Dự án FLITCH: Tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho người dân

13/09/2010

Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống cho người dân (FLITCH) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ được triển khai ở Phú Yên từ năm 2007. Dự án đã mở ra triển vọng trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ông Ma Nhưng ở buôn Bai, xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) dẫn chúng tôi đi thăm hơn 1ha cây keo gần 4 tháng tuổi của mình ngay bên rìa đường gần buôn Ma Phái. Mặc dù đất đai cằn cỗi, thời tiết không thuận lợi nhưng vườn keo vẫn phát triển tốt, tỉ lệ cây sống trên 90%. Với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số như Ma Nhưng, vừa thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, để có được vườn keo như thế này là điều không dễ nếu không có FLITCH hỗ trợ.

 
 

Cán bộ dự án kiểm tra sự phát triển của keo lai.

Tham gia dự án, Ma Nhưng được hỗ trợ giống cây có chất lượng, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, vốn để mua phân bón, thuốc trừ sâu và sở hữu sản phẩm sau khi thu hoạch. Ma Nhưng tâm sự: “Đất ở khu vực này cằn cỗi không thuận lợi cho sản xuất. Được cán bộ hướng dẫn, tôi mạnh dạn trồng keo. Trồng loại cây này dễ, mỗi năm bón phân hai lần, mình chỉ bỏ công rào lại để tránh bò vào ăn là được”.

Không riêng Ma Nhưng, hàng trăm hộ dân ở ba xã Ea Lâm, Ea Bá, Ea Bar (huyện Sông Hinh) cũng tham gia và hưởng lợi từ dự án này. Ông Trần Minh Quang, Phó giám đốc Dự án FLITCH huyện Sông Hinh cho biết: “Khi mới triển khai bà con không mặn mà lắm, nhưng bây giờ nhiều hộ đã mạnh dạn tham gia. Năm 2009, dự án trồng được 35ha rừng (keo, bạch đàn), năm 2010 diện tích đăng ký tăng lên 585ha (rừng sản xuất, rừng nông - lâm kết hợp), vượt kế hoạch tỉnh giao gần 100ha. Ban dự án huyện đã đề nghị bổ sung thêm diện tích trồng rừng để đáp ứng nhu cầu cho bà con”.

Ông Quang cho biết thêm, tham gia dự án FLITCH, mỗi hec ta rừng trồng được hỗ trợ 500USD (tương đương 9 triệu đồng), hỗ trợ 300USD cho 1ha rừng trồng nông - lâm kết hợp, thời gian hỗ trợ trong 4 năm (1 năm trồng, 3 năm chăm sóc). Mỗi gia đình được hỗ trợ tối đa 6ha rừng trồng. Ngoài ra, bà con còn được vay 1- 5 triệu đồng trong vòng 3 năm để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống.

Theo tính toán của nhà chuyên môn, nếu mỗi hộ trồng đủ 6ha keo, số tiền thu về trên dưới 200 triệu đồng. Và cứ thế hết luân kỳ này, người dân tiếp tục tự bỏ vốn tái tạo lại rừng để hưởng lợi lâu dài.

Theo Phú Hà – Kinh tế Đô thị


Tin khác