Kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

16/04/2012

Thời gian qua, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã khiến dư luận hết sức lo lắng, giải pháp nào để xử lý tận gốc rễ thực trạng này để người dân có thể yên tâm? Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Xuân Dương
Phóng viên (PV): Từ năm 2005, Bộ NN&PTNT đã cho phép nhập chất Gold Protein Peptide (SSI) để sử dụng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, mới đây Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) lại phát hiện ra lô hàng SSI do một doanh nghiệp nhập về có chứa chất cấm (chất tạo nạc Beta Agonits), ông lý giải về điều này ra sao, thưa Phó Cục trưởng?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Gold Protein Peptide (SSI) là chất được phép sử dụng trong chăn nuôi và có trong danh mục cho nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2005. Chất này hoàn toàn được phép sử dụng trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam. Đó là một dạng peptide của protein, được thuỷ phân từ đậu tương, làm cho con vật dễ tiêu hoá, hấp thụ thức ăn hơn. Trong danh mục thức ăn chăn nuôi có ghi công dụng là "tăng quá trình tổng hợp protein, kích thích tăng trưởng”, nghĩa là chất kích thích cho con vật ăn ngon miệng mà không gây tác hại xấu làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Do đó, các công ty thức ăn chăn nuôi được sản xuất, kinh doanh một cách hợp pháp chất SSI tại Việt Nam vì đã được sự cho phép của Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên, mới đây Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) lại phát hiện ra lô hàng SSI do một doanh nghiệp nhập về lại chứa chất cấm (chất tạo nạc Beta Agonits), điều này có nghĩa khi vào Việt Nam, chất SSI có thể nó đã không còn nguyên bản nữa mà bằng nhiều cách khác nhau, chất cấm đã được đưa vào. Vì thế cần phải phân tích, xét nghiệm nếu phát hiện là sản phẩm làm giả thì phải xử lý ngay những đơn vị vi phạm.
PV: Có sự trà trộn chất cấm trong những lô hàng thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam, phải chăng là do quy định về kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực này của chúng ta còn lỏng lẻo, vì vậy mà doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở để gian lận, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Chúng ta cần phải hết sức cảnh giác với điều này. Thực tế, nếu không kiểm tra tất cả các thành phần thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu thì tình trạng lợi dụng kẽ hở để gian lận của các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi rất dễ xảy ra. Mặc dù các nguyên liệu đã có trong danh mục không phải xin phép nhập khẩu là đúng, nhưng theo tôi cần phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là đó lại là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, là mặt hàng liên quan rất mật thiết với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, với sức khoẻ cộng đồng.
PV: Tại Việt Nam, hiện đang có hàng trăm loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu. Vậy theo ông, chúng ta có nên lo lắng về nguy cơ sẽ bùng phát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời gian tới?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Hiện nay, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được kiểm soát, song vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Chúng ta không thể khẳng định được tất cả các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập về Việt Nam hay đang lưu hành lại không có chất cấm hay chất tồn dư và chất cấm cũng không chỉ có chất tạo nạc, mà là nhiều chất khác. Do đó, phải kiểm soát tất cả, chứ không chỉ riêng SSI.
Còn về nguy cơ bùng phát việc sử dụng chất cấm trở lại là rất lớn, bởi lẽ, hiện nay việc sử dụng chất cấm đã phức tạp hơn, tinh vi hơn, không chỉ xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà cả ở các hộ chăn nuôi công nghiệp; đối tượng cung cấp không chỉ trao tay mà đã rộng hơn là các cửa hàng, cửa hiệu. Tôi khuyên người tiêu dùng yên tâm ăn thịt lợn, nhưng nguy cơ bùng phát việc sử dụng chất cấm trở lại là rất lớn nên cơ quan quản lý Nhà nước không thể chủ quan được mà cần tăng cường kiểm soát từ các khâu nhập khẩu qua biên giới đến cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giết mổ…
PV: Vậy giải pháp nào để kiểm soát và ngăn chặn được việc chất cấm được đưa vào trong nguyên liệu thức ăn nhập khẩu, trả lại niềm tin cho người tiêu dùng, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Giải pháp hữu hiệu nhất, theo tôi đó là cần kiểm tra chất lượng tất cả các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trước khi thông quan vào Việt Nam, đặc biệt các loại hàng hoá có nguy cơ cao, có thễ nhiễm hoặc có thể sử dụng chất cấm. Song, thực tế đây là vấn đề lớn vì chúng ta nhập 9-10 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, với mấy trăm chủng loại, vì thế không dễ dàng để kiểm soát được chất lượng.
Cùng với việc tăng cường kiểm soát chất lượng, chúng ta cần nâng cao ý thức pháp luật của người chăn nuôi và doanh nghiệp. Đồng thời, có cam kết của người chăn nuôi, người sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, người giết mổ và người chế biến thực phẩm với chính quyền cơ sở là không sử dụng, không bao che việc sử dụng chất cấm và tố giác khi phát hiện ra thông qua đường dây nóng của các địa phương, từ đó có sự kiểm soát tốt hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bởi kiểm soát an toàn thực phẩm là vấn đề lớn, không phải riêng ngành nào làm được mà cần cần sự chia sẻ, sự vào cuộc của toàn xã hội. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền không chỉ giúp người dân hiểu mà còn giúp họ có trách nhiệm hơn, cùng bắt tay tham gia giám sát với các ngành chức năng. Không ai biết rõ hơn người chăn nuôi bằng chính chính quyền địa phương đó, bằng chính hàng xóm láng giềng tham gia vào quá trình tố giác, có được như vậy, việc kiểm soát sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều...
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=517397


Tin khác