Tăng cường các giải pháp quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm

22/10/2012

Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã nhiều bức xúc trong xã hội thời gian qua. Mặc dù chất lượng nhiều loại rau, quả, thực phẩm trên thị trường đã được cải thiện, tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn tồn tại không ít loại rau, quả, thực phẩm mất an toàn, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đẩy mạnh các giải pháp kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện nay, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong rau quả vẫn xảy ra, nhất là rau quả nhập khẩu. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, thuốc giả, kém chất lượng, vi phạm nhãn mác diễn ra rất phổ biến.
Cụ thể, theo kết quả kiểm tra của Bộ NN-PTNT đối với một số loại rau quả trong khoảng thời gian từ 10-8 đến 10-9, cơ quan chức năng đã phát hiện một mẫu quả mận tươi nhập từ Trung Quốc có chứa dư lượng carbendazim và một mẫu quả lựu có chứa hoạt chất tubeconazole, 2 mẫu nho tươi nhập khẩu có chứa dư lượng difenoconazole. Các mẫu trái cây kể trên đều có mức dư lượng hóa chất vượt mức cho phép từ 1,5-5 lần.
Nhiều loại rau mầm có nguy cơ mất an toàn
 
Ngay sau khi phát hiện các mẫu trái cây trên, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng quy định về an toàn thực phẩm. Như vậy, cho tới nay, ngoài nho tươi, hiện mận tươi và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đang nằm trong diện kiểm tra gắt gao về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan chức năng.
Bộ NN&PTNT cũng đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của giá đỗ và các loại rau mầm dùng để ăn sống hiện nay. Mới đây, cơ quan chức năng đã tổ chức lấy thêm 50 mẫu giá đỗ và rau mầm tại Hà Nội để phân tích. Kết quả, có tới 40% rau sống, rau mầm, giá đỗ bị nhiễm E.coli, Samonella, Listeria là những thủ phạm gây bệnh đường ruột nguy hiểm. Do đó, người dân không nên sử dụng các loại rau mầm, giá đỗ không rõ nguồn gốc, nếu dùng thì phải làm chín. 
Cùng với rau, quả, hiện nay Bộ NN&PTNT cũng đưa ra cảnh báo đối với cá biển, dù mức vượt chỉ tiêu an toàn không cao và chưa đến mức gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, nhưng theo Bộ NN&PTNT, cũng cần phải tiếp tục kiểm tra và có sự cảnh báo để giúp người tiêu dùng có những thông tin chính xác, góp phần đưa đến cho mỗi gia đình những bữa ăn sạch và an toàn.
Tại cuộc họp giao ban về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 19/10, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, trong tháng 9/2012, các đơn vị của ngành nông nghiệp đã lấy 90 mẫu cá biển để đánh giá về mức độ an toàn thực phẩm, trong đó có 28 mẫu tại tàu cá, cảng cá, bến cá và 60 mẫu tại các chợ bán buôn bán lẻ thủy sản.
Kết quả phân tích cho thấy, đối với chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật, có 17/90 mẫu cá biển nhiễm E.Coli vượt quá chỉ tiêu cho phép (chiếm 19%), và 13/43 mẫu nhiễm Salmonella (30%). Ngoài ra có tới 14/45 mẫu (chiếm 31%) chỉ tiêu Histamine (thường gây ngộ độc thực phẩm) vượt mức cho phép đối với mẫu cá biển. Hiện ngành nông nghiệp đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng sản xuất rau không an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đẩy mạnh các giải pháp kiểm tra, kiểm soát
Thực trạng vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác kiểm soát chất lượng, không chỉ đối với hàng thực phẩm nhập khẩu trôi nổi trên thị trường mà còn với các thực phẩm trong nước. Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, để đảm bảo công tác quản lý chất lượng thực phẩm, Cục đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra chất lượng, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm theo đúng pháp luật.
Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng đồng thời nâng cao chất lượng các mặt hàng rau, quả và thực phẩm đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là cần có những chế tài nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm, có như vậy mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất những mối nguy cơ trong mất an toàn vệ sinh thực phẩm có thể xảy ra.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn và kịp thời xử lý các sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm có vai trò rất quan trọng, nhất là cần nâng cao trách nhiệm đối với việc kiểm tra, kiểm soát các sản rau quả nhập lậu không có xuất xứ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng không nên chỉ chú trọng tới việc kiểm soát tại cửa khẩu biên giới mà phải kiểm tra cả thị trường nội địa, theo đó, cần triển khai quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi và cần phối hợp với các địa phương để có thể kiểm tra được diện rộng hơn và nắm được bức tranh tổng thể.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn đối với mỗi bữa ăn của từng gia đình đòi hỏi người tiêu dùng cần tìm hiểu và có cách lựa chọn, bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm hợp lý để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để gắn kết các doanh nghiệp phân phối thực phẩm với vùng sản xuất nguyên liệu, hạn chế việc sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng…/.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10004&cn_id=550271


Tin khác