Long đong phận sắn

06/06/2011

Thời điểm này, sắn (khoai mì) đang là cây trồng "thời sự" không chỉ với nông dân mà của cả các cấp, ngành. Ở đâu và bất cứ khi nào, sắn cũng phát huy được vai trò của mình, từ cung cấp thực phẩm xóa đói đến trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, đây cũng là loại cây trồng làm giảm giá trị dinh dưỡng đất... Vì thế, số phận của cây sắn sẽ đi về đâu khi những lợi - hại của nó đang khiến các cơ quan chức năng đau đầu.

Không ai có thể ngờ, sắn đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân đến vậy. Không chỉ xóa đói giảm nghèo, sắn còn giúp đời sống của bà con thay đổi từng ngày.
Nhu cầu tăng
Sắn là loại cây trồng phổ biến của ngành Nông nghiệp và PTNT, nhất là ở những vùng đồi gò, miền núi… Tới nay, sắn đã có mặt ở khắp mọi nơi, diện tích lên tới 496.000ha, năng suất bình quân 8-17,2 tấn/ha, chỉ đứng sau lúa, ngô và khoai. Đây cũng chỉ là con số thống kê dựa theo báo cáo "cứng" của các tỉnh, còn trên thực tế, diện tích sắn có thể cao hơn nhiều.
Đã một thời, sắn chỉ là nguồn thức ăn phụ trong các gia đình lúc giáp hạt, thế nhưng khi ngành chăn nuôi và công nghiệp chế biến phát triển, sắn bỗng "lên ngôi".
Theo tính toán của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện sắn vẫn là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chiếm tỷ lệ 10-15% trong thức ăn chăn nuôi, hàng năm các doanh nghiệp cần khoảng 1 triệu tấn sắn khô. Ngoài ra, lá sắn còn được tận dụng làm thức ăn cho tằm. Một mẫu sắn (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) có thể hái được 5 tấn lá, đủ để nuôi 30 hộp trứng tằm mà không ảnh hưởng tới năng suất củ. Nhờ đó, mỗi hộ có thể thu nhập thêm 8-9 triệu đồng/vụ. Với lợi nhuận hấp dẫn như vậy, nông dân đua nhau mở rộng diện tích, chọn các giống sắn ngắn ngày trồng gối vụ để có thể thu hái lá quanh năm.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - IPSARD) cho biết, sắn còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học, mà cụ thể là ethanol. Từ năm 2011, nhiều nhà máy sản xuất cồn ethanol trong nước đã bắt đầu đi vào hoạt động nên nhu cầu thu mua sắn lát và các sản phẩm từ sắn ngày càng lớn, tạo sự cạnh tranh về giá cả. Theo dự báo của IPSARD, chỉ riêng nhu cầu sắn khô cho sản xuất cồn ethanol, từ năm 2011 sẽ lên tới 1,2 triệu tấn/năm, tăng gấp đôi so với năm 2010. Ước tính, từ năm 2012-2014, sản xuất ethanol tiêu thụ 16% tổng sản lượng sắn trong nước. Hiện, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang xây dựng 3 nhà máy ethanol và dự kiến đến cuối năm 2012 sản xuất 300 triệu lít/năm. Như vậy, nhu cầu dùng sắn trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng, riêng năm 2011 là 8,12 triệu tấn cho tất cả các ngành.
Sắn được thương lái thu mua để xuất khẩu
 
