Tăng giá lương thực và những tác động đến nghèo đói và phúc lợi ở Việt Nam

16/09/2011

Giá gạo tăng đã làm tăng phúc lợi bình quân của các hộ gia đình ở Việt Nam lên 8,8% và làm giảm tỷ lệ nghèo ở Việt Nam 1,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, giá gạo tăng lại có tác động tiêu cực đến đời sống của các hộ vẫn là hộ nghèo, đặc biệt các hộ nghèo sống ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Đông Nam Bộ.

Hình minh họa
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, khủng hoảng giá lương thực trong giai đoạn vừa qua có thể đã đẩy thêm hơn 100 triệu người rơi vào nghèo đói và làm tăng thêm 4,8% dân số thế giới bị suy dinh dưỡng. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ bởi tác động của khủng hoảng giá lương thực, thực phẩm diễn ra trên thế giới và tác động của nó đến nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới hiện nay của Việt Nam.
Tại cuộc hội thảo “Tác động của khủng hoảng giá lương thực đến nghèo đói và phúc lợi hội gia đình Việt Nam’ do Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương phối hợp với Viện Phát triển và kinh tế nông nghiệp tổ chức sáng 15/9, T.S Phạm Đức Tùng cho biết, mặc dù, Chính phủ đã áp dụng hạn ngạch cho xuất khẩu gạo nhằm hạn chế tác động đến giá lương thực trong nước, tuy nhiên, giá lương thực vẫn tăng khoảng 70% trong giai đoạn từ tháng 9/2006 đến tháng 6/2008 và đặc biệt giá ngũ cốc tăng tới trên 200% trong giai đoạn này. Đây chính là lý do làm cho chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng cao nhất kể từ năm 1990.
Theo ông Tùng, về mặt lý thuyết, khủng hoảng giá lương thực tạo lợi thế và đem lại lợi ích cho Việt Nam do Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đặc biệt là xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của ông chỉ ra rằng, lợi ích đem lại từ việc khủng hoảng giá lương thực còn phụ thuộc vào việc tăng giá của các mặt hàng là đầu vào của sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu. Thực tế cho thấy, các mặt hàng này cũng tăng rất mạnh trong thời kỳ khủng hoảng giá lương thực, mặt khác, việc tăng giá lương thực sẽ chỉ đem lại lợi ích cho các hộ gia đình có thặng dư về sản xuất lương thực và nó có ảnh hưởng tiêu cực (làm giảm lợi ích) đối với các hộ gia đình mà thâm hụt về sản xuất lương thực, bao gồm cả các hộ sản xuất tự cung, tự cấp, không đủ tiêu dùng và các hộ không sản xuất.
Theo đó, tăng giá lương thực trong giai đoạn 2006 – 2008 đã làm tăng phúc lợi bình quân của các hộ gia đình Việt Nam thêm 7,5% chủ yếu là do tác động của việc tăng giá gạo. Tuy nhiên, chỉ có 37,4% số hộ gia đình ở Việt Nam được hưởng lợi từ sự tăng giá này và hầu hết các hộ gia đình này tập trung ở 2 vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất ở Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Các hộ được hưởng lợi từ việc tăng giá lương thực chủ yếu là các hộ không nghèo và họ có mức hưởng lợi cao hơn gấp 2 lần so với các hộ được hưởng lợi là các hộ nghèo. Do đó, ‘tăng giá lương thực trong giai đoạn này nhìn chung đã làm tăng tỷ lệ nghèo ở Việt nam thêm 2.1 điểm phần trăm”, ông Tùng nhấn mạnh.
Nhóm nghiên cứu tác động của khủng hoảng lương thực đến nghèo đói và phúc lợi hộ gia đình Việt Nam còn chỉ ra rằng, việc tăng giá lương thực còn làm cho chỉ số khoảng cách nghèo ở Việt Nam tăng thêm, mức sống của những hộ nghèo ở Việt Nam giảm đi đáng kể. Chịu tác động tiêu cực nhiều nhất là các hộ thâm hụt lương thực và là hộ nghèo hoặc cận nghèo ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc và Đông Nam bộ. Lý do chính là các hộ nghèo khu vực này chủ yếu là các hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất và làm thuê trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc tăng giá gạo trong giai đoạn 2006 – 2008 đóng vai trò quan trọng trong việc tăng phúc lợi nói chung của các hộ gia đình ở Việt Nam, đặc biệt đối với các hộ sản xuất lúa lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Giá gạo tăng đã làm tăng phúc lợi bình quân của các hộ gia đình ở Việt Nam lên 8,8% và làm giảm tỷ lệ nghèo ở Việt Nam 1,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, giá gạo tăng lại có tác động tiêu cực đến đời sống của các hộ vẫn là hộ nghèo, đặc biệt các hộ nghèo sống ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Đông Nam Bộ.
Khủng hoảng giá lương thực còn có sự biến động lớn giữa các mặt hàng, các vùng và các loại hộ gia đình khác nhau. Chính vì vậy, theo nhóm nghiên cứu, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến nhóm hộ bị ảnh hưởng là một thách thức rất lớn và không hề đơn giản dựa vào thu nhập, yếu tố vùng là có thể đưa ra được một chính sách hiệu quả. Ngoài ra, các chính sách của Chính phủ cũng cần quan tâm đến các yếu tố cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn, sự khác biệt trong tiếp cận với các yếu tố sản xuất như đất đai, giá đầu vào của sản xuất giữa các vùng và nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực ở khu vực thành thị. “Để giảm thiểu được tác động tiêu cực của tăng giá lương thực một cách hiệu quả thì các yếu tố trên cần phải được xem xét thận trọng trong các chính sách của Chính phủ”, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị./.
Theo Thanh tra Việt Nam

Nguồn:http://www.thanhtravietnam.vn/vi-VN/News/thongtintonghop/kinhte/2011/09/17614.aspx


Tin khác