Vedan đồng ý bồi thường 120 tỷ cho nông dân Đồng Nai

12/08/2010

AGROINFO - Chiều 11/8, Tổng giám đốc Vedan Việt Nam Yang Kun Hsiang đã ký văn bản gửi UBND Đồng Nai đồng ý bồi thường gần 120 tỷ đồng cho nông dân bị thiệt hại (sớm hơn hai ngày so với dự kiến). Công ty Vedan cũng không cần làm việc lại với UBND tỉnh mà chấp nhận bồi thường 100% theo cách tính của Viện Môi trường – Tài nguyên (IER) với mong muốn giải quyết dứt điểm sự việc.

Chi tiền xong, hết trách nhiệm?

Văn bản nêu rõ, Vedan đồng ý bồi thường thiệt hại cho nhân dân bị ảnh hưởng thuộc bốn xã của hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch với số tiền 119,5 tỷ đồng. Vedan đề nghị UBND tỉnh giao cho cơ quan chức năng thống nhất thương lượng số tiền nói trên với người dân bị thiệt hại để công ty giải quyết bồi thường. Vedan cũng nói rõ: “Số tiền trên là toàn bộ số tiền bồi thường cho người dân bị thiệt hại của tỉnh Đồng Nai từ thời điểm này trở về trước trên lưu vực sông Thị Vải của tỉnh. Người dân bị thiệt hại của tỉnh không khởi kiện Vedan ra tòa. Các khiếu nại bồi thường (nếu có) sẽ không thuộc trách nhiệm của Vedan”.

 
Sau 2 năm đi đòi công lý của nông dân 3 tỉnh phía Nam là Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh, Công Vedan đã phải có trách nhiệm với hành động phá hoại môi trường mà mình gây ra.

Sở dĩ Vedan ra điều kiện này vì con số IER đưa ra chỉ mới “dựa trên các số liệu tính toán từ bản đồ và thông tin về đơn giá bình quân yêu cầu hỗ trợ thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản (theo Biên bản cuộc họp ngày 22/5/2009 giữa đại diện Hội Nông dân ba tỉnh, thành phố với Công ty Vedan), chưa có các số liệu thống kê, thẩm tra, xác minh thực tế của địa phương về diện tích nuôi trồng thủy sản và giá trị thiệt hại thực tế” (văn bản Viện IER gửi UBND tỉnh Đồng Nai) nên vẫn chưa phải là con số chính xác 100%.

Ngoài ra, tại thông báo kết luận cuộc họp ngày 9/8 do Bộ TN-MT vừa phát ra cũng nêu số tiền Vedan bồi thường cho các tỉnh là số tiền bồi thường thiệt hại cho tất cả nông dân bị thiệt hại từ nay trở về trước và người dân ba địa phương này sẽ không khởi kiện Vedan nữa.

Phải hỏi ý kiến dân

Trao đổi với Đất Việt, ông Ao Văn Thinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai xác nhận đã nhận được văn bản. Tỉnh sẽ sớm họp dân để hỏi ý kiến có chấp nhận mức bồi thường này hay không vì đã nộp hồ sơ kiện rồi. Nếu dân đồng ý thì rút đơn kiện còn không đồng ý thì tiếp tục kiện.

Về việc Vedan đồng ý bồi thường gần 120 tỷ có thỏa đáng hay không, ông Thinh cho rằng cần phải dựa trên nhiều yếu tố. Năm 1996 Vedan xả thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải và đã phải hỗ trợ nông dân ba tỉnh, thành phố 15 tỷ đồng. Nay tái phạm và mức độ nghiêm trọng hơn thì hậu quả phải lãnh chịu lớn. Vedan đã phải trả giá đắt cho những sai phạm mà họ đã gây ra: tiền bạc, danh dự, uy tín, thương hiệu… Nếu họ nhận thức được vấn đề và có thái độ tích cực trong việc khắc phục hậu quả, bù đắp những thiệt hại, mất mát cho người dân sớm, thỏa đáng thì sự việc không như bây giờ.

Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia Đồng Nai, cho biết có nghe thông tin trên nhưng vẫn tiến hành giúp dân khởi kiện như kế hoạch vì chưa nhận được chỉ đạo mới. Trong ngày, tổ luật sư đã nộp được hơn 100 đơn kiện lên tòa.

Nông dân Đỗ Bá Ngâm, xã Phước Thái, huyện Long Thành, một trong các nông dân được luật sư Báo Đất Việt hỗ trợ pháp lý đã nộp đơn khởi kiện Vedan đòi bồi thường 800 triệu đồng nói rằng 120 tỷ đồng chưa thấm vào đâu so với thiệt hại của nông dân. Do Đồng Nai chưa thống kê được thiệt hại cụ thể nên số tiền này sẽ không biết chi trả cho dân như thế nào. Nếu gặp nhau ở tòa để tòa phân xử thì sẽ hay hơn.

