Tình hình kinh tế 9 tháng: Những kết quả tích cực và vấn đề đặt ra

28/09/2011

Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao, các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế đã nâng cao tính chủ động, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển khá, cả về trồng trọt và chăn nuôi. Tính đến trung tuần tháng 9/2011, cả nước đã gieo cấy được 1706 nghìn ha lúa mùa, bằng 103,8% cùng kỳ năm trước. Cùng với việc gieo cấy lúa mùa, các địa phương trên cả nước đang bước vào thu hoạch lúa Hè thu. Do diện tích gieo cấy tăng 5,6% và năng suất tăng 3,8% nên sản lượng lúa Hè thu năm nay của cả nước ước tính đạt gần 12,8 triệu tấn, tăng 9,7% so với vụ Hè thu trước.
Chăn nuôi trong 9 tháng qua phát triển tương đối ổn định. Tính đến giữa tháng 9/2011, đàn trâu cả nước có 2,9 triệu con, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; đàn bò 5,9 triệu con, tăng nhẹ so với cùng kỳ; đàn gia cầm ước tính tăng 6-7%. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi tăng 1,9%. Sản lượng thịt gia cầm tăng 10-11%.
Sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2011 tăng khá, ước đạt 4082,0 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý, sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng tăng mạnh, ước đạt 2163,8 nghìn tấn (tăng 5,7%) trong khi sản lượng thuỷ sản khai thác ước đạt 1918,2 nghìn tấn (tăng 1,9%) so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, hoạt động nuôi trồng có bước phát triển ổn định, hạn chế được tác động của yếu tố thời tiết cũng như mức tăng giá cả của nhiên liệu, từng bước tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến thuỷ hải sản và hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 4,4 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục có bước tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số sản xuất công nghiệp9 tháng năm 2011 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,8%; công nghiệp chế biến tăng 10,7%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 9,6%. Một số ngành sản phẩm công nghiệp tiếp tục có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 71,8%; sản xuất đường tăng 43,2%;… Xuất khẩu 9 tháng của ngành công nghiệp tiếp tục tăng cao và chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu kim ngạch hàng hoá xuất khẩu với tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm 33,7%; hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 39,9%.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tiếp tục tăng, ngoài việc nâng cao giá trị xuất khẩu, đã tạo thêm được nguồn cung hàng hoá trên thị trường trong nước, cũng như kéo theo các ngành, lĩnh vực khác phát triển, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội như: Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2011 tăng cao, ước đạt 1392,9 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa ước đạt 596,1 triệu tấn, tăng 11,2%...
Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm nay theo giá thực tế tiếp tục tăng cao, ước đạt 679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 39,8% GDP. Trong cơ cấu, vốn đầu tư, khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức tăng cao nhất, với 264,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,8% và tăng 19%, khu vực kinh tế nhà nước 243,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9% tổng vốn và tăng 7,5%;khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 171,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% và tăng 11,6%. Từ số liệu trên cho thấy, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được xã hội hoá, góp phần quan trọng trong việc giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tuy một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển khá, nhưng tình hình kinh tế-xã hội nước ta 9 tháng năm 2011 diễn ra trong bối cảnh giá cả tăng cao, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực, làm một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội đạt 5,76%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010 (đạt mức 6,54%).
