Gian nan quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón

28/06/2011

Phân bón đóng vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm và chiếm phần lớn giá thành sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sự bát nháo của thị trường này trong những năm gần đây không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý mà còn khiến nông dân thiệt hại đủ đường.

 
Việc quản lý, kinh doanh phân bón đang gặp nhiều khó khăn
Mặc dù Nghị định 15/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón có hiệu lực từ tháng 4/2010 nhưng hoạt động sản xuất, tiêu thụ các loại phân bón giả, kém chất lượng vẫn tồn tại và có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Chưa có dấu hiệu giảm
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cả nước hiện có khoảng 400- 500 cơ sở sản xuất phân bón với hơn 4.000 sản phẩm. Tuy nhiên, số doanh nghiệp (DN) uy tín, có thương hiệu đầu tư công nghệ hiện đại để có sản phẩm chất lượng cao không nhiều. Trong khi đó, phân bón chất lượng thấp thường do các DN có quy mô nhỏ sản xuất với phương tiện máy móc lạc hậu. Cả nước có tới hơn 60 DN sản xuất phân bón giả nhưng trong 2 năm qua chỉ có một số ít đơn vị bị khởi tố điều tra.
Thực tế từ đầu năm đến nay cho thấy, ở TP.Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung, tình hình sản xuất, kinh doanh (SX- KD) phân bón giả không hề giảm. Giữa tháng 5/2011, Đội quản lý thị trường 12B (TP.Hồ Chí Minh) bắt giữ 14 tấn phân bón giả tại một cơ sở sản xuất ở khu vực phường An Phú Đông, quận 12. Qua điều tra của lực lượng chức năng thấy ở cơ sở này, mỗi ngày có hàng chục tấn phân bón giả được sản xuất với "công nghệ cuốc xẻng" rồi đóng gói bao bì với thông tin "sản xuất tại Nga", sau đó tuồn ra thị trường tiêu thụ tại các quận, huyện vùng ven TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Trước đó, tại Đồng Tháp, UBND tỉnh cũng đã kiểm tra và phạt hành chính hàng trăm triệu đồng đối với một số cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng trên địa bàn. Tháng 4 vừa qua, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Phước cũng đã phát hiện 32 mẫu phân bón của các đơn vị sản xuất vi phạm về chất lượng sản phẩm. Sau khi lập biên bản, các cơ quan chức năng tỉnh này đã phạt hành chính với tổng số tiền trên 200 triệu đồng đối với các cơ sở SX-KD phân bón giả. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân đã phải "ngậm quả đắng" vì mua phải phân bón kém chất lượng.
Khó xử phạt
Mặc dù Nghị định 15/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ mức phạt cao nhất đối với hành vi sản xuất, gia công phân bón giả là 150 triệu đồng. Tuy nhiên, mức này chỉ áp dụng đối với những cơ sở bị phát hiện có lượng phân bón giả tương đương 100 triệu đồng. Điều này vô hình chung khiến việc xử lý vi phạm gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, việc thanh tra xét nghiệm mẫu phân bón còn quá chậm. Thông thường, một mẫu xét nghiệm từ khi gửi vào đến khi lấy ra có thể kéo dài từ 1 tuần đến 1 tháng. Trong thời gian này, cơ sở SX - KD phân bón hoàn toàn có thể bán sản phẩm ra thị trường mà các cơ quan không được phép niêm phong, thu giữ. "Nếu sau khi thanh tra phát hiện phân bón giả hoặc kém chất lượng thì DN đã bán hết ra thị trường rồi hoặc chỉ còn một lượng nhỏ, do đó không thể nào phạt DN với số tiền lớn hơn", ông Đức nói.
Ông Lê Quốc Phong, Giám đốc Công ty phân bón Bình Điền cho rằng, bất cập hiện nay nằm ở chỗ thanh tra, xử phạt đang đánh đồng các trường hợp gian lận thương mại với trường hợp sai số trong sản xuất kinh doanh. Ông Phong giải thích: "Các cơ sở làm phân bón giả bán theo kiểu chụp giật, khi phát hiện ra thì chỉ còn vài bao hoặc cùng lắm là một vài tấn, trong khi đó các DN uy tín lúc nào trong kho cũng có vài chục tấn. Nếu do sơ suất trong quá trình sản xuất mà bị phạt gấp 4 - 5 lần giá trị lô hàng thì DN có nguy cơ phá sản".
Theo ông Phong, Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng phân bón tại địa phương. Tuy nhiên, trước thực trạng vi phạm tràn lan, rộng khắp, sản xuất với số lượng lớn, trục lợi hàng nghìn tỷ đồng/năm như hiện nay, việc kiểm tra, xử lý sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, mà lực lượng công an đóng vai trò quan trọng, lực lượng quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp có vai trò tham mưu, lên kế hoạch hành động. Cần làm tốt, thường xuyên, rộng khắp hơn công tác tuyên truyền, giúp người tiêu dùng, nhất là nông dân, hiểu rõ chất lượng của từng loại phân bón, nâng cao hiệu quả canh tác.
Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28936.html


Tin khác