III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Năm 2008, sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT tiến hành sắp xếp lại hệ thống nghiên cứu của ngành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn sẽ là một trong sáu viện chính của cả ngành trực thuộc Bộ.
1. Đội ngũ cán bộ
Nguồn tài nguyên quan trọng nhất của Viện sẽ được phát triển mạnh trong tương lai là đội ngũ cán bộ. Tổng số cán bộ hiện nay của Viện là khoảng 100 người, chuyên môn chính là nghiên cứu kinh tế, được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau như Việt Nam, Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan... Trong tương lai, đội ngũ cán bộ này dự kiến tăng gấp đôi, khoảng 200 người. Chất lượng đội ngũ cán bộ sẽ tiếp tục được củng cố thông qua hàng loạt khoá đào tạo trong và ngoài nước. Định hướng thay đổi chính như sau:
+ Tỷ lệ cán bộ biên chế giảm từ 62% hiện nay xuống còn 50%, bổ sung bằng cán bộ hợp đồng.
+ Lãnh đạo các bộ phận nghiên cứu, trung tâm, chủ trì các lĩnh vực nghiên cứu chính sẽ có trình độ tiến sĩ.
+ Phương pháp nghiên cứu, kỹ năng làm việc và quản lý của cán bộ sẽ được tiêu chuẩn hoá, tương đương trình độ quốc tế.
+ Cán bộ có trình độ sau đại học tăng từ 33,3% hiện nay lên 80% tổng số cán bộ nghiên cứu.
+ Tuổi trung bình của cán bộ giảm xuống dưới mức 35 tuổi.
+ Cán bộ nghiên cứu đầu đàn và lãnh đạo nữ sẽ tăng từ khoảng 20% hiện nay lên 50%.
2. Cơ cấu tổ chức
Viện hiện có 3 phòng chức năng, 4 bộ môn nghiên cứu (trung bình khoảng 10 người/bộ môn) và 4 trung tâm/cơ sở độc lập (khoảng 15-25 người/trung tâm). Trong 5 năm tới, kết cấu các bộ phận và chất lượng quản lý sẽ được thay đổi theo định hướng sau:
+ Kết cấu các bộ phận: các phòng chức năng (10 người/phòng, chủ yếu là cán bộ biên chế), các bộ môn (10 người/bộ môn chủ yếu là cán bộ biên chế), các trung tâm, cơ sở phía Nam (25-30 người/đơn vị, chủ yếu là cán bộ hợp đồng).
+ Chất lượng của bộ phận quản lý, nghiên cứu được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn ISO 2000-9001.
+ Các bộ môn và trung tâm/cơ sở sẽ xây dựng và áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn các viện nghiên cứu ở các nước phát triển châu Á.
+ Phối hợp giữa các đơn vị: các bộ môn tập trung nghiên cứu và tham mưu, các trung tâm/cơ sở làm công tác dịch vụ và tư vấn và Trung tâm Thông tin là cầu nối giữa Viện và các cơ quan bên ngoài.
+ Các hoạt động nghiên cứu tham mưu và dịch vụ thực hiện theo nguyên tắc tạo điều kiện cho các chủ đề án, dự án, đề tài phát huy khả năng sáng tạo và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
+ Tạo cơ chế phối hợp giữa nghiên cứu và đào tạo, cán bộ nghiên cứu tham gia giảng dạy sau đại học và thực tập sinh, nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu học tập tại Viện.
3. Trụ sở, thiết bị
Trụ sở làm việc chính của Viện sẽ được xây dựng ở 16 Thuỵ Khuê cho các phòng, bộ môn và 3 trung tâm.
Trụ sở làm việc phía Nam dự kiến đặt tại phố Trần Quốc Toản, TP Hồ Chí Minh cùng một số cơ quan của Bộ ở phía Nam.
Viện sẽ được trang bị hiện đại về các thiết bị thông tin và phân tích sử lý số liệu và xuất bản. Viện có thể có các trạm nghiên cứu đặt tại các vùng điển hình ở nông thôn toàn quốc để nghiên cứu mô hình thể chế, thị trường.
4. Quan hệ
Viện sẽ có quan hệ chặt chẽ với các cục vụ trong Bộ, hiệp hội và doanh nghiệp ngành hàng, địa phương, tổ chức đoàn thể của nông dân, tổ chức truyền thông đại chúng.
Viện sẽ duy trì quan hệ hợp tác với các cơ quan nghiên cứu chính sách của các Bộ có liên quan, một số trường đại học và cơ quan nghiên cứu quốc tế có uy tín ở Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Pháp, Úc...