Ninh Bình: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn

12/08/2010

AGROINFO - Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tỉnh Ninh Bình nhanh chóng xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát thực với tình hình địa phương, thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở.

Sau 2 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, đã tạo ra những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, đổi mới bộ mặt nông thôn. Nghị quyết 26-NQ/T.Ư tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, tạo ra nhiều mô hình cây, con mới theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác được tiềm năng, thế mạnh, đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, bền vững.

 
Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại đang được áp dụng nhiều trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Đức Lam

Đối với trồng trọt, diện tích cây trồng hàng năm đều tăng lên, năm 2009 toàn tỉnh đạt 110,9 nghìn ha, vượt 1,2% so với kế hoạch, năng suất lúa cả năm đạt 60,48 tạ/ha, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt trong năm đạt 50,3 vạn tấn, tăng 2,3% so với năm trước, vượt 0,4% kế hoạch năm. Đặc biệt, tỉnh ta đã thực hiện thắng lợi đề án phát triển lúa cao sản và lúa chất lượng cao với diện tích trên 20 nghìn ha.

Bên cạnh đó, sản xuất vụ đông được khuyến khích đẩy mạnh phát triển, mở rộng ra diện tích đất 2 lúa bằng đa dạng các loại cây trồng như đậu tương, ngô, bí xanh, cà chua, ớt, rau các loại. Năm 2009, diện tích vụ đông của tỉnh đạt lớn nhất từ trước đến nay với 22.581 ha, tổng giá trị sản xuất vụ đông đạt gần 395 tỷ đồng, bình quân giá trị đạt 16,9 triệu đồng/ha.

Đi đôi với trồng trọt, chăn nuôi cũng được nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh phát triển. Ngoài những con nuôi chủ lực như trâu, bò, lợn, gà, vịt…, người dân còn tích cực đưa vào các con nuôi mới, con nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao như nhím, dê, cá sấu, thỏ, đà điểu, ba ba… theo quy mô trang trại, gia trại với định hướng sản xuất hàng hoá có chất lượng, giá trị cao, gắn với giết mổ tập trung, hạn chế dần ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh và sức khoẻ cộng đồng.

Trong nông nghiệp, để nâng cao giá trị thu nhập và mở rộng diện tích canh tác, những diện tích vùng trũng cấy được 1 vụ lúa, cấy năng suất thấp hoặc những diện tích mặt nước như ao, hồ, sông… đã được người dân chuyển đổi mạnh sang nuôi trồng thuỷ sản, với nhiều con nuôi có thế mạnh như cá, tôm, cua, ếch… Nhờ đó, sản lượng thuỷ sản trong tỉnh hàng năm tăng lên rõ rệt, năm 2009 diện tích nuôi trồng là 9.462 ha, sản lượng đạt trên 24 nghìn tấn, giá trị sản xuất đạt 239 tỷ đồng, đến 6 tháng đầu năm 2010 diện tích nuôi đã đạt gần 9 nghìn ha, sản lượng đạt trên 9.500 tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất được duy trì, ổn định và phát triển, tạo đà cho việc xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với mô hình đô thị. Từ sự quan tâm của Trung ương, các cấp, các ngành, sự nỗ lực huy động các nguồn lực của tỉnh, hệ thống thuỷ lợi, giao thông nông thôn, điện, bưu chính viễn thông ở vùng nông thôn được đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa kiên cố, khang trang, đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng, giảm dần sự chênh lệch về diện mạo, bộ mặt nông thôn so với thành thị. 

Nhiều dự án thuỷ lợi, các công trình trọng điểm với nguồn kinh phí lớn được đẩy mạnh tiến độ như dự án mở rộng thoát lũ sông Hoàng Long, dự án nạo vét, nâng cấp, xây kè, cải tạo cảnh quan sông Sào Khê, dự án nâng cấp tuyến đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy kết hợp giao thông từ Khu du lịch tâm linh Bái Đính đi Kim Sơn, dự án củng cố, nâng cấp đê biển Bình Minh II… Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương, thuỷ lợi nội đồng thường xuyên được tôn cao, áp trúc, nạo vét, xây kè, phục vụ thiết thực cho tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.

 Đến nay, tổng chiều dài kênh mương trên địa bàn đã được kiên cố là 703,2 km, đạt 85%. Trong 2 năm 2008, 2009, được đầu tư trên 316 tỷ đồng, toàn tỉnh đã nâng cấp, làm mới được trên 322 km đường giao thông nông thôn, xây mới 8 cầu bê tông cốt thép, 617 cống các loại, tỷ lệ cứng hoá mặt đường đạt 93%. Hệ thống điện lưới nông thôn được nâng cấp, chống quá tải đường dây trung thế, trạm biến áp, đảm bảo sản lượng và chất lượng điện, mức độ đáp ứng yêu cầu về điện cho sản xuất, sinh hoạt đạt 100%. Hoạt động bưu chính viễn thông phát triển đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của người dân vùng nông thôn. 100% số xã trên toàn tỉnh đã có điểm bưu điện văn hoá xã, bưu cục, đại lý cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ phong phú, sôi động, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hoá của người dân. Hệ thống chợ nông thôn, mạng lưới bán lẻ xăng dầu, siêu thị mini… được cải tạo và xây dựng mới tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Các cơ sở sản xuất ngành nghề được nhân rộng, với trên 42 nghìn cơ sở, đa dạng các ngành nghề như chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, hàng cói, hàng thêu… thu hút trên 97 nghìn lao động nông thôn tham gia, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện mức sống, xoá đói, giảm nghèo.

Đời sống vật chất của người dân vùng nông thôn được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi để chăm lo, quan tâm đến đời sống tinh thần. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” làm cho mỹ quan của nông thôn ngày một khang trang, sạch đẹp, vệ sinh môi trường đảm bảo, các thiết chế văn hoá được xây dựng và thực hiện nghiêm túc, hạn chế đến mức thấp nhất những hủ tục lạc hậu, rườm rà; thuần phong, mỹ tục được khơi dậy, phát huy, tỷ lệ hộ gia đình văn hoá, khu dân cư tiên tiến, làng văn hoá tăng lên hàng năm. Đã có 130/146 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, có 632 cơ sở giáo dục gồm các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được chú trọng. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 80%.

Trong nông thôn hình thành các mô hình thu gom rác quy mô thôn, xóm, điểm thu gom rác thải tập trung, xử lý chất thải. Quy hoạch khu dân cư nông thôn, tổng thể không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật được quan tâm. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân vùng nông thôn được chú trọng, trên 18 nghìn lao động được tạo việc làm mới, tỷ lệ hộ nghèo năm 2009 giảm còn 6,87%, nhiều nhà dột nát được hỗ trợ xây mới, sửa chữa. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật tích cực đưa vào áp dụng trong nông thôn tạo hiệu quả, chuyển biến. Hệ thống chính trị trong nông thôn toàn tỉnh được giữ vững, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo.


Phạm Khánh (Theo Báo Ninh Bình)

Tin khác