Đằng sau những tranh cãi xung quanh những ảnh hưởng về sức khỏe đối với con người của các cây trồng biến đổi gen?

04/06/2012

Ở Việt Nam, hiện đang có những cuộc tranh luận sôi nổi về cây trồng biến đổi gen, với 2 quan điểm rõ rệt: Quan điểm cho rằng, nên nên trồng các loại cây biến đổi gen trên diện rộng và quan điểm nên duy trì các loại cây truyền thống.

Trước một vấn đề thời sự nóng hổi và đầy giá trị khoa học đó, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn IPSARD xin trân trọng giới thiệu bài viết của 2 tác giả: TS. Lê Đức Thịnh – Trưởng Bộ môn thể chế nông thôn (thuộc Ipsard) với những kiến giải và cái nhìn mang tính “giải mã” về những tranh cãi xung quanh những ảnh hưởng về sức khỏe đối với con người của các cây trồng biến đổi gen; và bài của Th.S Lê Thị Phi Vân về vấn đề biến đổi gen ở cây ngô cho nông nghiệp Việt Nam. (Th.S Lê Thị Phi Vân là chuyên gia của Bộ môn thể chế nông thôn.)
Ipsard xin trân trọng giới thiệu.
TS Lê Đức Thịnh: Đằng sau những tranh cãi xung quanh những ảnh hưởng về sức khỏe đối với con người của các cây trồng biến đổi gen?
TS. Lê Đức Thịnh
Những bài học ở châu Âu và Trung Quốc khẳng định rằng thắng lợi chỉ thuộc về những người nắm giữ công nghệ. Cần phải thận trọng và cảnh giác với những phương thức kinh doanh kiểu mới của những “ông Trùm” thế giới sử dụng các con bài “sinh tặc” hiện nay.
Việc sử dụng công nghệ sinh học hiện đại để tạo ra các sinh vật phẩm biến đổi gen (GMO) cho phép người ta kỳ vọng vào việc tạo ra các nguồn cung lương thực, thực phẩm mới theo nhưng cách mà ngay cả những chuyên gia của cuộc cách mạng xanh trước đây cũng không thể tin nổi. Sản xuất nông nghiệp và lương thực trên thế giới đang trải qua một cuộc cách mạng khác, cách mạng công nghệ sinh học có tên là công nghệ biến đổi gen.
Theo thống kê, đến năm 2010, sau 15 năm kể từ khi giống cây trồng BĐG đầu tiên được đưa vào sản xuất đã có 29 quốc gia trồng cây BĐG với diện tích canh tác ước tính vào khoảng 148 triệu ha gieo trồng mỗi năm đối với hàng chục loại cây trồng khác nhau như ngô, lúa, đậu tương, bông, cải dầu... trong đó 3 cây trồng BĐG có diện tích lớn nhất là đậu tương 73,3 triệu ha, ngô 46,8 triệu ha, bông vải 21 triệu ha. So với tổng diện tích canh tác các cây trồng toàn cầu ước tính lên đến trên 4,8 tỷ ha (FAO, 2006) thì diện tích này quả là còn rất nhỏ bé, nhưng con số 148 triệu ha không thể nói là nhỏ đối với một vài quốc gia và vài công ty xuyên quốc gia - những người nắm công nghệ.
Hình minh họa.
Cuộc tranh cãi kéo dài
Đã có những tranh cãi gay gắt trên toàn thế giới giữa một bên là các công ty sở hữu công nghệ và các sản phẩm BĐG và bên kia là người tiêu dùng lo ngại về những khả năng rủi ro, không an toàn của các sản phẩm BĐG đối với sức khỏe con người và môi trường canh tác và sinh hoạt. Sự tranh cãi này diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lúc, cả ở châu Âu lẫn châu Á, cả ở những nước phát triển và cả ở các nước thế giới thứ 3.
Cứ mỗi khi các nhà khoa học hay thực tiễn sản xuất khám phá ra những rủi ro liên quan đến các sản phẩm BĐG, hoặc chứng minh lợi ích (như tăng năng suất cây trồng vật nuôi, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, tăng hiệu quả sản xuất) của các sinh vật BĐG không lớn như những gì mà người ta quảng cáo thì ngay lập tức các ông chủ sở hữu công nghệ và bản quyền các sản phẩm BĐG lại đưa ra các bằng chứng phản bác lại, đẩy các cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ nay không chấm dứt.
Trên thực tế, ngoài những lo ngại về tác động xấu đến sức khỏe con người của các sản phẩm BĐG, còn có rất nhiều các nghi ngại khác, cụ thể là: 1) những nghi ngại liên quan đến tác động xấu đến môi trường canh tác, sự mất an toàn cho người sử dụng; 2) những lo ngại về do không có bản quyền công nghệ cốt lõi về giống lương thực sẽ đánh rơi quyền kiểm soát lương thực vào tay nước ngoài, 3) vấn đề độc quyền kinh doanh đầu vào sản xuất đối với sản phẩm BĐG (giống, phân bón và hóa chất đi kèm) có thể làm giảm hiệu quả sản xuất và tăng gánh nặng hỗ trợ của các chính phủ và 4) là nguy cơ xảy ra các tranh chấp thương mại, dựa trên đó người ta thiết lập các hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan nhằm hạn chế hay tẩy chay sản phẩm của các đối thủ vốn có lợi thế cạnh tranh hơn.
