Sẽ có quy định đối với nghề giúp việc gia đình

16/09/2011

Dự kiến các gia đình khi thuê người giúp việc phải ký hợp đồng lao động và đảm bảo các quyền lợi cho họ theo tiêu chuẩn của Bộ luật Lao động. Đây là quy định của bốn điều mới bổ sung vào Bộ luật Lao động đang được sửa đổi. Tuy nhiên làm thế nào để sau khi các quy định đó ra đời phải thực thi được là điều phải tính…

Ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tới đây Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ chính thức đưa các quy định cụ thể, có tính chất pháp lý, để quản lý loại hình công việc đang ngày càng có nhu cầu lớn trong xã hội – đó là nghề giúp việc gia đình.
Hiện ngành lao động chưa có thống kê chính thức về lực lượng lao động tham gia trong ngành nghề này.
Tuy nhiên, theo ông San chắc chắn trong thời gian tới sẽ phải có điều tra tổng thể để đưa vấn đề này vào Bộ luật. Theo đó cần phải có hợp đồng lao động giữa hai bên, đồng thời người giúp việc gia đình (GVGĐ) cũng phải được đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, được đối xử bình đẳng. Về phía NGV sẽ phải qua được đào tạo và thực hiện công việc đúng theo hợp đồng đã ký.
“Cần tiến tới, tất cả những công việc nhà, việc lái xe, đưa đón các thành viên trong gia đình nhà chủ… cũng cần có kỹ năng được đào tạo bài bản từ trung tâm chuyên nghiệp. Những người làm nghề này cũng sẽ thay đổi quan điểm và đi học để làm nghề.
Nghề này là công việc thường xuyên và họ được hưởng lợi từ nó” - ông San nói. 
Hiện cơ quan chức năng đang hướng tới quy định về hợp đồng bằng văn bản đối với những công việc mang tính chất dài hạn. Hợp đồng sẽ quy định về thời giờ làm việc. Người thuê lao động GVGĐ phải dành cho người GVGĐ thời gian nghỉ phép, có ngày nghỉ.
Trong trường hợp người GVGĐ có nhu cầu đi học, chủ sử dụng phải tạo điều kiện... Trong hợp đồng cũng sẽ có quy định rõ về trách nhiệm của người GVGĐ.
Theo điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn về thực trạng lao động giúp việc gia đình ở Hà Nội cho thấy: Lao động giúp việc thiếu chuyên môn, không biết sử dụng các thiết bị trong gia đình, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, trẻ em không cao.
Vì vậy, người giúp việc phải đối mặt với việc không được tôn trọng, nguy cơ trừ lương, bị mắng chửi. Có đến 60% người giúp việc không biết sử dụng bếp ga, 38,7% không biết sử dụng nồi cơm điện, 80,7% không biết sử dụng máy giặt, 18% không biết sử dụng ti vi, 93,3% không biết sử dụng lò vi sóng. Trình độ học vấn của lao động giúp rất thấp, có 15% ở trình độ tiểu học, trên 60% ở trình độ trung học cơ sở và trên 20% ở trình độ trung học phổ thông. Với trình độ thấp như vậy, nên có 23,3% gia đình thuê giúp việc gặp khó khăn trong việc hướng dẫn/đào tạo người giúp việc.
 
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/133/133/133/83852/Default.aspx


Tin khác