Chăn nuôi trong 9 tháng qua tuy phát triển tương đối ổn định, nhưng do ảnh hưởng của dịch tai xanh, đàn lợn 26,8 triệu con, giảm 2%. Các dịch bệnh khác cũng diễn biến phức tạp ở một số địa phương như: dịch lở mồm long móng ở Nghệ An; dịch cúm gia cầm ở Thái Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi. Nuôi tôm sú ở một số nơi bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản lượng đạt thấp. Sản lượng tôm sú của Sóc Trăng chỉ đạt 32 nghìn tấn, giảm 37,4% so với cùng kỳ năm trước; Bạc Liêu 40 nghìn tấn, giảm 7%. Sản xuất lâm nghiệp trong 9 tháng năm nay cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết rét đậm kéo dài tại thời điểm đầu năm ở các tỉnh phía Bắc và khô hạn tại khu vực miền Trung nên tiến độ trồng rừng chậm so với năm trước. Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước 9 tháng ước đạt 151,5 nghìn ha, chỉ bằng 92,4% cùng kỳ năm 2010. Mặt khác, thời tiết hạn hán kéo dài là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy rừng ở nhiều địa phương, đặc biệt khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Trong 9 tháng năm 2011, cả nước có 1997 ha rừng bị thiệt hại, trong đó, diện tích rừng bị cháy 983 ha. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai xảy ra trong 9 tháng năm 2011 ước tính gần 4,3 nghìn tỷ đồng. Cũng trong tháng 9, một số lĩnh vực có xu hướng giảm, như: kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9 ước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 10,2% so với tháng 8. Tốc độ phát triển lĩnh vực bưu chính, viễn thông cũng giảm so với cùng kỳ năm 2010. Số thuê bao điện thoại phát triển mới 9 tháng năm 2011, đạt 7,9 triệu thuê bao, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2010...
Theo nhận định chung của Tổng cục Thống kê, nhìn chung, kinh tế-xã hội nước ta 9 tháng năm 2011 diễn ra trong bối cảnh giá cả tăng cao gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống dân cư. Mặc dù lạm phát đã có xu hướng giảm, một số ngành, lĩnh vực đạt được những kết quả nhất định, nhưng những tháng cuối năm, kinh tế nước ta sẽ gặp một số khó khăn. Giá hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục có những biến động khó lường; nguồn cung thực phẩm trên thị trường trong nước tuy đã có dấu hiệu tích cực nhưng giá một số dịch vụ và mặt hàng thiết yếu sẽ tăng vào những tháng cuối năm và thời điểm giáp Tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu dùng tăng.
Vì vậy, để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cả năm 2011, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát, các ngành, các cấp và các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, tập trung vào một số việc trọng tâm sau:
Một là, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện những quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại về vấn đề lãi suất, tín dụng nhằm tạo điều kiện về vốn cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất. Ưu tiên tín dụng, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt ưu tiên hỗ trợ vốn cho các dự án đầu tư áp dụng công nghệ mới, hiệu quả cao để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp; đồng thời thực hiện ưu đãi thuế theo quy định cho các ngành công nghiệp hỗ trợ và các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Hai là, việc cắt giảm đầu tư công thời gian qua đôi lúc, đôi chỗ chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các nguồn vốn, không chỉ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, mà cả nguồn vốn trái phiếu chính phủ và vốn tín dụng.
Ba là, một mặt, đẩy mạnh khâu quảng bá sản phẩm tiêu dùng trong nước qua việc tăng cường cung cấp minh bạch thông tin về các sản phẩm, đặc biệt đối với những sản phẩm mới được sản xuất để tạo niềm tin và kích thích người tiêu dùng, qua đó bảo đảm sự tồn tại lâu dài của sản phẩm trên thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu. Mặt khác, tăng cường đầu tư xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao trên cơ sở tìm hiểu kỹ nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng trong nước, từng bước vươn ra thị trường thế giới. Triển khai áp dụng kịp thời và thống nhất cơ chế tài chính về hỗ trợ cho việc quảng bá hàng Việt Nam với nhiều hình thức quảng bá phong phú, trong đó khuyến khích việc tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm tại nước ngoài và tổ chức phát triển hoạt động phân phối hàng Việt Nam sang các vùng biên với các nước có chung biên giới.
Bốn là, để kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu cải tiến quy trình quản lý và triệt để tiết kiệm để cắt giảm các chi phí không cần thiết, hạ giá thành sản phẩm nhằm thu hút người tiêu dùng, từ đó có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm với những mức giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhiều loại đối tượng.
Năm là, các Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 547/CT-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011; chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống toàn diện, có phương án cụ thể ứng phó nhanh, kịp thời và hiệu quả khi thiên tai xảy ra và nâng cao hiệu lực công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=481031


Tin khác