Cánh đồng mẫu lớn - nông dân là trung tâm

05/10/2011

Cánh đồng mẫu lớn là tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới và giải quyết đầu ra ổn định và có lợi cho nông dân.

Năm 2006, đại dịch bệnh virus và rầy nâu trên lúa phát sinh, ngành nông nghiệp đã phát động toàn lực lượng chính trị, bằng mọi giá để chống dịch. Những năm sau đó, ngành nông nghiệp đã dần dần có kinh nghiệm quản lý dịch hại theo hướng bền vững, bắt đầu xây dựng những cánh đồng áp dụng biện pháp canh tác “Né rầy”, “Ba giảm ba tăng”, “Một phải năm giảm”, “Công nghệ sinh thái”. Đến nay gần như chúng ta đã có những gói kỹ thuật theo canh tác bền vững.
Nông dân An Giang tham gia cánh đồng mẫu lớn.
 
Cánh đồng mẫu lớn chính là tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới và giải quyết đầu ra ổn định và có lợi cho nông dân.
Vấn đề này đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi xin trao đổi một số ý như sau:
Thứ nhất, phải chứng minh được ưu thế cạnh tranh của cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất. Gọi là cánh đồng mẫu lớn, vậy lớn cỡ nào là vừa, lấy tiêu chí nào để xác định… chưa ai làm rõ.
Tuy nhiên, cánh đồng mẫu đó phải có giá trị hàng hóa, có hiệu quả kinh tế, có lợi cho nông dân, nói cách khác nó phải xuất phát từ sự bức xúc của yêu cầu sản xuất. Các biện pháp kỹ thuật mới của mô hình phải có ưu thế cạnh tranh so với kỹ thuật thông thường lâu nay.
Ví dụ như biện pháp sấy lúa phải có hiệu quả hơn tập quán phơi lúa của nông dân trước đây, biện pháp có kho trữ lúa của doanh nghiệp phải có lợi hơn biện pháp gặt xong bán ngay tại ruộng của nông dân. Cũng như vậy, hiệu quả tiêu thụ lúa sản xuất theo GAP phải tốt hơn không theo GAP. Nếu những biện pháp kỹ thuật đó không chứng minh được có lời hơn, nông dân sẽ cảm thấy phiền toái và không làm theo.
Thứ hai, cánh đồng mẫu lớn là tổ chức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, không có thành phần thương lái trung gian. Trong tiêu thụ sản phẩm, thương lái gây ra không ít tiêu cực, phiền toái cho nông dân, nhưng mặt tích cực của thương lái là lực lượng tiêu thụ nông sản rất linh hoạt trong thương trường. Phải chứng minh được, phương thức tiêu thụ lúa trong cánh đồng mẫu lớn là có lợi hơn cho nông dân.
Thứ ba, cần làm rõ tính hài hòa và minh bạch trong liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong bất cứ một tổ chức sản xuất nào, mỗi thành viên, cá nhân đều hoạt động vì lợi ích của mình là chính. Tuy nhiên, mọi thành viên cũng thấy cần thiết gắn kết với nhau trong dây chuyền sản xuất. Giá trị gia tăng của sản phẩm làm ra phải được đánh giá và hưởng thụ công bằng, thỏa đáng cho mọi thành viên trong chuỗi cung ứng.
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/60550p1c34/canh-dong-mau-lonnong-dan-la-trung-tam.htm


Tin khác