Cốt lõi của nông nghiệp Việt Nam

13/08/2013

Đã hơn 38 năm đất nước thống nhất. Vậy mà đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách những nước chậm phát triển và ở nông thôn người nông dân Việt Nam vẫn đang phải vật lộn vất vả chống đói nghèo.

Những vất vả thiệt thòi, cơ cực của hàng triệu con người trên chính mảnh đất của mình làm chúng ta không chỉ xót xa mà cần phải có những hành động cụ thể, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Ở đây, then chốt là phải đi sâu vào cốt lõi của nông nghiệp, làm rõ các nguyên nhân trì trệ để thay đổi thể chế quản lý trong nông nghiệp.
“Tỷ giá cánh kéo”
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tư bản chủ nghĩa cũng còn là quá trình công nghiệp bóc lột nông nghiệp, thành thị bóc lột nông thôn. Đấy còn là quá trình thực hiện sự bóc lột nông dân để lấy vốn tích lũy cho quá trình công nghiệp hóa, còn được diễn ra dưới tên gọi là “tỷ giá cánh kéo”.
Đây là một thuật ngữ chỉ mối quan hệ giữa giá của hàng hóa công nghiệp với giá nông sản. Tỷ lệ này càng cao chứng tỏ nông dân càng ở thế bất lợi.
Trong một buổi họp Quốc hội đã lâu, tôi nhớ có đại biểu chất vấn nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ về “tỷ giá cánh kéo”. Tường thuật trực tiếp trên truyền hình, thì Bộ trưởng trả lời đó là tất yếu của quá trình công nghiệp hóa nhưng khi báo đăng tường thuật thì cắt bỏ đoạn đó.
Trồng thanh long trên vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười
 
