Xây dựng nông thôn mới từ phong trào "Mỗi làng một sản phẩm"

28/02/2011

Hiện cả nước có hơn 2.700 làng nghề, sử dụng gần 30% lực lượng lao động ở nông thôn, tuy nhiên, kết quả phát triển làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của yêu cầu phát triển. Từ thành công của phong trào "Mỗi làng, một sản phẩm" trên thế giới, Việt Nam đang thực hiện chương trình "Mỗi làng một nghề" có mục đích thúc đẩy phát triển các làng nghề theo hướng chuyên nghiệp, khuyến khích người dân trong việc tận dụng nguồn lực địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng và bảo tồn các làng nghề truyền thống. Cơ hội tạo sức cạnh tranh của các sản phẩm truyền thống trên thị trường Việt Nam và thế giới đang phải được song hành và gắn kết với việc phát triển nông thôn mới ở các làng nghề.

Sức lan tỏa của 'Mỗi làng, một sản phẩm' ở Nhật Bản
Từ năm 1979, ở tỉnh Oi-ta, Nhật Bản đã hình thành và phát triển phong trào 'Mỗi làng, một sản phẩm' (viết tắt là OVOP), với mục tiêu phát triển vùng nông thôn của khu vực này một cách tương xứng với sự phát triển chung của cả Nhật Bản. Người khởi xướng phong trào OVOP của thế giới, Tiến sĩ Mo-ri-hi-kô Hi-ra-mát-su, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển mỗi làng một sản phẩm Oi-ta, khi ấy là tỉnh trưởng Oi-ta. Có mặt tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm sau khi Nhật Bản áp dụng thành công, ông Hi-ra-mát-su nhấn mạnh, ba nguyên tắc chính xây dựng phong trào OVOP. Ðó là, địa phương hóa rồi hướng tới toàn cầu; tự chủ, tự lập, nỗ lực sáng tạo; và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Câu chuyện từ những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các thương hiệu đặc sản nổi tiếng của Nhật Bản như nấm hương khô, rượu Shochu lúa mạch, chanh Kabosu... cho thấy những bài học sâu sắc đúc kết không chỉ từ thành công mà cả sự thất bại. Người dân sản xuất rồi tự chế biến, tự đem đi bán mà không phải qua thương lái. Họ được hưởng toàn bộ thành quả chứ không phải chia sẻ lợi nhuận qua khâu trung gian nào. Chỉ tính riêng trong 20 năm kể từ năm 1979-1999, phong trào OVOP 'Mỗi làng, một sản phẩm' của đất nước mặt trời mọc đã tạo ra được 329 sản phẩm bình dị và đơn giản như nấm, cam, cá khô, chè, măng tre... được sản xuất với chất lượng và giá bán rất cao.
Tiến sĩ Hi-ra-mát-su giới thiệu, gần 30 năm hình thành và phát triển, sự thành công của phong trào OVOP đã lôi cuốn không chỉ các địa phương trên đất nước Nhật Bản mà còn rất nhiều khu vực, đáng chú ý là các quốc gia ở châu Á và châu Phi tìm hiểu và áp dụng. Một số quốc gia trong khu vực Ðông-Nam Á như Thái-lan, Phi-li-pin... tận dụng được nguồn lực địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn các làng nghề truyền thống, đã thu được những thành công nhất định trong phát triển nông thôn của đất nước mình nhờ áp dụng kinh nghiệm của phong trào OVOP của Nhật Bản.
 
Làng gốm sứ Bát Tràng giờ đây là điểm đến hấp dẫn du khách
Tới 'Mỗi làng, một nghề' của Việt Nam
Từ hiệu quả của phong trào OVOP, ngay từ năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án: 'Chương trình phát triển mỗi làng, một nghề, giai đoạn 2006-2015' với mục tiêu đưa mức tăng trưởng ngành nghề nông thôn đạt 15%/năm, thu hút 300 nghìn lao động mỗi năm làm việc tại các làng nghề... Trên thực tế, theo báo cáo của Cục Chế biến, thương mại nông lâm, thủy sản và Nghề muối, với hơn 2.700 làng nghề trên cả nước, năm 2009, giá trị xuất khẩu sản phẩm của các làng nghề đạt 900 triệu USD. Phong trào OVOP khuyến khích nỗ lực của người dân trong việc tận dụng nguồn lực địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn các làng nghề truyền thống và nhất là phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tuy nhiên, kết quả phát triển làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của yêu cầu phát triển.
 
