Tăng cường hợp tác để giảm thiểu rủi ro trong chuỗi sản xuất lúa gạo

23/10/2012

Theo thống kê của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO), khoảng 3 tỷ người, gần một nửa dân số thế giới, phụ thuộc vào gạo. Ở châu Á, phần lớn dân số tiêu thụ gạo trong mỗi bữa ăn. Thậm chí ở nhiều nước như Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Banglades…, gạo chiếm hơn 70% lượng calo và khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi gia đình.

Cần có sự hợp tác giữa các nước châu Á nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất lúa gạo.
Từ những năm 1990, sự tăng trưởng trong sản xuất lúa gạo đã chậm hơn so với tăng trưởng dân số. Ước tính sản xuất lúa gạo cần phải tăng 30% vào năm 2025 mới có thể đáp ứng nhu cầu về gạo. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,… đã đe dọa sản lượng lúa gạo toàn thế giới. Theo một nghiên cứu của Viện Quản lý nước quốc tế, đến năm 2020, 1/3 dân số của châu Á có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, thiếu gạo trầm trọng.
Phát biểu tại Hội thảo lúa gạo và rủi ro ở châu Á, ông Peter Timmer, giáo sư danh dự của Trường Đại học Harvard cho biết, rủi ro trong chuỗi giá trị lúa gạo là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh lương thực toàn cầu, hai phần ba số dân nghèo nhất thế giới phải đối mặt với nạn thiếu lương thực và thiếu an toàn trong thực phẩm. Ngoài ra, nông dân phải gánh chịu nạn thiếu các vật tư, nguồn nước hoặc chất lượng của hạt giống, sắp xếp tài chính để mua sắm, lưu trữ, chế biến và vận chuyển ngũ cốc.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), ông Marc Sadler, nhận xét, việc duy trì giá gạo ổn định, hợp lý cho người tiêu dùng trong nước đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ các nước như cung cấp giá ưu đãi cho nông dân, đảm bảo giao hàng kịp thời, thiết kế, xây dựng và duy trì hệ thống thủy lợi quy mô lớn. Tất cả các hoạt động này có tác dụng giảm thiểu rủi ro trong chuỗi giá trị lúa gạo, hoặc giúp nông dân, thương nhân và người tiêu dùng đối phó với những rủi ro thực tế. Tuy nhiên, ý định tốt không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả tốt và nỗ lực của chính phủ nhằm giảm thiểu rủi ro cho nông dân, người tiêu dùng có thể dẫn đến hệ quả tai hại nếu can thiệp đó không xem xét tác động đầy đủ mặt trái của nó.
Ông Apiradee Yimlamai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược nông nghiệp (Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan) cho rằng, tầm quan trọng của lúa gạo đối với thế giới nói chung và châu Á nói riêng cho thấy cần phải xác định, quản lý rủi ro một cách hiệu quả. Tất cả mọi người tham gia sản xuất, kinh doanh lúa gạo đều có thể đóng góp để hạn chế rủi ro, bằng cách đầu tư vào xây dựng hạ tầng, chế ngự thiên tai, phân phối thị trường và lợi nhuận hợp lý trên cơ sở cùng có lợi giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Đặc biệt, các đối tác cần điều phối các quan hệ của nhau trong suốt chuỗi cung ứng của ngành, nâng cao hiểu biết và đánh giá rủi ro cũng là việc làm quan trọng trong tiến trình xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro toàn diện.
Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định, lúa gạo là mặt hàng chủ lực trong các loại lương thực mà con người cần tới, bởi dân số ngày càng tăng, thu nhập bình quân của các quốc gia trên thế giới nói chung, châu Á nói riêng, cũng không ngừng tăng lên, kéo theo nhu cầu lương thực ngày càng lớn. Đây là một thuận lợi lớn cho Việt Nam, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, giống như nhiều nước sản xuất gạo, Việt Nam cũng không là trường hợp ngoài lệ bởi những tác động rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh, nông dân thiếu vốn, sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia sản xuất khác,… Vì vậy, theo ông Bổng, các nước cần tăng cường hợp tác để ngành sản xuất lúa gạo được ổn định và phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực của châu Á cũng như thế giới.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác