Người nghèo và câu chuyện “giời đày”

20/08/2015

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện Chào mừng 40 năm trưởng thành - 10 năm thành lập Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (09/09/2005 - 09/09/2015).

Người nghèo chịu tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Tham vấn kết quả nghiên cứu đề tài: Các giải pháp ứng phó của nông dân đối với biến đổi khí hậu ở Việt Nam – Tầm nhìn 2030” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức.

Theo TS.Trần Đại Nghĩa, chủ nhiệm đề tài, do có 3/4 diện tích là đồi núi, đường bờ biển dài và vị trí ở trung tâm của các cơn bão nhiệt đới nên Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đánh giá, Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, còn Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Việt Nam vào danh sách 12 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.  

/images/2013/DSC00163(1).jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Riêng ở Việt Nam, nước biển dâng sẽ khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa với thiệt hại lên tới 10% GDP. Lũ lụt và bão tố mạnh hơn cũng có thể làm chậm những tiến bộ trong phát triển con người ở những vùng dân cứ chính yếu, kể cả Đồng bằng sông Cửu Long. Mực nước biển dâng cao như dự báo vào năm 2030 sẽ khiến khoảng 45% diện tích đất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ nhiễm mặn cực độ và thiệt hại mùa màng do lũ lụt. Năng suất lúa dự báo sẽ giảm 9%. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, phần lớn ĐBSCL sẽ hoàn toàn ngập trắng thời gian dài trong năm.

Ngoài ra, theo tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam, trong vòng 30 năm tới, Việt Nam là một trong 30 quốc gia “có nguy cơ cực lớn” do các tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, nếu Việt Nam không có những hành động kịp thời như gia cố đê kè và cải thiện hệ thống thoát nước, mực nước biển dâng cao 1m tính trung bình dọc theo bờ biển Việt Nam sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng 17.423km2, tương đương 5,3% tổng diện tích đất cả nước, trong đó có 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng, hơn 2,5% các tỉnh ven biển miền Trung và hơn 20% diện tích TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, có tới 33/63 tỉnh, thành phố hoặc 5/8 vùng kinh tế đang bị đe dọa bởi ngập lụt nghiêm trọng. Trong số đó, bốn tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang và Sóc Trăng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Theo TS.Nghĩa, sự biến đổi này gây những tác động lớn đối với phát triển con người,  trong đó người nghèo sẽ phải chịu nguy cơ gấp đôi. Các rủi ro về thời tiết khí hậu chiếm trung bình khoảng 50% mức giảm về thu nhập trong các rủi ro mà nông dân gặp phải và nhóm hộ có có thu nhập thấp chịu tác động lớn nhất và là nhóm dễ bị tổn thương bởi các tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan. Tác động rủi ro của thiên tai, biến đổi khí hậu làm giảm thu nhập và do đó ảnh hưởng đến tích lũy tổng tài sản lưu động của nông hộ và tăng mức độ dễ bị tổn thương về nghèo đói của nông hộ do phải sử dụng phần tài sản lưu động để khắc phục hậu quả.

Từ thực tiễn ở các địa phương, TS.Nghĩa cho rằng, để ứng phó với biến đổi khí hậu cần nghiên cứu thay đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng cường khả năng chống chịu với thời tiết cực đoan; chuyển đổi mùa vụ nuôi, trồng linh hoạt góp phần giảm nhẹ mức giảm thu nhập khi gặp các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Trên thực tế, các giống lúa chịu mặn, hay đưa các cây chịu hạn vào trồng ở những vùng thiếu nước, áp dụng mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn,… là những mô hình bước đầu thể hiện khả năng thích ứng khá tốt với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo sinh kế cho nông dân vừa bảo vệ môi trường.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác