Đến lượt thuốc BVTV tăng giá

02/03/2011

Hôm qua (1/3), gần như tất cả các sản phẩm thuốc BVTV của các DN đưa xuống đại lý đều có quyết định tăng giá. Đây là mặt hàng lâu nay vẫn được đánh giá tăng chậm nhất so với các mặt hàng khác trong ngành vật tư NN...

Anh Phan Tấn, chủ đại lý cấp 1 ở Trà Cao, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho hay, theo thông báo bảng giá của các Cty như ADC (Cần Thơ), Cty CP BVTV An Giang (nhà phân phối chính thức của Cty Syngenta), Cty CP BVTV Sài Gòn (SPC), Thanh Sơn-Hóa Nông, Cty CP BVTV HAI, Cty TNHH MTV ACP .. thì tất cả các sản phẩm thuốc BVTV từ thuốc sâu, bệnh, trừ cỏ, kể cả .. “thuốc chuột” đều tăng giá, thấp nhất là 5 ngàn đồng, cao nhất 10-15 ngàn đồng/sản phẩm so với trước, tức vào khoảng 5-10%. Ngoài ra, có công ty như Quốc tế Hòa Bình ( Hà Nội) còn đưa thông báo đòi tăng giá sản phẩm Go-Up, một loại thuốc trị cỏ tranh cho cây cao su, cây mía lên tới 18%!

Anh Tấn đưa cho tôi xem 2 bảng giá cũ và mới của Cty SPC, theo đó, chai thuốc trừ bệnh Carbenzim cho lúa từ 45 ngàn tăng lên 55 ngàn; thuốc trừ cỏ mía, cỏ bắp như Anaron 80WP từ 154 ngàn tăng lên 166 ngàn/bao 1 kg; thuốc trừ sâu Dragon từ 66 ngàn lên 71 ngàn đồng/chai.. “Thông báo này được DN quyết định tăng giá từ ngày 1/3”- Anh Tăng nói.

Agroinfo - Theo Báo NNVN

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/73324/Default.aspx

 

Ông Bùi Văn Kịp (GĐ Kỹ thuật Cty Bayer) cho hay, mỗi năm các DN nhập nguyên liệu thuốc BVTV tương đương khoảng 400 triệu đô-la về VN gia công, sang chai đóng gói. Trong đó, đứng đầu là Cty Syngenta, Bayer, ADC... “Đối với Cty Bayer, chúng tôi chưa tăng giá, chỉ điều chỉnh giá bán sau khi tỷ giá hối đoái thay đổi. Hiện nay thì chưa, nhưng sắp tới chắc phải tăng giá!”.

Theo ông Nguyễn Trung, nguyên GĐ tiếp thị thuốc BVTV của Cty ADC vùng Đông Nam bộ, lâu nay các DN kinh doanh thuốc BVTV đều nhập nguyên liệu (hoạt chất) từ Trung Quốc và Ấn Độ, trong đó Trung Quốc chiếm hết 70. Riêng tại khu vực ĐNB mỗi vụ có hơn 200 tỷ đồng bỏ ra để mua nguyên liệu từ Trung Quốc bằng đô-la, với các hoạt chất chính là thuốc cỏ (Glyphosate, Dimethyl amin (2,4D) sử dụng chính là vùng trồng cao su, rau màu ở Bình Dương, Bình Phước; thuốc sâu (Cypermetrin, Abamectin) và thuốc bệnh (Carbendazim, Hexaconazole, Metaxy) sử dụng cho cây lúa, cây bắp, cây mía vùng Đồng Nai, Tây Ninh và Củ Chi (HCM). “Cùng với tỷ giá đô-la tăng thì cùng với mặt hàng phân bón, thuốc BVTV cũng không được phía Trung Quốc trợ giá 11% cho các Cty xuất khẩu nên tôi nghĩ việc tăng giá thuốc BVTV trong nước cũng là điều dễ hiểu và khả năng sẽ lên đến 15%, có điều các DN nước ngoài tăng giá mạnh hơn so các DN trong nước”- Ông Trung nhấn mạnh.

Tại huyện Bến Cát, nơi có diện tích cao su chiếm gần 20 ngàn ha, đứng bậc nhất, nhì tỉnh Bình Dương, hàng năm số lượng thuốc BVTV tiêu thụ tại đây lên tới hàng ngàn tấn. Theo anh Vương Đình Thiện (Trạm BVTV huyện), thuốc BVTV tiêu thụ lớn nhất vẫn là nhóm thuốc trị bệnh vàng lá, rụng lá cao su gồm 2 hoạt chất trị nấm gồm Hexaconazole và Carbendazim. Nếu chỉ tính 50% diện tích có xịt thuốc phòng trị với mỗi 1 ha bình quân sử dụng 3 lít thì đã có 30 tấn thuốc “bị” tăng giá đưa vào sử dụng cho vùng cao su trong thời gian tới. Tuy nhiên, “mủ cao su tăng giá nên việc thuốc BVTV có tăng cũng không làm cho chúng tôi quan tâm, vấn đề là thuốc BVTV phải đảm bảo chất lượng tương xứng với đồng tiền bỏ ra”- Ông Lê Hải, một chủ vườn trồng 2 ha cao su ở xã Lai Hưng nói.

Trong khi đó, cũng tại đây có một số hộ nông dân không có điều kiện trồng cao su, họ sống chủ yếu nhờ vào cây rau màu (bầu, bí, dưa leo, đậu rồng, đậu bắp..) mà loại cây trồng này là “đối tượng” của nhiều loại sâu ăn lá nên việc tăng giá, nhất là thuốc trừ sâu đã thật sự làm họ lo lắng. Gặp anh Đào Văn Cư, KP 4, Thị trấn Mỹ Phước ngay tại cánh đồng 5.000 m2 trồng rau, bầu, đậu rồng, anh đưa cho chúng tôi xem 3 sản phẩm thuốc trừ sâu của 3 DN khác nhau anh vừa mới mua ở đại lý đều tăng giá mạnh. Đó là, thuốc sâu Promectin của Cty Nông Việt ( Gò Vấp, TPHCM) tăng từ 60 ngàn đồng lên 70 ngàn/chai; Nitox của Cty Nicotex (Hà Nội) tăng 55 ngàn lên tới 70 ngàn; Pennaty của Cty ADC cũng tăng 10 ngàn đồng/gói. “Trong khi tụi tui bán 1 kg dưa leo, đậu bắp có 4.000 đồng, 1 kg đậu rồng 7.000 đồng, bán cho lái xin tăng thêm 500 đ/kg vì thuốc sâu tăng nhưng lập tức dội chợ, lái lại giảm giá!.”- Anh Cư than vãn.

Bà Thiên Thư, một chủ đại lý tại Thị trấn Mỹ Phước tiết lộ: “Mặc dù, quyết định tăng giá đầu tháng 3, nhưng thật ra các DN đã đưa giá mới cách đây cả tuần để bán thăm dò trước cho nông dân. Mặt khác, DN cũng cho tụi này ôm hàng theo giá cũ, và đây cũng là chiêu “khuyến mãi” của họ nhằm giữ chân đại lý!”.


Tin khác