Bài toán kinh tế tập thể ở Vĩnh Long

28/09/2011

Có thể khẳng định rằng, kinh tế tập thể ở Vĩnh Long đang từng bước phát triển và xác lập được vai trò của mình trong nền kinh tế quốc dân. Nhận thức của người dân về kinh tế tập thể ngày càng rõ hơn, coi hợp tác là nhu cầu tất yếu của người sản xuất kinh doanh, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghệ, làng nghề truyền thống.

Những tín hiệu đáng mừng
Trong 5 năm qua, kinh tế tập thể ở Vĩnh Long phát triển với nhiều hình thức phong phú, đa dạng mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), liên minh HTX, tổ hợp tác sản xuất, câu lạc bộ,… góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội địa phương. Toàn tỉnh hiện có 94 HTX và liên minh HTX với 6.678 xã viên, tạo việc làm cho 7.918 lao động, tăng 33,9% năm 2005. Tổng vốn hoạt động các HTX gần 300 tỉ đồng,trong đó, vốn điều lệ trên 116, 97 tỷ đồng, tăng 3 lần năm 2005. Đến cuối năm 2010, giá trị sản xuất kinh doanh các HTX đạt trên 925,7 tỉ đồng, tăng 76,18% so với năm 2005.
Thu hoạch khoai lang cần nhiều lao động
 
Để thích nghi với nền kinh tế thị trường, nhiều đơn vị kinh tế hợp tác đã phát huy tốt nội lực để tồn tại và phát triển thông qua việc thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực quản lý điều hành của Ban quản trị; tăng cường nâng mức vốn góp của xã viên, lập các dự án vay vốn để mở rộng quy mô hoạt động, ngành nghề sản xuất kinh doanh, đổi mới khoa học - công nghệ, tăng cường quan hệ tìm đối tác kinh doanh dịch vụ và thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Hoạt động hiệu quả nhất, có thể kể đến các HTX trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; giao thông vận tải, xây dựng, quỹ tín dụng nhân dân, thương mại - dịch vụ. Điển hình như: HTX Nhân Trí ở huyện Vũng Liêm, dù mới thành lập từ tháng 2/2009, với số vốn góp 500 triệu đồng của 16 xã viên, nhưng hơn 2 năm qua, HTX đã giải quyết công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho 400 lao động nhàn rỗi nông thôn với mức thu nhập từ 1 – 1,4 triệu đồng; HTX tiểu thủ công nghiệp Đồng Tiến ở Long Hồ, HTX tiểu thủ công nghiệp An Phú; HTX thương mại – dịch vụ Thanh Thanh,… thu hút hàng trăm lao động; HTX Giao thông vận tải Trung Kiên, với quy mô kinh doanh và chất lượng dịch vụ ngày càng tăng lên, hiện đang là một trong những nhà kinh doanh vận tải hành khách khá nổi bật ở thành phố Vĩnh Long; HTX tín dụng ở huyện Bình Minh liên tục trong những năm qua luôn hoạt động kinh doanh hiệu quả. Ông Nguyễn Lộc Thính – Chủ nhiệm HTX Xây dựng Vũng Liêm cho biết: Từ năm 2006 đến nay, HTX đã thi công xây dựng, san lấp mặt bằng, trang trí nội thất,… hoàn thành hàng trăm công trình lớn nhỏ. Mức tăng trưởng gấp 3,5 lần so với khi mới thành lập. Tổng doanh thu đạt gần 22 tỷ đồng, nộp thuế gần 2 tỷ đồng. Thu nhập bình quân lao động trong năm 2010 đạt gần 29 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2006.
