Chỉ 1/3 dự án được duyệt
Theo đề án đến năm 2010, Hà Nội duy trì đầu tư gần 12.000 ha rau xanh hiện có, quản lý và rà soát hơn 2.000 ha rau được giám sát trồng theo quy trình SX RAT. TP cũng chú trọng phát triển diện tích RAT ở các vùng SX tập trung nhằm nâng diện tích RAT lên 2.400 - 2.500ha với năng suất 20 tấn/ha/vụ, sản lượng khoảng 150.000 - 155.000 tấn rau/năm, đáp ứng trên 16% nhu cầu của người tiêu dùng. Dự kiến, đến năm 2015, Hà Nội sẽ quyết tâm có được 5.000 - 5.500ha RAT, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô. Diện tích rau còn lại cũng sẽ được thực hiện bằng các biện pháp kiểm tra và phân công cán bộ kỹ thuật quản lý, giám sát.
|
Đề án rau sạch 1000 tỷ đang gặp nhiều trở ngại lớn |
Tuy nhiên đến thời điểm này Hà Nội mới có 16 dự án xây dựng vùng RAT với diện tích 1.925 ha đang trình các Sở và UBND thành phố, trong đó mới có 3 dự án với 187 ha được TP phê duyệt, 6 dự án khác tại huyện Đông Anh đã trình các ngành và TP, song do vướng mắc về quy hoạch khác nên phải dừng lại, không triển khai tiếp được. Đến nay toàn thành phố mới có hơn 300 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, kém xa so với chỉ tiêu đưa ra.
“Để dự án rau sạch thành công, điều quan trọng phải xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Chính vì thế, sản phẩm RAT phải được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào, tức là phải gắn tên hộ SX, để họ có trách nhiệm với từng cây rau mình làm ra. RAT phải được đóng gói đẹp, có mã số, mã vạch, địa chỉ của người sản xuất, niêm yết giá và khối lượng rõ ràng theo quy trình khép kín. Vấn đề này, chỉ mình người SX hoặc DN không làm được mà phải có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước” - GĐ Cty CP Hà An, ông Lê Năng Công. |
Lý giải về việc chậm trễ này, lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Nội cho rằng, do vướng mắc trong khâu phân công cán bộ lập dự án tại các địa phương, chưa thống nhất về nguồn nước; vướng quy hoạch, vướng thu hồi, giải phóng mặt bằng cũng khiến cho các dự án không theo kịp tiến độ. Nhiều dự án do cán bộ trực tiếp lập dự án không sâu sát đã dẫn đến tình trạng, dự án trình lên nhưng không được xem xét duyệt. Cụ thể dự án RAT tại xã Tráng Việt (Mê Linh) dù đã trình lên từ tháng 1/2009 nhưng do không phân công nhiệm vụ rõ ràng, cán bộ thực hiện không nắm vững trình tự thủ tục dự án nên chưa được phê duyệt. Hay dự án tại xã Tân Phú (Quốc Oai), đã trình từ cuối năm 2009, nhưng do không bám sát hồ sơ, gần như giao khoán trắng cho đơn vị tư vấn nên vẫn chưa thể triển khai…
Mặt khác các thủ tục để triển khai dự án trồng rau cũng gặp nhiều khó khăn, cụ thể các hạng mục phụ trợ như đường giao thông, nhà kho, nhà sơ chế cũng phải lập dự án riêng, trình cơ quan chức năng thẩm định mất nhiều thời gian, khiến các nhà đầu tư chán nản... Ông Nguyễn Văn Chí, GĐ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng, một số dự án RAT thất bại trước đây, chủ yếu do đầu tư tự phát và thiếu bài bản trong quy hoạch. Mặt khác, các dự án này bế tắc là bởi việc SX RAT còn bỏ ngỏ khâu khai thác thị trường, tạo dựng thương hiệu khiến người tiêu dùng chưa tin tưởng. Kinh nghiệm thành công từ các dự án rau hữu cơ ở Sóc Sơn là phải có DN đứng ra xây dựng thương hiệu, tổ chức phân phối... còn nếu để các HTX tự SX, tự tiêu thụ khó có thể thành công.
