Khôi phục HTX bán lẻ: Giải pháp đưa hàng Việt về nông thôn

23/11/2010

Phân tích nguyên nhân của tình trạng hàng Việt chưa được người Việt Nam quan tâm và lựa chọn, lãnh đạo các ban ngành liên quan và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vướng mắc lớn nhất chính là ở hệ thống phân phối. Nhận thức được thực trạng này, mới đây, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề xuất khôi phục các hợp tác xã bán lẻ để phân phối hàng Việt. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hiên, Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam xung quanh vấn đề trên. Ông Hiên cho biết:

Liên minh HTX Việt Nam đề xuất khôi phục các HTX bán lẻ trên cơ sở nhận thức rất rõ vấn đề mấu chốt vẫn còn tồn tại của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chính là ở hệ thống phân phối. Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của cuộc vận động này. Chúng tôi đề xuất xây dựng HTX bán lẻ vì chỉ có mô hình này mới vươn tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa một cách hữu hiệu nhất khi các kênh bán hàng khác khó triển khai ở địa bàn này.


PV: Theo ông, mô hình HTX bán lẻ có những điểm ưu việt gì so với các hình thức phân phối khác?

Trước đây, ở các vùng nông thôn, bà con nông dân thường mua hàng qua các HTX bán lẻ tại địa phương. Mỗi xã thường có một HTX, mỗi HTX lại có vài điểm bán lẻ. Trong hệ thống xưa cũ ấy, người ta có thể mua được hầu hết nhu yếu phẩm cho đời sống, sinh hoạt. Thời bao cấp, hệ thống phân phối này được tổ chức rất chặt chẽ qua các cấp: xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Liên hiệp HTX tỉnh cũng có vai trò như liên hiệp HTX huyện. Cấp Trung ương thì sẽ có các tổng công ty chịu trách nhiệm phân phối hàng hóa theo nhu cầu nhân dân.

Nói như thế để thấy, trước đây hệ thống HTX bán lẻ được tổ chức rất tốt, thông qua nó, người dân, đặc biệt là bà con vùng nông thôn, có thể dễ dàng tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước nếu chúng ta cung ứng đủ và phù hợp nhu cầu. Song song đó, mạng lưới HTX bán lẻ còn có 2 ưu điểm nổi trội: sát địa bàn dân cư, hiểu được nhu cầu của người dân và có địa điểm kinh doanh tiện lợi. Đây là những yếu tố mà các doanh nghiệp hiện vẫn chưa làm được khi đưa hàng hóa về nông thôn.

PV: Nhưng trên thực tế, ai cũng nhận thấy đa số mô hình HTX nông nghiệp hiện rất yếu kém, không đủ cơ sở thực hiện chương trình phân phối này. Liên minh HTX Việt Nam có định hướng cụ thể gì cho các HTX không thưa ông?

Cũng vì nhận thức rõ sự yếu kém và tồn tại trong các HTX nông nghiệp nên Liên minh HTX Việt Nam đang tập trung xây dựng và phát triển mô hình Liên hiệp HTX nông nghiệp cho từng địa phương. Đến thời điểm này, chúng tôi đã có các liên hiệp đầu tiên nhưng vẫn chưa hoàn thành mục tiêu mỗi địa phương một liên hiệp. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn sẽ là thành viên của liên hiệp này. Liên hiệp vừa có vai trò là đầu mối cho các thành viên của mình, vừa tích cực liên hệ với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh doanh và hỗ trợ các HTX bán lẻ trong hoạt động phân phối, trao đổi, mua bán hàng hóa. Đồng thời, liên hiệp HTX sẽ làm việc với tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu đưa hàng về nông thôn. Khi đi đến thống nhất thông qua kênh phân phối là HTX bán lẻ, liên hiệp sẽ giúp doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, sau đó đặt hàng để doanh nghiệp cung ứng lượng hàng sát nhu cầu thực tế.

Chúng tôi rất hài lòng với ưu điểm của các liên hiệp này là họ có thể thành lập công ty, cửa hàng, các trạm trung chuyển hàng hóa nên các công ty trực thuộc liên hiệp này sẽ liên hệ trực tiếp với các HTX bán lẻ. Liên hiệp có thể đầu tư cả các trung tâm phân phối trực thuộc đưa hàng về bán buôn, các HTX đến mua và bán lại cho người dân. Mô hình phân phối doanh nghiệp - Liên hiệp HTX - HTX này rất thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc.

Liên minh HTX Việt Nam đã hướng các HTX dịch vụ - thương mại vào mô hình này vì hiện chúng ta có khá nhiều HTX kiểu này. Vấn đề là từ trước đến nay họ chỉ kinh doanh các sản phẩm đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi chứ các mặt hàng tiêu dùng, sinh hoạt lại rất hạn chế. Chúng ta sẽ tăng cường phân phối hàng Việt qua chính các HTX này.

PV: Chúng ta phải tổ chức, cơ cấu lại các HTX này như thế nào để phát huy hết ưu điểm và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện tại của đất nước, thưa ông?

Chúng tôi định hướng các HTX nông nghiệp chuyển sang mô hình HTX đa chức năng: làm dịch vụ môi trường, thương mại để tận dụng được tổ chức sẵn có này làm kênh phân phối hàng hóa. Hiện tại hầu như xã nào cũng có HTX nông nghiệp nên các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để các HTX nông nghiệp đầu tư xây dựng các cửa hàng thương mại, phát triển buôn bán và phục vụ người dân.

Xin cảm ơn ông!

Theo KTNT

Tin khác