Thực phẩm tăng đe dọa mục tiêu chống lạm phát

13/07/2011

Do chiếm đến 40% giá trị trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá thực phẩm tăng chóng mặt trong thời gian qua thực sự đã gây sốc cho các chuyên gia kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ “vỡ trận” trong chiến dịch khống chế lạm phát.

Hội thảo về diễn biến thị trường giá cả từ đầu năm đến nay và xu hướng những tháng cuối năm do Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức hôm qua (12/7) một lần nữa chỉ rõ bức tranh toàn cảnh của thị trường trong nước, trong đó nhấn mạnh sự hình thành một mặt bằng giá mới, nhất là giá thực phẩm, ngày càng rõ nét.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phân tích: Chỉ trong 6 tháng đầu năm, CPI đã tăng 13,29%. Nếu chiếu vào mục tiêu của Chính phủ là giữ lạm phát ở con số 17% thì trong 6 tháng còn lại, CPI chỉ được phép tăng 3,71%. Điều này không hề đơn giản trong điều kiện thị trường hàng hóa sẽ chịu nhiều tác động của các yếu tố tăng giá.
Theo ông An, giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng vào dịp cuối năm, cùng với lạm phát tiếp tục gia tăng tại nhiều nước sẽ gây tình trạng tăng giá lan tỏa của hàng hóa qua biên giới. Dịch bệnh trên vật nuôi lan rộng và kéo dài làm giảm mạnh nguồn cung thực phẩm và gia tăng chi phí chăn nuôi...
Theo dự báo của Ngân hàng HSBC mới đây, thực phẩm là mặt hàng chiếm 40% rổ tính CPI của Việt Nam, có vai trò quan trọng quyết định trong việc tính toán lạm phát trong nước. Sự tăng giá lương thực thế giới vẫn chưa phản ánh đầy đủ vào giá cả của Việt Nam. Và giá thực phẩm có khả năng sẽ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, gây áp lực lên đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong quý III.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế đưa ra dẫn chứng, hiện nay, đã có sự thay đổi về cung – cầu hàng hóa giữa các nước trong khu vực và các vùng trong nước. Do vậy, có thời điểm, thị trường Việt Nam rơi vào tình trạng “cú sốc kép về cung”, bao gồm sốc từ trong nước và sốc từ thị trường bên ngoài. TS Lạng cho rằng, CPI tháng 7 sẽ tiếp tục tăng cao do giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm biến động mạnh.
Dự báo diễn biến thị trường giá cả trong 2 quý cuối năm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, thừa nhận vẫn còn “khá phức tạp”. Tình hình thị trường thế giới sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đan xen tới thị trường Việt Nam.
Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo CPI tháng 7 sẽ tăng dưới 1% so với tháng 6. Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, trước tình hình giá cả vào đợt tăng mạnh như hiện nay, dự báo trên rất khó mà thành hiện thực.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển KTXH Hà Nội, cho rằng, việc giá cả hàng hóa, thực phẩm tăng mạnh sau mấy đợt mưa bão vừa qua sẽ tác động lớn đến CPI tháng 7 và những tháng kế tiếp. Còn TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, áp lực tăng giá ở nhiều mặt hàng vẫn còn tiếp tục trong các tháng tới khi các vấn đề như lãi suất, giá thực ăn chăn nuôi tăng cao… còn đè nặng lên các hộ nuôi trồng, DN kinh doanh, sản xuất và chế biến thực phẩm. Trừ khi giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng, điện được điều chỉnh giảm.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/81115/Default.aspx


Tin khác