Về nguyên tắc, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa XHCN phải có nhiệm vụ khắc phục mâu thuẫn về kinh tế giữa công nghiệp với nông nghiệp. Thực ra, các nước phát triển trước khi công nghiệp hóa cũng phải dựa vào nông nghiệp, nhưng sau đó họ nhanh chóng lấy từ công nghiệp để đầu tư trả lại cho nông nghiệp. Nghĩa là thành quả của nông nghiệp sẽ chỉ bị “tạm ứng” một thời gian đủ ngắn để nông dân có thể chịu đựng và chấp nhận được.
Chủ trương và hiện thực
Tại Hội nghị tổng kết nông nghiệp ở Thái Bình vào năm 1974 có đề ra nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn. Lúc đó, các hợp tác xã đang ở trình độ hợp tác giản đơn của các tổ sản xuất.
Theo GS Nguyễn Lang, trong lĩnh vực trồng trọt thì vấn đề này được bước đầu thực hiện qua khoán 10 với việc phân chia các khâu do hợp tác xã và hộ gia đình đảm nhiệm, gắn với chuyển phương thức phân phối từ theo công điểm sang khoán sản phẩm. Quá trình này đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nhưng sau đó, có khoán 10, dẫn đến hình thành mô hình phát triển hộ gia đình hoạt động theo phương thức tự sản, tự tiêu. Đồng thời chúng ta cũng coi việc phát triển trang trại là con đường phát triển nông nghiệp tất yếu, nhưng trang trại chỉ là mô hình hộ gia đình mà chiếm hữu một diện tích canh tác quy mô lớn hơn. Tức là thực chất, vẫn chỉ phát triển hộ gia đình về quy mô chứ không phải về chất lượng để tiến lên sản xuất lớn.
Quan điểm của tôi khác với GS Nguyễn Lang, vì kinh tế hộ chính là bước đi đáng ghi nhận, đã tạo bước đột phá và làm nên kỳ tích ngoạn mục của nông nghiệp trong thời kỳ đổi mới. Trong suốt thời kỳ từ 1988 đến gần đây, kinh tế hộ gia đình vẫn là yếu tố chủ chốt đem lại thành tích đáng ngưỡng mộ của nông nghiệp VN. Không có kinh tế hộ thì lấy đâu ra nông sản dư thừa mà xuất khẩu.
Thành lập hợp tác xã theo kiểu “cha chung không ai khóc” (không tự nguyện, thiếu dân chủ) là thất bại tất yếu, nhưng phát triển trang trại lại là con đường rất hiệu quả, nếu các trang trại này được tổ chức lại. Không phải là vào hợp tác xã để làm chung mà chỉ là để có tiếng nói thực sự trong các quan hệ hợp đồng với doanh nghiệp, còn việc sản xuất của họ vẫn ở cấp nông hộ hoặc trang trại (tức là nông hộ lớn). Vì kinh tế nông hộ hay trang trại vẫn là hiệu quả nhất trong nông nghiệp hiện nay.
Nông dân Việt Nam
Người ta đã tổng kết về người nông dân Việt Nam có mười cái nhất:
"Cống hiến nhiều nhất.
Hy sinh lớn nhất.  
Hưởng thụ ít nhất.  
Được giúp kém nhất. 
Bị đè nén thảm nhất. 
Bị tước đoạt nặng nhất.  
Cam chịu lâu dài nhất. 
Tha thứ cao cả nhất.  
Thích nghi tài giỏi nhất. 
Năng động khôn ngoan nhất".
Ta có chủ trương đảm bảo cho nông dân trồng lúa có 30% lợi nhuận. Tỷ lệ có vẻ to nhưng hiện nay, nông nghiệp vẫn là nền sản xuất nhỏ với quy mô hộ gia đình. Trong điều kiện đó, dù có tỷ suất lợi nhuận là 30% nhưng con số tuyệt đối mà hộ gia đình nhận được vẫn nhỏ, không đủ dự phòng khi có thiên tai, khi bị bệnh, cần tiền cho con đi học nên khả năng tái sản xuất mở rộng bị hạn chế. Đó là chưa kể đến tình trạng nông dân bị ép giá ở cả đầu vào và đầu ra không còn lợi nhuận 30% như chủ trương của Nhà nước.
Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện từ 2006-2012 tại 12 tỉnh, thành cho thấy chi tiêu của các hộ nông thôn tăng mạnh trong khi tỷ lệ hộ nghèo không giảm, thậm chí số hộ tái nghèo lại tăng. Thu nhập từ nông nghiệp đang sa sút do người nông dân phải chịu đựng những cú sốc từ khách quan có thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường, chưa kể chủ quan do sức khỏe, mất việc, mất đất khiến nông dân điêu đứng xoay trần ứng phó.
Tình trạng suy thoái kinh tế khiến giá nông sản giảm mạnh đã gây ra những cú sốc khiến nhiều hộ nông dân càng điêu đứng hơn. Có đến 45% số hộ nông dân cho biết họ đang phải nợ nần. Trong khi đó, hỗ trợ của chính quyền cho các hộ khi gặp các “cú sốc” trong đời sống rất hạn chế. Lẽ ra, khoản tiền bảo hiểm phải là cách ứng phó tốt nhất cho “vận đen” không may của họ, thế nhưng hầu hết nông dân lại chưa mua bảo hiểm, đặc biệt loại hình bảo hiểm nông nghiệp.
Trong điều kiện của VN tại sao hầu hết không ai tham gia bảo hiểm nông nghiệp tự nguyện? Trên thế giới người ta tham gia bảo hiểm với mong muốn sẽ bảo toàn được tài sản của mình nếu rủi ro xảy ra, về phía công ty bảo hiểm họ cũng là doanh nghiệp kinh doanh nên họ sẽ phải đặt ra yêu cầu và hướng dẫn để người mua bảo hiểm giảm thiểu nguy cơ dẫn đến rủi ro, nhưng ở VN không phải như thế. Vì thu nhập của họ từ nông nghiệp có đáng là bao, trong khi các điều khoản bảo hiểm chưa hấp dẫn và thủ tục chi trả bảo hiểm quá phức tạp đối với nông dân.
GS Nguyễn Lang: Nông hộ cần phải liên kết
"Tôi vẫn chủ trương duy trì và phát triển hộ gia đình nông nghiệp vì tuy với quy mô hộ, mang tính chất của một nền nông nghiệp tiểu nông nhưng nông nghiệp VN đã đi vào giai đoạn sản xuất hàng hóa mở rộng. Thế nhưng, chỉ vì tập quán tiểu nông nên tuy có sản lượng hàng hóa lớn ta vẫn không đảm bảo yêu cầu của thị trường trên 3 lĩnh vực chủ yếu:
- Ổn định sản lượng. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh kinh niên được mùa rớt giá, được giá rớt mùa.
- Ổn định chất lượng. Hàng nông sản do các hộ gia đình sản xuất theo phương thức tự sản tự tiêu nên không theo các tổ chức sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo ISO. Do đó khi gom hàng của các hộ gia đình, thì vì chất lượng không đồng đều dẫn đến giá thấp.
- Ổn định về tiến độ đưa hàng ra thị trường. Đó là do khi thị trường đang có nhiều hàng thì các nhà xuất khẩu của VN cũng tranh nhau bán hàng, dẫn đến tự hạ giá để bán được hàng. Khi thị trường cạn hàng, giá lên cao thì các nhà xuất khẩu VN lại hết hàng nên đành khoanh tay tiếc ngẩn, tiếc ngơ.
Do đó, để hàng nông sản VN đảm bảo được 3 yêu cầu nói trên, các hộ gia đình cần phải đi vào liên kết với nhau, sản xuất có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật... chứ không thể tiếp tục tập quán tiểu nông.
Giải pháp mà nhiều người kiến nghị là mở rộng quy mô của các hộ gia đình gắn với nới rộng hạn điền, theo tôi là không phù hợp vì, tuy có quy mô lớn như các trang trại vẫn còn tập quán tiểu nông với phương thức canh tác tự sản, tự tiêu thì không thể đảm bảo 3 yêu cầu ổn định của thị trường như đã đề cập ở trên". 
 
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/113834/Cot-loi-cua-nong-nghiep-Viet-Nam.aspx


Tin khác