Việc xem xét các thái độ của các quốc gia, cách ứng xử của các bên, kể cả những người nắm công nghệ và khách hàng dưới đây sẽ lí giải cho những nhận định này.
Những lo ngại đầu tiên liên quan đến quan điểm cho rằng công nghệ biến đổi BĐG đã vượt quá những điều con người lẽ ra không nên làm. Trong vũ trụ, mọi việc đã được tạo hóa sắp đặt tinh vi, sự vận chuyển của hàng muôn ức tinh cầu và chúng không bao giờ di chuyển sai một ly. Trong những tinh cầu đó có muôn ức sinh linh sống tuần hoàn theo định luật của nó một cách trật tự kỳ diệu. Và mặc dù có một số bài báo, bài viết nói rằng không có những bằng chứng cho thấy các loại lương thực BĐG không an toàn cho sức khỏe, nhưng chính điều này cũng hàm ý rằng không có bằng chứng cho thấy thực phẩm BĐG là an toàn cho người sử dụng bởi lẽ các độc tố, khả năng gây dị ứng, thiếu nồng độ dinh dưỡng và độ an toàn trong các loại Protein mới sản sinh cần phải có thời gian dài để nghiên cứu, với những nội dung nghiên cứu phức tạp hơn thì mới khẳng định được tính an toàn hay không của các sản phẩm này. Sự thống nhất ý kiến của các nước tham gia nghị định thư về an toàn sinh học có thể gói gọn trong câu nói: "Thà an toàn còn hơn phải ân hận" là vì vậy.
Hình minh họa.
Chi phối lương thực toàn cầu?
Về những lo ngại liên quan đến nguy cơ có thể đánh rơi quyền kiểm soát lương thực vào tay nước ngoài và những lo ngại về độc quyền kinh doanh đầu vào sản xuất có thể nhận ra thông qua chính sách và cách ứng xử của nhiều quốc gia đi trước, kể cả những nước hiện nay đã sở hữu các công nghệ BĐG như Châu Âu và Trung Quốc.
Điểm khác nhau giữa lương thực biến đổi gen và lương thực truyền thống ở chỗ sau khi thu hoạch, lương thực truyền thống có thể lưu giống, còn lương thực biến đổi gen hàng năm phải mua giống mới. Việc này xuất phát từ hai nguyên nhân: Một là sự bất ổn của biến đổi gen sẽ gây ra thoái hóa. Hai là, các doanh nghiệp độc quyền đã phát minh ra kỹ thuật tự động tiêu diệt phôi giống để ngăn chăn nông dân lưu giống.
Với cách làm này, các "ông lớn đa quốc gia: có thể buộc nông dân hàng năm phải mua giống của họ. Ngoài giống người nông dân còn buộc phải sử dụng các thuốc diệt cỏ, phân bón, hóa chất chuyên dùng cho cây trồng biến đổi gen. Người nông dân một khi sử dụng giống cây biến đổi gen hàng năm sẽ phải mua giống mới, phân bón và nông dược của các nhà cung cấp, và sự phụ thuộc sản xuất vào các nhà cung cấp cứ thế gia tăng. Những công ty có bản quyền sẽ thu lợi từ chính phương thức kinh doanh này.
Người ta đã tính toán được rằng để có thể nghiên cứu tạo 1 giống cây trồng BĐG, các công ty có bản quyền đã phải chi từ 50 đến 100 triệu USD. Vậy nên không dễ gì người ta lại đem tặng không cho người khác mà không thu được lợi lộc gì. Nhưng điều này sẽ tạo thành mối đe dọa đối với chủ quyền lương thực của các quốc gia. Vì thế, ở các nước châu Âu khi chưa làm chủ được công nghệ, chưa tự sản xuất được các giống BĐG người ta đã phản đối quyết liệt việc thương mại hóa các sản phẩm BĐG từ những năm 80. Không ít những hàng rào kỹ thuật đã được dựng lên nhằm hạn chế sự xâm nhập về kinh doanh của các công ty của Mỹ vào đây nhất là sau vụ bò điên ở Anh. Nhưng cùng lúc, Châu Âu đã hiện đại hóa ngành công nghệ này. Vào đầu và giữa những năm 2000, trong hàng chục các giống ngô BĐG đã trồng khá phổ biến ở Pháp, nhưng gần như tất cả là các giống ngô do các nhà sản xuất ở Pháp sản xuất ra. Chỉ có duy nhất 01 giống ngô MON89034 của Monsanto được cấp phép ở đây. Hiện nay, có thể thấy sự sự độc quyền kinh doanh giống cây trồng BĐG ở các nước phát triển là khó có thể xẩy ra, người ta thấy ít đi các cuộc tranh cãi phản đối với sản phẩm này và xu thế đang chuyển sang các nước đang phát triển.