Các hội, hiệp hội và các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cũng hoạt động ổn định, thu hút hàng chục nghìn lao động như các làng nghề đan lát lục bình ở xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình; các làng nghề se lõi lác ở huyện Vũng Liêm; làng nghề sản xuất tàu hủ ki ở huyện Bình Minh, hiệp hội nghề gốm ở huyện Mang Thít...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đã từng bước được củng cố, rà soát, sát nhập hoặc giải thể để nâng chất lượng hoạt động, nâng cao tính hiệu quả, phù hợp với tình hình mới hiện nay. Họat động hiệu quả nhất là các HTX kết hợp sản xuất với thương mai - dịch vụ, cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất giống, đầu tư tạo nguồn nguyên liệu, hợp đồng tiêu thụ nông sản. Điển hình như: HTX sản xuất và tiêu thụ khoai lang Tân Thành, HTX rau an toàn xã Thành Lợi, huyện Bình Tân; HTX rau an toàn Phước Hậu, huyện Long Hồ; Liên hiệp HTX thủy sản huyện Mang Thít…
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã thành lập được 557 tổ hợp tác sản xuất, nâng tổng số tổ hợp tác toàn tỉnh hiện có là 2.276 tổ, trong đó có 2.106 tổ hợp tác sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, với diện tích 50.642 ha và 45.462 hộ thành viên; 160 tổ hợp tác sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với 1.920 hộ thành viên tham gia. Hiện nay, mô hình tổ sản xuất kết hợp giữa trồng lúa với các dịch vụ phục vụ sản xuất, mô hình trồng màu với trồng lúa, các tổ hợp tác nuôi cá, nuôi tôm, trồng cây ăn quả, sản xuất giống,.. đang hoạt động có hiệu quả và nhân rộng. Diện tích tổ hợp tác sản xuất được nâng lên, bình quân 26,7 ha/tổ. Trong hoạt động hợp tác sản xuất, các tổ viên đã áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên sản lượng, chất lượng nông sản nâng lên. Chi phí sản xuất giảm. Từ đó, thu nhập tăng, đời sống tổ viên khá lên, tạo mối đoàn kết giữa các hộ thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội ở địa phương.
Có thể khẳng định, khu vực kinh tế tập thể đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội. Giá trị sản xuất kinh doanh HTX tăng trưởng khá ổn định, đóng góp thiết thực cho nền kinh tế, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đời sống vật chất và tinh thần thành viên được nâng lên, nhất là ở nông thôn Vĩnh Long.
Những vấn đề cần quan tâm
Có thể thấy rõ rằng, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tếcòn quá nhỏ bé. Chất lượng hoạt động còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trên thực tế, có không ít HTX được thành lập chỉ mang tính hình thức, nhất là đối với các HTX trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có 34 HTX nông nghiệp trong số 94 HTX của toàn tỉnh. Nhưng theo kết quả khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long,chỉ có 8 HTX hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, 26 HTX còn lại đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng và phần lớn HTX không có trụ sở làm việc. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh thành lập mới được 29 HTX nông nghiệp nhưng cũng có đến 15 HTX phải giải thể do hoạt động không hiệu quả.
Hợp tác xã thủ công gốm
 
