mới kết thúc đợt lấy 10 mẫu TĂCN của 10 Cty khác nhau, test 2 chỉ tiêu Protein và Acid amin, kết quả cho thấy có khoảng 30-40% cơ sở vi phạm SX thức ăn kém chất lượng (hàm lượng đạm thấp so trên bao bì công bố) đều là DN trong nước. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể DN nào, loại thức ăn nào kém chất lượng thì ông Luyện nói ngắn gọn: “Nói ra, nhiều khi càng thêm phiền” (!?).
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/78886/Default.aspx


Tin khác