Long An đẩy mạnh hoạt động thương mại khu vực biên giới

16/09/2011

Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có một cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia, cùng với đó là hơn chục cửa khẩu phụ và lối mở, đây là những khu vực nhân dân hai bên biên giới Việt Nam và Campuchia thường xuyên qua lại, giao lưu trao đổi mua bán, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển giữa các địa phương với nhau.

Phát triển thương mại vùng biên
Với ba cửa khẩu diễn ra các hoạt động thương mại sôi động là cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây và cửa khẩu phụ Hưng Điền, thời gian qua, việc buôn bán qua lại của nhân dân hai bên biên giới đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực.
Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp- Long An
 
Cách đây 3- 4 năm, hoạt động thương mại biên giới của tỉnh Long An khá trầm lắng, chỉ tính riêng trong năm 2007- 2008, hoạt động thương mại giảm đáng kể, theo đó kim ngạch xuất khẩu theo hợp đồng thương mại năm 2006 là khoảng 12 triệu USD, năm 2007 chỉ còn 1,5 triệu USD và năm 2008 là 2,2 triệu USD.
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do một số chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương vùng biên phát triển kinh tế thương mại. Bắt đầu từ năm 2009, sau khi một số cơ chế, chính sách được điều chỉnh, và bắt đầu từ năm 2011, cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, thuộc địa bàn huyện Mộc Hóa chính thức khai trương, hoạt động thương mại biên giới đã tăng trưởng trở lại. Kim ngạch xuất khẩu theo hợp đồng thương mại giai đoạn 2009- 2010 đã đạt bình quân 7,5 triệu USD/năm, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2011 đã đạt trên 6 triệu USD. Cùng với đó, xuất nhập khẩu qua biên giới đạt bình quân 2 tỷ đồng/năm, 7 tháng đầu năm nay đã đạt trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó, hơn 90% là hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu không đáng kể. Những mặt hàng xuất khẩu qua Campuchia như gạch, ngói xây dựng, thực phẩm, trái cây, hàng gia dụng v.v…Không những thế, tỉnh Long An còn hỗ trợ tỉnh bạn là Svâyriêng cung cấp điện thương phẩm hàng năm khoảng 13 triệu kWh, tương đương khoảng 2MW so với khả năng cung cấp theo thỏa thuận là 7MW. Mới đây, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt phương án bán điện sang tỉnh Srâyveng qua cửa khẩu phụ Tân Hưng, thuộc xã Tân Điền, huyện Tân Hưng. Cũng trên tuyến biên giới Long An với hai tỉnh Prâyveng và Svâyriêng của Campuchia còn có 21 chợ hoạt động buôn bán, trong đó Campuchia có hai chợ, dù là chợ lớn hay nhỏ, nhưng đều hoạt động khá sôi nổi, với các mặt hàng chủ yếu là nông sản và hàng tiêu dùng.
Theo số liệu của các ngành chức năng, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 400 đến 600 lượt người Việt Nam và Campuchia qua lại mua bán trao đổi hàng hóa, trong đó người Việt Nam chiếm số lượng cao hơn, khối lượng hàng hóa giao dịch qua các chợ vùng biên đạt tới 30 tấn/ngày.
Thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở Công thương tỉnh Long An đã tổ chức nhiều phiên hàng Việt về nông thôn phục vụ cho nhu cầu mua sắm của nhân dân khu vực biên giới, đồng thời tích cực hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại Campuchia, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ và giới thiệu một số nhà nhập khẩu Campuchia đến tìm hiểu, khảo sát sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh Long An để có cơ hội trao đổi hàng hóa qua lại với nhau. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, nhằm tăng cường hoạt động tại các chợ biên giới, ngành đã kiến nghị với các cấp hỗ trợ Long An đầu tư xây dựng mới bốn chợ biên giới, đó là các chợ Bình Hiệp, Thuận Hiệp, Cả Trốt và Cây Me thuộc địa bàn các huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng.
Để kinh tế thương mại vùng biên phát triển bền vững
Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Long An, mặc dù hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào ổn định và phát triển, nhưng qua đây vẫn nhìn thấy những mặt hạn chế cần phải khắc phục để đưa thương mại dịch vụ ở khu vực này ngang tầm với tiềm năng của nó.
Đó là hạ tầng giao thông ở khu vực biên giới của Long An phát triển chưa đồng bộ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển hàng hóa qua lại khu vực biên giới. Có thể thấy, tuyến cửa khẩu Bình Hiệp- Prâyvo ở về phía Campuchia lắp đặt cổng giới hạn chiều cao đã gây ảnh hưởng cho việc vận chuyển lưu thông hàng hóa, có những khu vực giáp biên đường giao thông rất khó khăn, nhiều kênh rạch, đường đất gập ghềnh, lầy lội như tuyến cửa khẩu Mỹ Quý Tây- Xomrong… Một số cơ chế chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại ở các xã biên giới chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.
Cùng với đó là mức thuế, phí qua các cửa khẩu khá cao nên chưa khuyến khích các đơn vị thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, quan hệ thanh toán qua ngân hàng vẫn còn khó khăn, việc chưa hình thành các ngân hàng thực hiện thanh toán ngoại tệ qua biên giới cũng đã gây trở ngại lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập- khẩu… tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp, do nhân dân vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn và trình độ dân trí thấp, từ đó dễ bị đối tượng buôn lậu lôi kéo tiếp tay vận chuyển hàng hóa lậu qua biên giới.
Từ những hạn chế trên, tỉnh Long An đã đưa ra một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới của tỉnh trong thời gian tới, đó là mong muốn Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại khu vực biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân khu vực này, đồng nghĩa với việc loại trừ buôn lậu. Cùng với đó, sớm bổ sung cặp cửa khẩu Bình Hiệp – Prâyvo vào Hiệp định vận tải đường bộ đã được ký kết giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa giữa hai nước, đồng thời sớm triển khai đề án nối mạng giao thông Việt Nam- Campuchia, trong đó ưu tiên nâng cấp tuyến đường dài 26 km, trong đó có một cây cầu từ cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đến Brosốt, giúp Long An khai thác tốt cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và Khu kinh tế cửa khẩu Long An./…
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=478943


Tin khác