Tái sử dụng chính sách lỗi thời

16/09/2011

Các cơ quan Thú y đang rất ngỡ ngàng và bức xúc về việc Bộ Tài chính mới đây trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục hoãn thực hiện Thông tư 136 (năm 2010) mà thay vào đó sẽ vẫn thực hiện quyết định 08 (ban hành từ tháng 1/2006) nhằm... góp phần thực hiện biện pháp bình ổn giá!

Đáng nói, nếu so sánh giữa QĐ 08 với Thông tư 136 thì mức độ tăng chênh lệch trong việc thu phí, lệ phí trong công tác thú y chỉ tính bằng đồng hoặc tỷ lệ phần nghìn.  
Việc hoãn thực hiện Thông tư 136 sẽ khiến ngành Thú y có thể bị tê liệt trong công tác kiểm soát giết mổ
 
Quá lạc hậu
Theo Công văn 10262 của Bộ Tài chính thì ngày 11/10/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1875 về tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2011. Do đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 196/2010 hoãn thực hiện thông tư 136 ngày 13/9/2010 về việc hướng dẫn chế độ thu nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y đến hết quý 2/2011.
Thay vào đó, tiếp tục thực hiện QĐ 08 ngày 20/1/2006 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu nộp, quản lý sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y. QĐ 08 đã hết thời hạn, lỗi thời. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính thì để: “Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội…” nên đề nghị Chính phủ cho tiếp tục hoãn Thông tư 136 đến hết năm 2012.
Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai bức xúc: "Bộ Tài chính lấy lý do tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội…để hoãn thực hiện Thông tư 136 là quá vô lý. Điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của ngành thú y vì QĐ 08 được thực hiện từ năm 2005 và năm 2006 mới có hiệu lực. Nay đã trải qua 5 năm, mọi chi phí, vật giá đã leo thang mà vẫn thực hiện QĐ cũ thì sao mà thực hiện được?".
 Cũng theo ông Hải, Thông tư 136 được bao nhiêu đơn vị chức năng, (trong đó có Bộ Tài chính) rà soát, nghiên cứu thực hiện từ năm 2008 và đến năm 2010 mới ban hành, từ đó đến nay đồng tiền cũng đã trượt giá mạnh. "Nay mọi chi phí đều phát sinh nhưng phí thì lại áp dụng từ năm 2005 thì làm sao chúng tôi làm được? Nếu ngành thú y bị ép thì chúng tôi vẫn phải làm nhưng khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ”.
Dẫn chứng cụ thể, ông Hải cho biết: Nếu QĐ 08 phí kiểm soát giết mổ heo là 6.000đ/60kg thịt heo (trọng lượng bình quân gia súc - BQGS) thì Thông tư 136 tăng thêm 2.000đ, lên 8.000đ. Tính ra, số phí tăng trên 1kg thịt heo chỉ 33 đồng. Nếu tính với giá thịt heo hiện nay ở thị trường khoảng 90-100 ngàn/kg thì mức tăng chỉ khoảng 0,02-0,033%.
Tương tự, phí kiểm soát giết mổ (KSGM) với trâu, bò theo QĐ 08 là 12.000đ thì Thông tư 136 chỉ tăng 4.000đ/200kg BQGS, tính ra mức tăng trên 1kg thịt bò chỉ 20 đồng. Nếu với giá thịt bò trên thị trường khoảng 180-200 ngàn/kg thì mức tăng trên 1kg thịt bò cũng chỉ 0,01-0,02%.
Về phí kiểm dịch heo theo QĐ 08 là 1.000đ thì Thông tư 36 tăng 550đ/80kg BQGS, như vậy số phí tăng trên 1kg chỉ 6,8 đồng và nếu so với giá heo trên thị trường khoảng 90-100 ngàn thì mức phí chỉ 0,09-0,012/kg.
Về phí kiểm dịch trâu bò theo QĐ 08 là 4.000đ, Thông tư 136 tăng 2.000đ/200kg BQGS thì mức phí tăng trên 1kg chỉ 10đ, nếu so với giá bán thị trường 180-200 ngàn/kg thịt bò thì mức tăng trên 1kg chỉ từ 0,07-0,08đ/kg.
Nghịch lý hơn, phí xét nghiệm cúm H1 phí vật tư 1 mẫu (chưa tính công vật tư khác) năm 2005 đã là 30.000đ, nhưng thu phí theo QĐ 08 chỉ 25.000đ, như vậy cơ quan thú y đang lỗ tới 5.000đ/mẫu. Trong khi đó, thống kê năm 2010 phí vật tư 1 mẫu (chưa tính công, vật tư khác) đã là 40.000đ/mẫu. Điều này có nghĩa là, chỉ tính riêng phí vật tư 1 mẫu (chưa kể các phí khác) thì cơ quan thú y đang lỗ khoảng 15.000đ (trong khi đó, Thông tư 136 quy định mức phí vật tư 1 mẫu chỉ 43.000đ).
Tương tự, xét nghiệm lở mồm long móng chỉ riêng về phí vật tư năm 2005 là 91.666 đ/mẫu (chưa tính công, vật tư khác) trong khi QĐ 08 là 80.000đ (âm 11.600 đ) thì Thông tư 136 cũng chỉ tăng lên 132 ngàn/mẫu.
Được biết, liên quan đến "đề nghị" của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 5439/VPCP-KTTH truyền đạt việc Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN - PTNT và các cơ quan liên quan xử lý cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện NQ số 11 của Chính phủ.
Ông Hải nói rằng, với việc chi phí bị âm trong công tác thú y như vậy, trong khi công tác kiểm soát thú y, giết mổ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm thực phẩm sạch thì liệu cơ quan thú y có đảm đương được nhiệm vụ? Do đó, Bộ Tài chính "mượn" chủ trương của Chính phủ là “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội…” để hoãn Thông tư 136 là vô lý vì thực tế số phí tăng trên bình quân 1kg thịt heo, trâu bò chỉ tính bằng đồng là không đáng kể.
"Vô lý và không thể chấp nhận"
Xung quanh việc lấy lý do "kiềm chế lạm phát" của Bộ Tài chính, trao đổi vớiNNVN rất nhiều Chi cục Thú y các tỉnh đã bày tỏ sự bức xúc. Theo nhiều người, đúng ra phải điều chỉnh Thông tư 136 theo hướng tăng hơn nữa vì Thông tư 136 được thực hiện từ năm 2008, đến nay giá cả đã biến động, tăng lên rất nhiều.
Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nhiều năm qua, đồng tiền đã trượt giá, lương cũng đang được tăng kèm theo đó là hàng loạt hoá chất, vật tư phục vụ ngành thú y tăng vùn vụt. Do vậy, QĐ 08 đã lỗi thời lại càng thêm lạc hậu. Nhiều năm qua, ngành thú y đang phải lấy thu để bù chi hàng loạt chi phí vô lý khác do QĐ 08. Tuy nhiên việc bù đắp quá nhiều sẽ khiến ngành hạn hẹp kinh phí hoạt động và đến lúc nào đó sẽ dẫn đến tê liệt.
Bộ Tài chính cho rằng việc không áp dụng thực hiện Thông tư 136 nhằm bình ổn thị trường và thực hiện NQ 11 là không đúng, vô lý và không thể chấp nhận. 
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/83851/Default.aspx


Tin khác