Một nông dân khác cũng được Đất Việt tư vấn pháp lý là La Văn Lối nói vẫn đang bổ sung các chi tiết còn lại của hồ sơ để nộp đơn kiện. Ông Lối nói rằng nếu tính đúng, tính đủ thì “Vedan có bán cả nhà máy cũng không bồi thường hết”, nhưng trên tinh thần thương lượng vẫn có thể chấp nhận việc họ bồi thường ở mức tương đối.

Ngoài số tiền bồi thường thiệt cho nông dân, Vedan đã cam kết với Bộ TN-MT thanh toán hơn 4,5 tỷ đồng toàn bộ chi phí liên quan đến việc giải quyết vụ Vedan như kiểm tra, giám sát, đánh giá môi trường, các hoạt động tư vấn,… Trong đó chi phí cho mỗi tỉnh là 500 triệu đồng và cho IER hơn ba tỷ đồng.

 

Vedan và vai trò của phản biện báo chí

Thông tin mới nhất về vụ Công ty Vedan tàn phá môi trường: ngày 11/8, Vedan chấp nhận bồi thường 100% cho nông dân Đồng Nai, với số tiền 119 tỷ đồng (trước đó, công ty này cũng chấp nhận bồi thường 100% cho nông dân TP HCM và BR-VT). Đây là kết quả của một quá trình đấu tranh quyết liệt của Hội nông dân các địa phương, nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước, luật sư và đặc biệt có sự đóng góp lớn của báo chí.

Phải nói rằng trong vụ Vedan, báo chí có tiếng nói đồng thuận tuyệt đối, đã thực hiện được chức năng là diễn đàn của nhân dân, đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân. Không chỉ trong vụ Vedan, nhiều vấn đề khác trong cuộc sống, báo chí đã phản biện tích cực. Siêu dự án đường sắt cao tốc không được QH thông qua trong kỳ họp vừa rồi có sự phản biện xã hội rất lớn của dư luận, qua hệ thống báo chí.

Hai sự kiện trên chỉ là những vụ việc điển hình gần đây, nếu có một cái nhìn toàn cảnh về vấn đề này, sẽ thấy rất nhiều vấn đề xã hội mà báo chí đã tham gia phản biện. Qua đó chúng ta thấy vai trò rất lớn của báo chí trong công tác phản biện xã hội. Qua chức năng phản biện, báo chí đã thực hiệm đúng đắn nhiệm vụ là diễn đàn của nhân dân. Một khi báo chí trở thành diễn đàn của nhân dân, báo chí sẽ có sức sống mãnh liệt. Sức sống đó làm cho báo chí hấp dẫn, để từ đó công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dễ dàng hơn, sâu rộng hơn.

Tất nhiên nhiệm vụ của báo chí không chỉ có phản biện. Nhiệm vụ chính của báo chí là thông tin. Nhiệm vụ này được điều chỉnh của Luật báo chí và sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Do vậy nhiều đại biểu tham dự đại hội Hội nhà báo VN lần thứ IX rất quan tâm đến vấn đề xây dựng một Luật báo chí hiện đại, đủ sức điều chỉnh các hoạt động báo chí.

Thực ra các cơ quan chức năng, Bộ TT-TT cũng dã tiến hành sửa đổi Luật báo chí, lẽ ra đã được QH thông qua vào kỳ họp cuối năm 2009, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí trong những năm gần đây, đặc biệt là sự phát triển của internet, chúng ta cần một Luật báo chí toàn diện hơn, để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo đủ điều kiện để báo chí phát triển đúng hướng. Đó là lý do vì sao cho đến hôm nay Luật báo chí sửa đổi chưa được trình QH.

Nhìn vào bức tranh chung của hoạt động báo chí trong thời gian qua, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về quản lý, đặc biệt trong việc quản lý báo điện tử, báo hình. Internet đang làm thay đổi thế giới một cách sâu sắc. Tuy internet không làm thay đổi bản chất con người nhưng trong hơn 15 năm qua, nó đã phá vỡ những rào cản vật lý và cả những rào cản về văn hóa. Internet bây giờ đến tận nông thôn, miền núi, có cả internet di động, do vậy loại hình báo điện tử trở nên phổ biến và việc quản lý nó là một vấn đề lớn.

Về báo hình cũng vậy, đang bộc lộ những khiếm khuyết trong công tác quản lý khi mỗi tỉnh thành đều có đài truyền hình, tạo nên sự lãng phí không đáng có, cả vấn đề “xã hội hóa” các chương trình truyền hình cũng đặt ra nhiều thách thức. Báo in cũng đang gặp không ít khó khăn trong công tác phát hành và đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của báo điện tử. Công tác đào tạo nhà báo hiện đại cũng là vấn đề mà Hội Nhà báo VN cần quan tâm để đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí trong tương lai…

Chúng ta đang sống trong thời kỳ bùng nổ thông tin. Thông tin cũng có giá trị kinh tế rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm sao, làm thế nào xây dựng cho được một nền báo chí hiện đại và nhân bản. Một nền báo chí mà tiếng nói của nhân dân được xem trọng; một Luật báo chí hiện đại, thể chế hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, để báo chí thực sự là diễn đàn của nhân dân. Hồ Tuấn


Phạm Khánh (Theo Báo Đất Việt)

Tin khác