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Có lẽ, câu chuyện sắn trở thành mặt hàng nông sản mang lại nguồn ngoại tệ lớn không còn mới nhưng những giá trị của nó không phải ai cũng biết.
Giá thu mua sắn lát của các doanh nghiệp trong nước đang ở mức 6.300 đồng/kg, giá tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 550 USD/tấn. Tính từ đầu vụ (trước Tết Nguyên đán nửa tháng) đến nay, giá sắn tăng liên tục. Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 cho biết, mỗi ngày có 350-400 tấn sắn củ tươi được vận chuyển xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Thương nhân Trung Quốc không ngần ngại ứng tiền cho đại lý, các đầu mối thu mua ở Việt Nam để họ cử người đến từng thôn bản các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu… đặt cọc mua sắn tươi với nông dân, thương lái. Điều này cho thấy, nhu cầu về sắn ngày một lớn bởi những năm trước, nước bạn chỉ mua sắn lát khô.
Tại Phú Yên, một trong những vùng trọng điểm trồng sắn xuất khẩu, thương lái đang "sôi sùng sục" với việc thu gom sắn. Dọc theo tuyến đường phía Tây từ xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) đến xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) có hàng trăm điểm thu mua sắn. Theo chị Nguyễn Thị Ngoan, một thương lái ở xã Xuân Quang 3, hiện sắn rất hút hàng nên phải chịu khó vào rẫy thu mua, thậm chí đặt cọc tiền, nếu không người khác sẽ hớt tay trên.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2010, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 560 triệu USD, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu sắn hàng đầu khu vực. Sắn lát khô và tinh bột sắn là 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, trong đó sắn lát khô chiếm 60%. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, nước ta đã xuất khẩu trên 593.000 tấn sắn, trị giá gần 202 triệu USD, tăng 34,4% về lượng và 72,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Từ mức giá 200-500 đồng/kg (năm 2009) nay tăng lên 5.800-6.000 đồng/kg.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài lúa gạo, nông sản gây nhiều bất ngờ nhất đến thời điểm này là sắn, loại cây được Bộ Công Thương đưa vào danh sách các nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đánh giá, sắn đang là mặt hàng được các doanh nghiệp nước ngoài tìm mua nhiều nhất trên các trang thương mại điện tử, hơn cả gạo.
Giàu nhờ sắn
Nhu cầu tiêu thụ lớn lại cho thu nhập cao nên hoàn toàn dễ hiểu khi sắn trở thành cây trồng được nông dân "săn đón" nhiều nhất. Không ít hộ gia đình ở miền núi trở nên giàu có, mua sắm được nhiều vật dụng thiết yếu nhờ trồng sắn.
Những năm trước, Tân Thượng là một trong những xã nghèo của huyện Văn Bàn (Lào Cai). Toàn xã có 714 hộ với hơn 3.500 khẩu, chủ yếu là người Dao. Sau nhiều năm đưa sắn cao sản vào sản xuất, nhất là từ khi có nhà máy chế biến tinh bột sắn nằm cạnh xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm, cuộc sống của bà con đã thay đổi rõ rệt. Nhiều hộ đã làm được nhà kiên cố, mua sắm tivi, xe máy.
Nếu như năm 2008, cả xã chỉ có 200ha, sản lượng 500 tấn/năm thì đến năm 2010 tăng lên 260ha, sản lượng 650 tấn/năm, giá trị 910 triệu đồng, sắn trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người Dao Tân Thượng.
Người dân ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng đang "sốt" với sắn. Không chỉ củ mà ngay cả thân và lá cũng trở thành nguồn thu nhập không nhỏ. Hơn một tháng nay, các hộ ở Tân Châu, Tân Biên (Tây Ninh) mỗi ngày có thu hàng triệu đồng nhờ bán sắn.
Bà Hoàng Thị Mai ở ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội (Tân Châu) cho biết, trong vòng vài năm trở lại đây, sắn củ, sắn lát được thương lái thu mua với giá cao và ổn định. Sau 8-9 tháng, trừ chi phí, người trồng thu lãi 50-70 triệu đồng/ha/vụ.
Từ cây trồng phụ, chủ yếu làm lương thực xóa đói cho người dân, đến nay sắn đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nông dân đang ồ ạt trồng sắn, thậm chí còn phá rừng để lấy chỗ cho cây này bén rễ. Sự phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, liệu sắn có dẫm vào "vết xe đổ" của các loại cây trồng khác?
Theo tính toán, trung bình mỗi năm, Trung Quốc nhập khoảng 5 triệu tấn sắn lát để cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất tinh bột thực phẩm, tinh bột biến tính dùng trong công nghiệp, dược phẩm và sản xuất cồn sinh học.
Hiệp hội Công nghiệp tinh bột Trung Quốc cho biết, hiện nhu cầu nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc không ngừng gia tăng. Trong đó, nhu cầu tinh bột sắn để chế biến miến và tinh bột biến tính khoảng 1,5 triệu tấn nhưng các nhà máy của nước này chỉ cung cấp được khoảng 800.000 tấn. Số còn lại phải nhập khẩu từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan.
Hiệp hội này cho biết, những năm gần đây, công nghiệp tinh bột biến tính Trung Quốc phát triển rất nhanh, nhưng cũng không đủ cung cấp nhu cầu thị trường, mỗi năm phải nhập khẩu trên 20 triệu tấn.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, công nghệ ethanol không hạt của Trung Quốc phát triển nhanh, kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sắn và phụ phẩm tăng lên. Mỗi năm, Trung Quốc cần 60 triệu tấn xăng cho động cơ, trong đó cần 10% ethanol để thêm vào xăng. Như vậy sẽ cần 6 triệu tấn cồn/năm, trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được 1,2 triệu tấn. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sắn để sản xuất cồn là rất lớn.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/6/28633.html


Tin khác