Ba vùng phát triển làng nghề với số lượng lớn là đồng bằng sông Hồng (43%), Tây Bắc (12,2%) và đồng bằng sông Cửu Long (10,5%). Từ hai năm nay, tại bốn tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La và Hòa Bình thuộc khu vực Tây Bắc, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã 'vào cuộc' với dự án nâng cao năng lực xúc tiến ngành nghề thủ công phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn Việt Nam. Chị Ô-tô-oa Sa-chi-hô, chuyên gia xúc tiến và ma-két-tinh của dự án cho biết, các nghề truyền thống được hỗ trợ phát triển là dệt thổ cẩm, sản xuất chè cổ thụ, chế biến rượu táo mèo... Xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, Ðiện Biên có hai bản có xưởng chế biến chè đang hoạt động, tuy nhiên do không có điện nên vẫn phải sản xuất với các máy móc thủ công kiểu cũ. Với việc hỗ trợ tiếp thị bên cạnh cung cấp thiết bị, công nghệ chế biến chè và máy phát điện, nhà máy chế biến chè cổ thụ đi vào hoạt động tại xã Sín Chải được bảy tháng. Sản phẩm mới mà bà con người Mông ở đây cung cấp được đưa vào sử dụng máy đóng gói chân không, với mẫu mã bao bì mới. Lần đầu tiên, những cây chè cổ thụ với chiều cao hàng chục mét sinh trưởng rộng rãi trên các huyện miền núi Tây Bắc cũng được chế biến thành chè hữu cơ, loại chè không sử dụng thuốc hóa học mà chỉ dùng phân bón hữu cơ. Vụ thu hoạch chè hữu cơ thử nghiệm có áp dụng các kỹ thuật canh tác hữu cơ của Nhật Bản đang được nhân rộng ở khu vực Tây Bắc, nơi có chè cổ thụ. Ông Tsu-nô Mô-tô-nô-ri, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, đây là những mô hình OVOP mẫu để tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm khác, ngành nghề khác ở nhiều vùng, miền của Việt Nam.
 
Thách thức phát triển nông thôn bền vững
Làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng, ngoại thành Hà Nội có những nét tương đồng với phong trào mỗi làng một sản phẩm tại tỉnh Oi-ta, Nhật Bản. Các chuyên gia cho rằng, để phát triển mỗi làng một nghề, Nhật Bản thường gắn liền với du lịch làng nghề. Bát Tràng đã đi theo hướng đó nhưng thật sự chưa phong phú và sinh động. Ông Lê Xuân Phổ, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn tình trạng khi mặt hàng nào bán chạy thì mọi người đổ xô làm. Việt Nam có rất nhiều sản phẩm truyền thống nhưng thiếu tổ chức chuyên nghiệp cho nên ngay như Bát Tràng, dù đã có thương hiệu tốt và lâu đời, nhưng Bát Tràng vẫn còn tồn tại tư duy làm ăn nhỏ, thiếu bền vững. Tự 'bơi' trong việc tìm thị trường, đào tạo nghề..., đó chính là khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hầu hết các làng nghề. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát cho rằng, các làng nghề Việt Nam đang đối mặt với những thách thức: Thiếu quy hoạch, phát triển tự phát quá mức, gây ô nhiễm môi trường, tỷ lệ lao động được đào tạo thấp, kỹ năng tiếp cận thị trường của nhiều doanh nghiệp làng nghề còn kém...
Nghề mây tre đan được coi là có số lượng làng nghề nhiều nhất ở Việt Nam, với hơn 710 làng nghề, chiếm hơn 24% trong số các làng nghề. Hầu như toàn bộ số hộ ở xã Phú Vinh, Hà Nội đều tham gia sản xuất mây tre đan. Thực tế, giá nguyên liệu tăng cao trong khi giá bán sản phẩm bị khống chế bởi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giá bán không tăng dẫn đến thu nhập từ ngành nghề của người sản xuất giảm. Ngoài ra còn thiếu kiến thức về thị trường để có thể chủ động đưa ra các ý tưởng về thiết kế sản phẩm có tính chất sáng tạo. Vì thế mà phát triển các làng nghề truyền thống như mây tre đan có từ rất lâu đời nhưng lâu nay mới chỉ phát triển trong nước là chính, xuất khẩu còn rất hạn chế, chỉ với thị trường mây tre đan truyền thống là Nga, các nước Ðông Âu và Ðài Loan (Trung Quốc).
Phát triển các làng nghề là một trong những nội dung của Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Phát triển làng nghề của Việt Nam thời gian tới cần giải quyết ba vấn đề cấp bách. Ðó là quy hoạch đất đai xây dựng làng nghề tập trung; đào tạo nghề truyền thống, nghề mới cho lao động nông thôn và tạo cơ chế để người dân tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Vì thế, việc xây dựng và thực hiện phong trào OVOP có mục đích thúc đẩy phát triển các làng nghề ở Việt Nam hiện nay phát triển theo hướng chuyên nghiệp để tạo sức cạnh tranh trên thị trường Việt Nam và thế giới.

AGROINFO - Theo Nhandan.com


Tin khác