Cam kết WTO giai đoạn 2011-2012: Cơ hội song hành thách thức

28/06/2011

Trong hai năm 2011-2012, nhiều cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) theo lộ trình sẽ có hiệu lực. Bên cạnh thuận lợi, nhiều khó khăn, thách thức cũng đang chờ đón các doanh nghiệp nước ta.

TS. Phạm Văn Chất, chuyên viên Bộ Công Thương cho biết, thời điểm 2011-2012 sẽ có nhiều cam kết với WTO mà Việt Nam phải thực hiện theo lộ trình. Cụ thể, chính sách về tiền tệ, ngoại hối và thanh toán, WTO cấm dùng biện pháp hạn chế ngoại hối hoặc hạn chế thanh toán quốc tế để làm giảm, thậm chí vô hiệu hóa các cam kết về mở cửa thị trường, Việt Nam sẵn sàng tuân thủ. Theo đó, Việt Nam cho phép các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp các nước thành viên WTO được tự do mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng Việt Nam, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và họ được đối xử theo chuẩn mực của nguyên tắc đối xử quốc gia.
 
Về ưu đãi doanh nghiệp, từ năm 2012, ngoài 15 doanh nghiệp thương mại nhà nước được hưởng độc quyền thuộc 6 ngành (dầu thô, xăng dầu, máy bay, băng đĩa hình, báo chí, thuốc lá), còn lại tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khác sẽ ngang nhau về mọi mặt. Điều này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp nào có tiềm lực tài chính, công nghệ tiên tiến, nhân lực có tay nghề… sẽ thắng.
Chính sách về giá cũng sẽ theo lộ trình cam kết, có hiệu lực trong năm 2011 và 2012. Việt Nam trước đây còn tồn tại nhiều hệ thống giá khác nhau, áp dụng cho trong nước và nước ngoài. Nhưng từ năm 2012, mặt bằng giá, trong đó có giá đất cho doanh nghiệp sản xuất thuê sẽ ngang nhau.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2012, quyền kinh doanh (quyền xuất khẩu hoặc nhập khẩu) được mở cửa. Lúc này, Việt Nam cho phép doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam được đăng ký quyền xuất - nhập khẩu, được đứng tên trên tờ khai hải quan để làm thủ tục xuất - nhập khẩu, được thực hiện mua hàng hóa để xuất khẩu và bán hàng hóa nhập khẩu theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Hiện đã có doanh nghiệp nước ngoài mua hàng nông sản Việt Nam (càphê), điều này đồng nghĩa doanh nghiệp nước ngoài giao bán hàng đến tận kho của người mua và thu mua tận gốc từ người trồng. Dần dần doanh nghiệp nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị phần chi phí vận tải, kho bãi và họ có khả năng kiểm soát đến tận kho… Đây chính là điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo ngại.
Đánh giá sau 4 năm Việt Nam gia nhập WTO, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu so sánh nhiều cơ hội (về tăng trưởng kinh tế, tiếp cận vốn đầu tư và công nghệ, mở rộng thị trường hàng hóa và dịch vụ, tạo hệ thống pháp luật và chính sách minh bạch…) thì thách thức cũng không ít. Trước mắt là sức ép về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiến lược phát triển và liên kết doanh nghiệp còn yếu, đặc biệt là vai trò của hiệp hội chưa phát huy hiệu quả cao. Trong hoạt động xuất khẩu, nhiều mặt hàng của nước ta phải đối mặt với việc thực thi các quy định bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào kĩ thuật mới do các nước phát triển sử dụng. Đặc biệt, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm từ các nước đối với hàng nông, thủy sản xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt và khắt khe hơn. Nguy cơ bị kiện bán phá giá luôn thường trực do nước ta chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực như đầu tư, tài chính, ngân hàng, kênh phân phối… cũng đang đối mặt với những thách thức khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn vào năm 2012.
Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28935.html


Tin khác