Xuất khẩu gạo năm 2012: Còn nhiều thách thức

11/04/2012

Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan trong quý I/2012, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn được dự báo sẽ còn gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Để có thể tiếp tục đứng vững trên thị trường quốc tế, đòi hỏi phải áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng giá trị và uy tín của hạt gạo Việt Nam.

Theo Báo cáo mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình xuất khẩu gạo trong quý I/2012,  xuất khẩu gạo đạt 1,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 681 triệu USD, giảm 32,1% về lượng và 29,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Riêng tháng 3/2012, xuất khẩu gạo đạt 600 ngàn tấn, kim ngạch đạt 315 triệu USD.
Mặc dù áp lực cạnh tranh từ nhà xuất khẩu gạo lớn là Thái Lan đã giảm nhờ vào chính sách đảm bảo giá mua cao cho nông dân của nước này, tuy nhiên, gạo Việt Nam vẫn còn chịu sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ xuất khẩu gạo chất lượng trung bình khác là Ấn Độ, Mianma và Pakixtan... do đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp không ít khó khăn. Hơn thế nữa, hiện giá gạo của Việt Nam đang cao hơn của các nước này. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ (2,8%) so với cùng kỳ năm 2011, giá xuất khẩu bình quân đạt 520 USD/tấn. Đây chính là thách thức lớn đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 9-4 vừa qua, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cho biết, tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2012 của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia nhập khẩu gạo của Việt Nam đã nhập đủ số lượng trong năm 2012, điển hình như Malaysia đã ký hợp đồng đủ kế hoạch và chờ giao hàng đến hết năm 2012; Indonesia cũng đã nhập gạo đủ kế hoạch....
Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có giải pháp thiết thực, nhiều khả năng gạo của Việt Nam sẽ mất những thị trường lớn trong thời gian qua và khó giữ được vị trí dẫn đầu.
Để có thể lấy lại được vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu gạo, đồng thời để khẳng định được giá trị và thương hiệu của hạt gạo Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển hướng sang thị trường gạo cao cấp để phục vụ nhu cầu của thị trường quốc tế, bởi thực tế hiện nay lượng gạo cao cấp của Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong tổng sản lượng xuất khẩu, trong khi đó, các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ, gạo xuất khẩu hầu hết đều là gạo đặc sản và được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, để nâng giá trị hạt gạo xuất khẩu đòi hỏi phải có sự quản lý ngay từ khâu sản xuất. Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp phát triển và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL” mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, phải tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng chất lượng, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường.
Ngoài ra, cần chú trọng đến những thị trường nhập khẩu gạo cao cấp mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn. Được biết, hiện gạo thơm của Việt Nam đã dần chiếm lĩnh được lòng tin của nhiều thị trường trên thế giới như Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan với tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu gạo từ 2 đến 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo đi đôi với việc củng cố, duy trì các thị trường truyền thống. Đồng thời, có giải pháp khuyến khích bà con nông dân cần tăng cường sản xuất lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=516929


Tin khác