Theo ông Chí, việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ, chính sách thu hút nông dân cũng như mối liên hệ giữa DN và nông dân chưa được quan tâm đầy đủ. Người nông dân làm ra sản phẩm thì chỉ quan tâm tới việc bán ở đâu, giá cả thế nào. Vì vậy, thị trường nào tốt thì họ sẽ theo. Do đó, khi đầu tư vào lĩnh vực này, DN cũng phải hiểu nông dân, phải chia sẻ lợi ích với nông dân thì dự án mới thành công.
Quy hoạch chậm, rau sạch dậm chân…
“Đầu ra sản phẩm không quan trọng, vấn đề là tổ chức SX như thế nào để đảm bảo chất lượng, để người tiêu dùng tin tưởng là sản phẩm RAT. Vấn đề quan trọng nhất là quy trình SX RAT theo quy mô lớn. Khi các HTX SX rau quy mô nhỏ thì dễ dàng, song khi làm khối lượng lớn lại phát sinh nhiều vấn đề. Do vậy, thành phố khuyến khích các DN vào đầu tư SX theo quy mô lớn, có quy trình đảm bảo chất lượng” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng. |
Tuy vậy trên thực tế các DN được UBND TP Hà Nội giới thiệu địa điểm xây dựng cơ sở SX RAT đều gặp khó khăn. Mới đây, tại cuộc họp bàn triển khai đề án RAT, Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng cho biết, đầu năm 2010 DN Tôn Kin được giới thiệu 3 địa điểm làm rau sạch đều không thể triển khai vì gặp một loạt rào cản cho dù đơn vị này cam kết bao tiêu tất cả sản phẩm. Một thủ tục đơn giản phải mất 5-6 tháng để thẩm định khiến nhà đầu tư nản lòng. Có trường hợp DN chỉ xây dựng một máy biến áp mà cũng phải lên Điện lực thành phố xin thỏa thuận. Tại Sóc Sơn, DN Tôn Kin không nhận được sự ủng hộ của nông dân bởi giá trị thu được từ trồng rau thấp hơn từ trồng hoa. Hay ở một số nơi khác, bà con để đất chờ đợi các dự án khác của thành phố để có mức đền bù cao hơn trồng rau...
Cũng theo ông Hùng, sở dĩ tiến độ thực hiện đề án quá chậm so với yêu cầu là do công tác quy hoạch chậm. Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô còn chưa được phê duyệt nên Quy hoạch phát triển nông nghiệp chưa được hoàn chỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở cho việc thực hiện các dự án đầu tư SX RAT.
Ngoài ra các địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện dự án. Việc phối kết hợp giữa các huyện với các sở ngành liên quan để triển khai công tác lập, thẩm định, trình duyệt các dự án và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn thiếu chặt chẽ... Đến nay các địa phương mới chỉ tập trung chỉ đạo các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất RAT, chưa triển khai công tác SX sau đầu tư và chưa quan tâm đúng mức đến các DN tham gia trực tiếp vào lĩnh vực này.
Nhận định về tiến độ thực hiện đề án, ông Trịnh Duy Hùng cho rằng, hiện các dự án mới đi được 1/3 quãng đường, tức là mới dừng ở khâu xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn về hình thức tổ chức, giám sát quy trình sản xuất, lợi ích của người dân và xã hội dường như chưa được quan tâm. Vì thế, các DN và địa phương cần chấn chỉnh và xây dựng dự án theo mô hình khép kín. “Tới đây những dự án không xây dựng được quy trình sản xuất khép kín thì UBND TP sẽ yêu cầu dừng triển khai. Mỗi huyện phải chọn ít nhất 1 dự án để thực hiện. Nếu khó thì phải lập tức tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án” - ông Hùng chỉ đạo.
Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 122 cửa hàng bán RAT đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, 8 chợ đầu mối buôn bán rau và chỉ có duy nhất 1 chợ đầu mối Vân Nội (Đông Anh) đã có khu vực bán RAT và rau thường riêng biệt. Hiện mới chỉ có 26% sản lượng RAT được bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc bán trong hệ thống cửa hàng của TCty Thương mại Hà Nội (Hapro), còn lại một lượng rất lớn phải bán trôi nổi trên thị trường tự do với giá rau thường.Theo Nông nghiệp Việt Nam