Trung Quốc cũng là quốc gia có hành vi tương tự. Hiện nay Trung Quốc vừa quốc gia sở hữu công nghệ BĐG áp dụng cho các cây trồng vật nuôi vừa là nước nhập khẩu sản phẩm BĐG. Quốc gia này đầu tư nghiên cứu về GMO rất sớm, có thể nói từ những năm 1960 và nước này chiếm hơn một nửa đầu tư của thế giới đang phát triển vào công nghệ sinh học áp dụng cho cây trồng. Tuy nhiên so với lượng đầu tư 2-3 tỷ đô la mỗi năm của các nước phát triển thì đầu tư của Trung quốc chưa được xem là lớn.
Các công ty giống trong nước hiện nay cung cấp phần lớn giống cho nhu cầu người dân. Những tranh cãi về khả năng mất an toàn của các sản phẩm BĐG diễn ra gay gắt ở Trung quốc vào cuối những năm 90, đầu thập niên 2000 đã dịu xuống.
Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm BĐG nhất là đối với đậu tương, nhưng là vì lí do thị trường trong nước thiếu hụt. Câu chuyện này đã không diễn ra trước đây nên có một thời trong nước thiếu hụt, giá đầu tương lên cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhưng Chính phủ vẫn hạn chế nhập khẩu, chấp nhận hỗ trợ tiêu dùng và bên cạnh đó là đẩy mạnh việc nghiên cứu sản xuất sản phẩm BĐG trong nước. Trung Quốc dần dần đang xuất khẩu công nghệ BĐG và các sản phẩm BĐG của họ.
Sự độc quyền giống và các sản phẩm phân bón hóa chất có thể làm tăng sự phụ thuộc của người sản xuất vào các nhà cung cấp dịch vụ và làm giảm hiệu quả sản xuất của nông hộ. Khi sự phụ thuộc đã lên cao khả năng chuyển đổi trở lại các hệ thống canh tác đa dạng khác là rất khó do các dịch vụ canh tác truyền thống không còn nữa. Để nông dân tiếp tục sản xuất để giữ vững sản lượng lương thực và bảo đảm an ninh lương thực, không có cách nào khác các Chính phủ có thể sẽ phải gia tăng trợ cấp trực tiếp cho sản xuất. Điều này tạo ra nguy cơ làm tăng gánh nặng ngân sách hỗ trợ sản xuất cho các Chính phủ.
Đây chính là điều mà họ e ngại và không mong muốn. Vì thế mà nhiều quốc gia còn lừng chừng e ngại. Người ta khoanh vùng và chỉ cho phép một số địa phương được áp dụng các giống BĐG, một mặt vì lo ngại vấn đề an toàn, nhưng mặt khác là vì lí do ngân sách hỗ trợ hạn hẹp.
Hình minh họa.
Nguy cơ tranh chấp thương mại
Về các nguy cơ xảy ra các tranh chấp thương mại cũng là điều các Chính phủ lo ngại. Trong khi các luật lệ thương mại quốc tế ngày càng bị lợi dụng thì sản phẩm thương mại "bị nhiễm" gen biến đổi trở thành cái cớ hợp pháp để các nước tẩy chay hàng hóa của nhau. Trong xu thế mới của thế giới, cạnh tranh thương mại gắn liền với chất lượng hàng hóa thì việc tự "làm bẩn" sản phẩm của mình là điều cần phải tránh đối với các nước xuất khẩu nông sản.
Việt Nam đã từng mệt mỏi về những vụ kiện "bôi nhọ" chất lượng sản phẩm tôm sú, cá tra, cá ba sa vốn không phải là sản phẩm GMO. Còn người nông dân ở Canada, thì bị chính các công ty sở hữu các giống cây trồng BĐG kiện với lí do "ăn cắp bản quyền giống" trong khi chính họ là những nạn nhân của sự phát tán của gen biến đổi từ ruộng trồng cây BĐG sang ruộng của những người nông dân này.
Như vậy, cho dù đó là công nghệ hiện đại, một phát kiến vĩ đại của loài người nhưng việc xem xét và áp dụng nó cần phải được cân nhắc trên nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là lợi ích quốc gia, lợi ích người sản xuất và đương nhiên là lợi ích của người tiêu dùng. Không phải vô cớ mà cuộc tranh cãi về GMO lại diễn ra gay gắt và dai dẳng đến như vậy.
Những bài học ở Châu Âu và Trung Quốc cũng khẳng định rằng thắng lợi chỉ thuộc về những người nắm giữ công nghệ. Cần phải thận trọng và cảnh giác với những phương thức kinh doanh kiểu mới của những "ông Trùm" thế giới sử dụng các con bài "sinh tặc - biopirate" hiện nay.
Lê Đức Thịnh - Trưởng Bộ môn Thể chế nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT

Tin khác