Nguyên nhân có thể thấy rõ là: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về HTX, tổ hợp tác còn nhiều hạn chế, thậm chí không quan tâm, ngán ngại thực hiện. Nhiều HTX ở Vĩnh Long có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, kỹ thuật công nghệ chậm đổi mới, yếu thế trong cạnh tranh. Trình độ quản lý điều hành của ban chủ nhiệm còn nhiều bất cập. Khả năng định hướng, xây dựng kế hoạch, giải pháp hoạt động còn nhiều hạn chế. Hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Việc liên kết, liên doanh với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn lỏng lẻo, chưa chủ động, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của mình trong thương lượng, hợp đồng.
Báo cáo tham luận tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 2935/QĐ - UB về kinh tế hợp tác vào tháng 7 vừa qua, Sở NN & PTNT Vĩnh Long thừa nhận: Năng lực điều hành của hầu hết ban quản trị kinh tế tập thể không đáp ứng được những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường. Ban chủ nhiệm HTX đa số chưa qua đào tạo nghiệp vụ. Sở Công thương thì cho rằng: Ban quản lý các HTX có kiến thức về kinh tế còn hạn chế. Quản lý tài chính không chuyên nghiệp, không xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn, hoạt động đến đâu hay đến đó.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý, chưa tạo điều kiện để kinh tế tập thể phát triển. Điều đáng quan tâm là việc thực hiện các chính sách, các điều kiện ưu đãi cho kinh tế tập thể còn rất hạn chế. Vốn tín dụng ngân hàng HTX không tiếp cận được. Đâu đó vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác. Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long bức xúc: Nhiều HTX cần hỗ trợ thuê đất dài hạn để làm văn phòng, nơi sản xuất kinh doanh nhưng đáp ứng của địa phương còn rất hạn chế. Còn theo ông Phạm Hoàng Vân, Trưởng ban quản trị HTXNông nghiệp & dịch vụ Thành Đông, huyện Bình Tân: Hiện nay, mức tín nhiệm của các HTX được ngân hàng đánh giá rất thấp. Để HTX hoạt động tốt thì cần hỗ trợ nguồn vốn và các cơ quan nhà nước phải nhiệt tình ủng hộ.
Minh chứng cho điều này, theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, đến nay ,chỉ mới có 25% HTX tiếp cận được vốn ngân hàng với dư nợ là 8,8 tỷ đồng, nhưng chỉ có 5 HTX còn dư nợ vay thương mại với dư nợ gần 5,8 tỷ đồng. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội cũng chỉ khoảng 2,8 tỷ đồng. Lý giải tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Năng lực tài chính, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất,.. của nhiều HTX còn rất yếu; không đủ vốn đối ứng theo yêu cầu. Trình độ hạn chế nên xây dựng phương án vay vốn chưa khả thi, khó thuyết phục ngân hàng chấp nhận phương án vay vốn. Một số HTX chưa mở đầy đủ hệ thống sổ sách, báo cáo tài chính minh bạch theo quy định. Không có tài sản đảm bảo khi vay vốn nên các ngân hàng e dè khi cho các HTX vay vốn.
Giải pháp
Những khó khăn trên không phải riêng của Vĩnh Long mà là khó khăn chung của cả nước. Nhiệm vụ đặt ra là phải củng cố và phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu trên, trong thời gian tới, song song với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân dân về kinh tế tập thể, phải tích cực củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị kinh tế tập thể hiện có, đồng thời phát triển mới các HTX ở những xã điểm xây dựng nông thôn mới; tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đi đôi với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước, các sở, ban, ngành liên quan, của các thành phần kinh tế khác, các nhà khoa học, nhất là tạo điều kiện để thực hiện tốt mối liên kết 4 nhà theo Quyết định 80 của Chính phủ.
Đồng chí Phan Anh Vũ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định: Trong thời gian tới, cần chấn chỉnh lại bộ máy hoạt động những HTX hoạt động không hiệu quả; tăng cường tuyên truyền những mô hình làm ăn hiệu quả trên cơ sở phù hợp tình hình địa phương. Từng sở, ngành có kế hoạch hỗ trợ cụ thể để đưa kinh tế tập thể tỉnh phát triển ngày càng nhanh, mạnh và bền vững.
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó GĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long thì: Vấn đề trước tiên chúng ta cần quan tâm, đó là về con người. Làm sao phải chọn được người trong Ban chủ nhiệm có tâm huyết, có chuyên môn, có kiến thức, am hiểu về thị trường và phải biết cách quản lý. Thứ hai nữa là chú ý đến nguồn vốn đầu tư, bởi vì hiện nay, năng lực về vốn của HTX còn yếu. Vấn đề thứ ba là phải hỗ trợ tạo điều kiện cho các HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Có thể, chúng ta liên minh với các HTX và địa phương tiến hành xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm, nhất là các nông sản.
Về vấn đề vốn, ngày 12/4/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn đã phần nào giải quyết khó khăn về tài sản đảm bảo của các HTX. Cho nên, bản thân các HTX cần hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức, nâng cao trình độ quản lý, cán bộ chuyên môn, tăng góp vốn; thực hiện đúng quy định của pháp luật về hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, thuế,..xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Nhà nước, nhất là các ngành chuyên môn tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến công, khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh của kinh tế tập thể trên thị trường; tạo điều kiện để sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của thành phần kinh tế này quảng bá, xúc tiến thương mại, gắn kết được với các thị trường, công ty, siêu thị lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và kể cả xuất khẩu ra ngoài nước.
Phát triển kinh tế tập thể là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, cần phải được sự quan tâm, tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa của các ngành, các cấp, để kinh tế tập thể ngày càng phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
 

 


Tin khác