Quảng Nam: Đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, nâng cao thu nhập cho người dân

09/02/2012

Quảng Nam là địa phương có sản xuất nông nghiệp chiếm chủ yếu, nhưng tình trạng đất nông nghiệp rất manh mún và phân tán. Trước thực tế này, công tác dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch sản xuất hàng hóa đã được UBND tỉnh Quảng Nam quyết liệt triển khai, đến nay việc dồn điền đổi thửa đã và đang phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Công tác dồn điền đổi thửa để góp phần hình thành các vùng chuyên canh tập trung là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Việc đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa phần nào tạo được hướng đi “mở” cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá ở nước ta.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, để khắc phục tình trạng đất nông nghiệp phân tán và manh mún, từ nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 2003, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với cơ chế, chính sách phù hợp, công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã nhận được sự hưởng ửng của toàn dân, nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 13.000 ha đất lúa và màu.
Có thể nói, dồn điền đổi thửa là một chủ trương đúng đắn, được đại bộ phận nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng. Qua dồn điền đổi thửa đã giải quyết được cơ bản tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất. Có nhiều hộ nông dân sản xuất 7- 8 thửa/4 - 5 cánh đồng, sau khi thực hiện đã thu gọn lại chỉ còn 2 - 3 thửa/hộ, sản xuất tập trung ở 1 - 2 nơi; diện tích mỗi thửa sau dồn điền lớn hơn gấp 1,5 - 2 lần, thậm chí có nơi gấp 3 lần; thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa, giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Từ thành công trong công tác dồn điền đổi thửa đã tạo ra những vùng chuyên canh tập trung, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của người nông dân. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã làm tốt việc dồn điền đổi thửa, góp phần đem lạo “bộ mặt” mới cho khu vực nông thôn.
Tại xã Tam Phước, năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ dồn điền đổi thửa theo Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND; đồng thời đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân. Nhờ vậy, đã tạo ra những vùng chuyên canh tập trung, để sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Cụ thể, mỗi năm nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp của xã đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất lúa giống hàng hóa, lúa chất lượng cao…. Trung bình mỗi năm đã sản xuất được trên 3.500 lúa giống hàng hoá (giống nguyên chủng và xác nhận) và sản xuất trên 3.600 ha luá chất lượng cao, tăng thu nhập cho nông dân trên 20% so với sản xuất lúa thường. Bên cạnh đó, sản xuất lúa chất lượng đảm bảo hơn, giá thành ổn định, giúp nông dân mở rộng lúa lai thương phẩm lên hàng ngàn ha mỗi vụ.
Đối với diện tích đất màu, sau khi dồn điền đổi thửa, quy hoạch mở rộng sản xuất nhiều loại cây trồng cạn, sản xuất theo các hệ thống canh tác đạt giá trị cao, tạo ra giá trị hàng hoá trên 100 triệu/ha/năm.
Tại xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, sau khi dồn điền đổi thửa cũng đã xây dựng vùng chuyên canh tập trung như lạc, ngô, thuốc lá, đậu các loại, dâu tằm... với diện tích 350 ha. Địa phương đã thực hiện việc lồng ghép chương trình thủy lợi hóa đất màu, giao thông nội đồng với triển khai công tác dồn điền, đổi thửa. Nhờ đó, nâng hệ số sử dụng đất từ 1,5 lần, lên 2,8 lần, đưa gía trị bình quân trên một đơn vị diện tích đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm…
Tại xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, sau khi dồn điền đổi thửa cũng đã chuyển đổi hàng trăm ha sang sản xuất giống lúa, nuôi cá, sản xuất cây màu đạt hiệu quả kinh tế cao, giá trị bình quân trên một đơn vị diện tích tăng lên gấp 2 lần (từ 50 triệu đồng/ha/năm lên trên 100 triệu đồng/ha/năm)…
Có thể nói, công tác dồn điền đổi thửa đối với đất nông nghiệp được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, để thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hoá. Đồng thời, đây cũng là biện pháp hàng đầu để đẩy mạnh thâm canh và đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng. Kết quả cho thấy, nơi nào làm tốt dồn điền đổi thửa, thì nơi đó làm tốt công tác quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng cơ giới và hiệu quả canh tác cũng đạt cao nhất.
Tuy đạt được các kết quả nêu trên, song tiến độ thực hiện dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua vẫn còn chậm so với yêu cầu; có những xã dồn điền đổi thửa đạt kết quả tốt, nhưng việc nhân rộng ra trên địa bàn huyện lại gặp khó khăn; nhiều diện tích đã được dồn điền đổi thửa nhưng chưa phát huy được hiệu quả cao trong sản xuất; việc đo đạc, chỉnh lý, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa còn chậm, kéo dài nhiều năm...
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26 của BCH TW Đảng Khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã xác định, trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động, làm cho nhân dân hiểu được ý nghĩa, lợi ích trước mắt, cũng như lâu dài của công tác dồn điền đổi thửa, để từ đó nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện.
Cùng với đó, trong phương án dồn điền đổi thửa của từng xã, từng thôn phải gắn với quy hoạch sản xuất; trên từng cánh đồng dự kiến vụ nào, sản xuất cây trồng gì, bố trí bao nhiêu diện tích.... Trên cơ sở quy hoạch sản xuất, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất hàng hoá.
Ngoài ra, sau khi dồn điền đổi thửa phải tập trung đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất, nhất là đối với khâu làm đất và thu hoạch, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án để đẩy nhanh việc xây dựng giao thông, thuỷ lợi nội đồng, để hoàn thành tiêu chí quy định về xây dựng xã nông thôn mới….
Được biết, kế hoạch dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp ở các huyện đồng bằng trong tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2015 là khoảng 10.000 ha canh tác (ở 8 huyện, với 66 xã và 298 thôn). Mong rằng với những nỗ lực vượt bậc, cùng với những giải pháp đã đề ra, công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đạt những kết quả cao, góp phần tạo nên những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, hiện đại, nâng cao thu nhập của người dân.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=505307


Tin khác