Nông thôn mới: Khó thành nếu làm kiểu tư duy dự án

13/08/2010

AGROINFO - “Không thể xây dựng nông thôn mới bằng kiểu tư duy dự án hay cầm tay chỉ việc, mà phải để nông dân đi bằng chính đôi chân của mình”- Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách & Phát triển Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) trả lời phỏng vấn Báo Tiền Phong.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

Ông Đặng Kim Sơn nói: “Xây dựng NTM phải lấy nông dân là động lực chính, còn sự hỗ trợ từ bên ngoài chỉ là tăng sức, tạo đà để người dân phát huy nội lực, bứt lên. Hàn Quốc cũng đi theo mô hình đó. Tức là lấy nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy nội lực. Còn nếu chúng ta chỉ thay đổi về hạ tầng đường sá, trụ sở, trường học… thì đó cũng là một bước tiến, nhưng không phải là cái căn bản của việc xây dựng NTM. Căn bản là thay đổi cách nghĩ, cách làm, hành động. Làm sao, cộng đồng đó phải thấy mình là nhân vật chính, điều hành mọi quá trình”.

Ba cái khó

Thưa ông, qua thời gian thực hiện thí điểm, có cần sửa đổi, bổ sung tiêu chí nào của chương trình xây dựng NTM không?


Có nhiều ý kiến cho rằng, chương trình này làm trong thời gian hai năm, kết thúc giữa năm 2011 là hơi căng. Việc kéo dài thêm thời gian là rất khó, nhưng việc xem xét lại tiêu chí cho phù hợp là việc nên nghiên cứu. Nếu các tỉnh đều chọn các xã đã giàu có, các tiêu chí cứng về hạ tầng đã ổn rồi, giờ chỉ tập trung vào yếu tố mềm, tức là nội lực thì khá thuận lợi.


Trung bình tiền ngân sách rót về cho một xã để xây dựng NTM khoảng 30 tỷ đồng, nếu tiền này dồn vào phần mềm thì lại khác, còn nếu tập trung vào hạ tầng thì không thấm vào đâu. Nhiều tỉnh đưa vào đường, vào trường, xây trụ sở trước là không hợp lý. Nên cách thức thực hiện xây dựng NTM cần phải xem lại, có sự điều chỉnh kịp thời.


Theo tôi, 19 tiêu chí xây dựng NTM có thể vẫn giữ, nhưng việc áp dụng với các xã phải linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh từng nơi.


Thưa ông, khó nhất khi thực hiện xây dựng NTM là gì?


Hiện chương trình NTM đang gặp 3 vấn đề khó khăn. Đó là tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân; thu hút đầu tư về nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ. Hoạt động sản xuất phải mang lại lợi ích cho người dân.


Chẳng hạn, khi trồng rừng, phải mang lại lợi ích và nó phải nuôi sống họ, chứ không hẳn chỉ để giải quyết vấn đề môi sinh của đất nước. Hay việc thu hút nhà đầu tư cũng thế, họ phải thấy được lợi ích, đầu tư thấp nhưng lợi cao… Tóm lại, phải lồng được lợi ích tinh thần và vật chất cho cả nông dân, nhà đầu tư và cán bộ quản lý.


Vậy làm sao giải quyết được những vấn đề trên?


Trước đây, chúng ta kêu gọi người dân vì lòng yêu nước hãy tăng gia sản xuất. Nay không thể áp dụng cách làm đó. Cơ chế thị trường, lợi ích của nhóm người này dễ gây thiệt hại cho nhóm người khác. Vì thế phải có chính sách để điều phối lợi ích.


Chẳng hạn, nếu anh có đất nhưng không biết làm ăn trên mảnh đất ấy, thì cho phép tích tụ ruộng đất, để chuyển mảnh đất đó vào tay người làm ăn giỏi. Nhưng phải có chính sách hỗ trợ để người dân mất đất chuyển đổi nghề nghiệp. Hay là việc phát triển sản xuất phải lo thị trường. Nông dân cứ lo làm sản phẩm, nhưng rồi không biết bán ở đâu, thì Nhà nước phải có chính sách lo đầu ra cho nông sản…


Ở Hàn Quốc, khi xây dựng NTM, họ nhắm vào chuyện thay đổi nhận thức của người dân. Nông dân phải dựa vào chính họ, từ đó họ mới cố gắng, nỗ lực vươn lên. Ở đây, phải đẩy mạnh tuyên truyền để toàn dân ủng hộ xây dựng NTM, đưa cơ chế thị trường về nông thôn.


Dân làm chủ

Thưa ông, trong số 11 xã được chọn làm thí điểm xây dựng NTM, mỗi xã đều dự toán đầu tư vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng. Như vậy, lấy nguồn vốn đâu để xây dựng và nhân rộng mô hình NTM?

"Cách đây hơn 20 năm, chúng ta làm khoán 10 trong nông nghiệp, nông dân ra khỏi hợp tác xã, coi như không có gì trong tay. Nhưng đổi lại có động lực, là được làm chủ mảnh đất của mình, làm được miếng nào, hưởng thế nấy. Đó chính là Nhà nước đã tạo ra động lực để nông dân bứt phá, làm giàu. Còn nay, công cuộc xây dựng NTM muốn thành công cũng phải tạo ra được động lực mới cho nông dân, doanh nghiệp, người làm khoa học và nhà quản lý, nhưng động lực ấy là gì, thì chưa có câu trả lời"

Chúng ta xây dựng NTM nhưng lại tư duy dự án. Họ nghĩ đây là chương trình đầu tư, cứ làm điện, đường, trường, trạm thế là xong NTM. Tư duy dự án hay kiểu tư duy chỉ đạo, cầm tay chỉ việc không phải là vấn đề cốt yếu của xây dựng NTM. Nhà nước đưa các nguồn lực ở ngoài vào, là để giúp nông dân phát huy nội lực của mình, chứ không phải bao cấp vốn. Chỉ khi nào người dân tự mình đứng lên, làm chủ vận mệnh của mình, lúc đó chương trình NTM mới gọi là thành công.


Hiện ngoài nguồn ngân sách, các xã thí điểm cũng yêu cầu dân đóng góp khá nhiều. Dân đã nghèo, lại phải đóng góp, liệu có làm họ nản xây dựng NTM?


Việc huy động người dân đóng góp, là để cộng đồng trách nhiệm. Như các xã nghèo, dân không có tiền thì có thể góp bằng công sức, đất đai… Còn nếu bổ đầu người dân, bắt họ góp tiền, góp thóc theo tôi là không nên.


Cám ơn ông.


Phạm Khánh (Theo Báo Tiền Phong – Cập nhật 30/6/2010)

Tin khác