Lúa gạo là lương thực quan trọng ở nhiều nền văn hóa trên thế giới. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo phát thải ra lượng lớn khí thải nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là một phần quan trọng của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó các quốc gia cam kết về các biện pháp cụ thể nhằm giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong những thành viên tham gia tích cực. Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) được đề xuất như một giải pháp trong đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030. Hệ thống canh tác lúa cải tiến là phương pháp canh tác lúa sinh thái, hiệu quả, tăng năng suất nhưng giảm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới. Bên cạnh đó, việc giảm và hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới v.v. sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất lúa ra môi trường. Theo các nghiên cứu trước đây, nguồn phát thải khi áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến so với canh tác thông thường giảm 28-30% ở Đồng Bằng Ấn- Hằng (N. Jain vàcộng sự, 2013), 11,9-18,5% ở tỉnh Quảng Bình (Dương Thanh Ngọc, 2017), 47-69% ở tỉnh Bình Định (Vũ Dương Quỳnh và cộng sự, 2018).
Nghiên cứu này được thực hiện tại xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Tỉnh Thái Bình được xếp hạng là vùng trồng lúa lớn thứ 2 ở Đồng bằng sông Hồng và thứ 14 của Việt Nam. Là vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như nguồn lực sản xuất, do đó tỉnh xác định tập trung phát triển sản phẩm lúa gạo là chủ lực. Mục tiêu của nghiên cứu là tổng hợp thông tin về việc sử dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm mục đích đưa ra các đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững với môi trường. Cơ sở khoa học và thực tiễn yêu cầu tính toán chi phí liên quan đến việc giảm phát thải khi chuyển đổi từ canh tác thông thường sang canh tác lúa cải tiến. Ngoài ra, nghiên cứu này nhằm mục đích tiến hành đánh giá tác động dựa trên quan điểm đánh giá của nông dân về các giải pháp canh tác lúa cải tiến, bao gồm các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội. Dựa trên cơ sở tính toán, các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra quyết định lựa chọn biện pháp canh tác lúa cải tiến với các kỹ thuật trồng lúa khác để đảm bảo tính đồng lợi ích trong thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Nghiên cứu đã tính toán Chi phí và Lợi ích (CBA) và Chi phí giảm phát thải biên (MAC) và sử dụng thang đo Linkert để đánh giá tác động dựa trên dữ liệu thu thập được từ 175 nông dân tại xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình năm 2022. Kết quả tính toán cho thấy, phương pháp hệ thống canh tác lúa cải tiếngiúp giảm chi phí đầu vào khoảng 1,7 triệu đồng/ha/vụ (1 năm sản xuất 2 vụ lúa), năng suất cao hơn 0,6 tấn/ha/năm dẫn đến lợi nhuận cao hơn khoảng 12 triệu đồng/năm so với canh tác thông thường. Không giống như các nghiên cứu trước đây, kết quả của nghiên cứu này không có sự khác biệt về chi phí sử dụng nước do chi phí sử dụng nước được khoán bởi Hợp tác xã tuỳ theo diện tích canh tác. Mặc dù, áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiếngiúp giảm chi phí nhân công, máy móc nhưng chi phí phân bón lại tăng cao hơn so với canh tác thông thường. Tiếp theo, áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến giúp giảm phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa thông thường khoảng 3,03 tấn CO2tđ /ha và chi phí giảm phát thải biên là khoảng -0,0027 triệu đồng/tấn CO2tđ/ha.
Ngoài ra, căn cứ quy hoạch phát triển tỉnh theo Đề án xây dựng và phát triển lúa gạo giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, kịch bản được tính toán với mục tiêu: Đến năm 2025, diện tích trồng lúa sẽ giảm xuống còn 74.000 ha, 85% diện tích sẽ được áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến và quy trình canh tác để sản xuất lúa gạo bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2030, diện tích trồng lúa giảm xuống còn 70.000 ha, 100% diện tích lúa được canh tác theo hệ thống canh tác lúa cải tiến. Trong khi kịch bản phát triển thông thường (BAU) giữ nguyên hiện trạng với khoảng 76.600 ha diện tích trồng lúa với khoảng 60% diện tích canh tác hệ thống canh tác lúa cải tiến và 40% diện tích trồng lúa thông thường. Kết quả cho thấy tiềm năng giảm phát thải khí CO2 trong giai đoạn từ 2020-2030 là khoảng 1,56 triệu tấn CO2tđ, mức giảm phát thải biên là khoảng -0,479 triệu đồng/tấn CO2tđ. Cuối cùng, hệ thống canh tác lúa cải tiến mang lại tác động tích cực đáng kể cho người nông dân về các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội.
Tóm lại, áp dụng theo hệ thống canh tác lúa cải tiến sẽ giúp tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính. Hệ thống canh tác lúa cải tiến mang lại tác động tích cực cho người nông dân về kinh tế, môi trường và xã hội. Đối với tỉnh Thái Bình, trước hết, mô hình canh tác lúa cải tiến cần được nhân rộng theo quy hoạch của tỉnh, đồng thời gắn với tập trung, tích tụ ruộng đất để ứng dụng khoa học kỹ thuật trên diện tích nông nghiệp lớn. Thứ hai, đầu vào nông nghiệp cần được chuẩn hóa phù hợp với điều kiện hiện có của địa phương để tối ưu hóa, dễ định lượng nhằm tăng năng suất và thu nhập cho người trồng lúa một cách hiệu quả. Cuối cùng, cần nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, khuyến nông trên địa bàn để làm chủ và hướng dẫn nông dân canh tác theo hệ thống canh tác lúa cải tiến.
(Đỗ Quang Huy - Bộ môn Nghiên cứu Kinh tế Tài nguyên và Môi trường/Ipsard, Kết quả luận án thạc sĩ tại trường Đại học Tohoku, Nhật Bản)