Nhiều địa phương triển khai hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn

28/09/2011

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang xúc tiến xây dựng các cánh đồng mẫu lớn nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, mang lại giá trị thu nhập cao trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.

Cánh đồng mẫu lớn là cách sản xuất mới, nông dân cùng liên kết những thửa ruộng nhỏ lẻ lại với nhau, cùng áp dụng đồng bộ một quy trình sản xuất VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Điều này giúp nông dân có thể tiếp cận các loại vật tư nông nghiệp đầu vào với giá rẻ, quản lý tốt dịch hại, dinh dưỡng, giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, nông dân dễ tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập.
Tại Cần Thơ: Triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn, trong vụ hè thu 2011, Cần Thơ đã thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn theo hướng ViệtGAP tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Cánh đồng này rộng 400 ha với 206 hộ tham gia, chia ra thành từng nhóm sản xuất (25-30 hộ mỗi nhóm). Kết quả đạt được rất khả quan, năng suất, chất lượng lúa tại cánh đồng mẫu cao hơn những hộ sản xuất riêng lẻ. Thu nhập của nông dân sản xuất theo mô hình nói trên cao hơn sản xuất ngoài mô hình 4,6 triệu đồng/ ha.
Để công tác này đạt kết quả cao, Cần Thơ nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nông dân tham gia mô hình; đầu tư nâng cấp hệ thống cung cấp cho nông dân; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ sinh thái, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch để quản lý tốt sâu rầy, giảm chi phí thu hoạch, giảm thất thoát, nâng cao phẩm chất lúa gạo. Cần Thơ thực hiện tốt chế độ ưu đãi về vốn trung hạn, dài hạn xây dựng hạ tầng, mua máy gặt đập liên hợp, máy sấy, kho tồn trữ cũng như tổ chức ký kết hợp đồng đầu tư ứng trước vật tư và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp.
Triển khai kế hoạch mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn, vụ lúa đông xuân 2011-2012, thành phố Cần Thơ đã xây dựng cánh đồng mẫu tại huyện Thới Lai, Cờ Đỏ với diện tích từ 300 – 500 ha mỗi huyện. Dự kiến đến năm 2012, sẽ nâng diện tích các cánh đồng mẫu lớn tại huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thanh, Thới Lai, quận Thốt Nốt lên 3.000 ha. Đến năm 2013, đưa tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn toàn thành phố Cần Thơ lên 8.000 ha.
Tại An Giang: Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang triển khai ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành đã phát huy hiệu quả cao.
Cụ thể, chi phí sản xuất 1kg lúa trên cánh đồng hơn 1.000ha tại địa phương này đã giảm tới 30% so với canh tác nông hộ nhỏ lẻ. Với năng suất đạt 8 - 9 tấn/ha, giá bán từ 6.300 - 6.700 đồng/kg, gần 500 hộ dân tham gia đạt mức lợi nhuận rất cao, hơn 150%. Vụ hè thu này, có 684 nông hộ tham gia, năng suất bình quân đạt 6,1 tấn/ha, cao hơn 200kg so với các hộ canh tác nhỏ lẻ bên ngoài, giá thành sản xuất dưới 2.900 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho rằng mô hình cánh đồng mẫu lớn giải đáp được bài toán về mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích cao nhất. Cái hay của cánh đồng mẫu lớn là lợi ích nông dân và doanh nghiệp đều được quan tâm đồng thời và cùng nhau chăm lo, nên hiệu quả mang lại rất cao. Đây được xem là hướng mở mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Tại Trà Vinh: Vụ lúa hè thu 2011, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh kết hợp cùng các doanh nghiệp thực hiện mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mô hình trình diễn được thực hiện trên diện tích hơn 460ha ở xã Tân Sơn (huyện Trà Cú) và xã Phong Phú (huyện Cầu Kè). Nông dân tham gia mô hình trên tinh thần tự nguyện, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo chương trình "3 giảm, 3 tăng", hướng dẫn cách ghi chép sổ tay trong quá trình sản xuất lúa…
Việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Nông nghiệp Trà Vinh quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững; giúp nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trên cơ sở đó, mở rộng liên kết "4 nhà" theo hướng "nông dân nhỏ, cánh đồng lớn".
Cánh đồng mẫu lớn đầu tiên của tỉnh Trà Vinh trong vụ hè thu vừa qua tại xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có 302 nông hộ tham gia với diện tích 300ha đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Chi phí sản xuất chưa tới 2.100 đồng/kg, thấp hơn bên ngoài gần 900 đồng/kg,thu nhập bà con được nâng lên 20%-30%. Điều này góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới của địa phương”.
Tại Đồng Tháp: Từ 2008-2011, tỉnh đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở các Hợp tác xã Tân Cường (Tam Nông) với diện tích 430ha, 273 hộ tham gia, Hợp tác xã Thắng Lợi (huyện Tháp Mười) với diện tích 260ha, 120 hộ tham gia, cánh đồng 959 kinh tế quốc phòng 118ha. Cánh đồng này thực hiện với tiêu chí nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất để nâng cao chất lượng lúa. Từ khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, nông dân ứng dụng kỹ thuật tốt hơn, sử dụng chủ yếu giống xác nhận do các công ty hỗ trợ cấp.
So với trước đây, nông dân tiết kiệm khoảng 80kg-100kg giống/ha, đồng thời cũng áp dụng kỹ thuật để bón phân cân đối hơn, giúp lượng phân giảm đáng kể. Mặt khác, hàng tuần nông dân cùng các cán bộ kỹ thuật đi thăm đồng định kỳ, tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, không lạm dụng phân, thuốc, mật độ cây lúa thưa nên sâu bệnh ít phát triển, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe người dân.
Trạm Khuyến nông huyện Tam Nông - Đồng Tháp cho biết, từ khi nông dân áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hiện đại, người dân an tâm hơn trong sản xuất, dù vẫn tự đầu tư vốn cho sản xuất, từ vật tư nông nghiệp cho đến mua giống, ngoài vốn nhà, còn vay vốn ngân hàng nhưng vì áp dụng đúng kỹ thuật, cây lúa phát triển cứng cáp, hạt lúa chắc, mẩy hơn, chất lượng cao hơn nên đầu ra khả quan, giúp người dân thấy khả quan và không còn lo sợ bị thương lái ép giá mỗi khi đến mùa thu hoạch.
Tại Bạc Liêu: Từ năm 2008, đã thực nghiệm cánh đồng mẫu lớn trên diện tích hơn 30ha. Và vụ đông xuân vừa qua, tỉnh Bạc Liêu đã nhân rộng mô hình này đến các huyện Hòa Bình và Hồng Dân, Phước Long và Vĩnh Lợi. Đến vụ hè thu này, tổng cộng có 300 nông hộ liên kết với 150ha.
Theo nông dân Nguyễn Thanh Tùng ở ấp Ninh Lợi, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, anh tham gia mô hình từ năm 2010 với 1,7ha. Nhờ vậy, mỗi vụ giảm chi phí hơn 10%, còn năng suất tăng trên 4 giạ lúa (80kg)/công đất ruộng. Do vậy, năm nay dù nhà nước không đầu tư, anh và các nông hộ lân cận vẫn quyết định hợp tác, tự xây dựng trên cơ sở mô hình đã thực hiện trước, kết quả rất thành công. ..
Có thể nói, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang tạo dựng nên cánh đồng lớn, hiệu quả cao, giải quyết được vấn đề sản xuất manh mún vốn là rào cản ảnh hưởng quá trình cơ giới hóa trong thời gian qua của Việt Nam. Với hiệu quả mà cánh đồng mẫu lớn mang lại, ngành nông nghiệp dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn ra nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến, trong vụ đông xuân 2011-2012 diện tích cánh đồng mẫu lớn sẽ nâng lên 20.000 héc ta, cuối năm 2012 là từ 40.000 - 80.000 héc ta…
Việt Nam luôn trong nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng thu nhập của người trồng lúa vẫn ở mức rất thấp. Điệp khúc thiếu vốn, kỹ thuật, trúng mùa mất giá luôn đeo đẳng nông dân trồng lúa ở ĐBSCL nhiều năm qua… Vì vậy, việc triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững; giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao, trên cơ sở đó góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người nông dân.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=480270


Tin khác