Sức vươn cây chè trên đất trung du

20/10/2011

Chè là cây trồng chủ đạo trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của người dân Hạ Hòa (Phú Thọ). Trải qua sự biến động của giá cả thị trường, sự thay đổi trong tư duy của nông dân, đến nay, cây chè vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống của bà con, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Nông dân Hạ Hòa thu hái chè.
Vào những năm 1990, cây chè ở Hạ Hoà phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách do biến động của thị trường. Khi ấy, người dân chưa quan tâm, đầu tư cho cây chè nên sản lượng chè rất thấp, hiện tượng cây chè thoái hoá, già cỗi, sâu bệnh ngày càng nhiều. Người dân cũng chưa đầu tư nhiều vào việc chế biến chè. Chè tươi hái về, cho vào chảo sao, sau đó cho ra vò thủ công bằng chân, rồi sấy hoặc phơi khô. Khâu cuối lại cho vào chảo sao cho cánh chè mốc trắng rồi đem đi bán. Thêm nữa, giá cả thu mua chè liên tục biến đổi làm cho cây chè và người nông dân lao đao.
Có thời điểm, hàng trăm hecta chè bị bỏ hoang, không có người chăm sóc và thu hái, có những gia đình chặt bỏ chè một cách không thương tiếc. Cây chè vùng trung du Hạ Hoà đứng trước nguy cơ bị xoá sổ.
Trước tình hình trên, năm 2009, Ban Thường vụ Huyện uỷ Hạ Hoà đã ra Nghị quyết số 08/NQ-HU về sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung chỉ đạo bốn chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm, có chính sách hỗ trợ phát triển cây chè theo hướng thâm canh, chuyển đổi diện tích chè cằn cỗi, diện tích đất cọ kém hiệu quả sang trồng các giống chè mới cho năng suất cao.
Đồng thời, huyện còn dùng ngân sách hỗ trợ vốn vay ngân hàng cho các hộ trồng mới, trồng lại, trồng dặm và hỗ trợ toàn bộ giống chè cho diện tích trồng mới trên đất cọ. Thời điểm này, giá cả thu mua chè tươi và chè khô tiếp tục tăng và ổn định, giá chè tươi thu mua tại nương là 2.500- 3.000 đồng/kg đã giúp bà con yên tâm đầu tư trồng chè. Sự nỗ lực và thay đổi tư duy sản xuất của người dân đã giúp cây chè có chỗ đứng vững chắc trong đời sống kinh tế của Hạ Hòa. Trên địa bàn toàn huyện, có hàng trăm mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, lấy cây chè cành cho năng suất cao làm hướng đi trọng điểm. Việc đầu tư phân bón và thuốc trừ sâu dưới hình thức hỗ trợ bằng dự án đã tạo điều kiện cho sự phát triển rộng khắp của cây chè. Khắp nơi trên nương đồi của Hạ Hoà, đâu đâu cũng thấy màu xanh của chè.
Nhờ sự cần cù của người dân, những diện tích đất hoang hoá, bạc màu, sườn đồi thấp đều được khai khẩn để trồng chè. Sự chăm bón thường xuyên, phòng ngừa sâu bệnh kịp thời đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Một số địa phương trong huyện đã thoát nghèo nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong đó lấy cây chè làm điểm tựa. Đơn cử như xã Ấm Hạ đã nỗ lực trồng được 202,8ha chè, trong đó chè kinh doanh là 190ha, chè kiến thiết 12ha (năng suất 21,1 tạ/ha). Sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm 2011 đạt 400,9 tấn, mang lại thu nhập cao và thường xuyên cho nông dân.
Về Hạ Hoà hôm nay, bộ mặt làng quê đang ngày một thay da đổi thịt. Trong sự đổi thay ấy, cây chè từ bao đời nay vẫn gắn bó, thuỷ chung với người nông dân, nay tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/AgriBank/2011/10/30736.html


Tin khác